Thiêng liêng nguồn cội
Uống nước nhớ nguồn, luôn nhớ về nguồn cội là truyền thống văn hóa cao quý, thiêng liêng của người Việt. Trong gia đình, phong tục thờ cúng tổ tiên thể hiện sự tưởng nhớ, tri ân công đức của những người đã khuất như cha mẹ, ông bà, tổ tiên... Vì thế, trong gia đình người Việt, không gia đình nào không có bàn thờ tổ tiên trong nhà. Nhìn rộng ra cộng đồng xã hội, dân tộc Việt vốn luôn hướng về nguồn cội. Dù đi đâu ở đâu, những ngày lễ tết, người ta đều hướng về quê hương, đất nước. Những bậc vua chúa, công thần, danh nhân… có nhiều đóng góp cho dân cho nước được nhân dân tri ân, ngưỡng mộ, được tạc tượng, lập miếu, đền,… và được tổ chức thờ cúng trang nghiêm… Đặc biệt, trong tâm thức người Việt, các Vua Hùng là tổ tiên của cả dân tộc. Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba. Đây là dịp để mọi người bày tỏ lòng thành kính tưởng nhớ và biết ơn nguồn cội, ghi nhớ công ơn của những vì vua, những bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương từ ngàn đời nay là niềm tin thiêng liêng, là sức mạnh gắn kết cộng đồng, là điểm tựa tinh thần để dân tộc vượt qua mọi khó khăn, thách thức của lịch sử để tồn tại và phát triển… Vì thế, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” đã thể hiện lòng tôn kính đối với các bậc tổ tiên và từ đó nâng lên lòng tự hào dân tộc và gắn kết cộng đồng của cả dân tộc Việt Nam.
Như vậy, đến thời điểm này, Việt Nam có 7 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh ở tầm thế giới (Không gian cồng chiêng Tây nguyên, Nhã nhạc cung đình Huế, Ca trù, Quan họ, Hội Gióng, Hát Xoan và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương). Việc Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại là niềm tự hào của cả dân tộc. Qua đây, mỗi người dân Việt càng thể hiện sự đoàn kết, chung sức, chung lòng phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, củng cố lòng yêu nước, ý chí kiên cường bất khuất trước các thế lực ngoại xâm, thực hiện lời dạy của Bác: Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước. Càng kiên quyết giữ gìn từng tấc đất của tổ tiên để lại, mỗi người càng cùng chung tay, góp sức xây dựng nước Việt giàu mạnh, văn minh, xứng đáng với kỳ vọng của cha ông đi trước. Mặt khác, bên cạnh tăng cường các biện pháp nâng cao nhận thức của người dân về truyền thống nhớ về nguồn cội, lòng tự hào dân tộc thì cần đặc biệt quan tâm đầu tư, tôn tạo, bảo tồn các di sản văn hóa, nhất là khu di tích lịch sử Đền Hùng (Phú Thọ) sao cho xứng danh tầm cỡ quốc gia, gắn việc bảo tồn di sản văn hóa với sự phát triển bền vững của đất nước.
DÂN THƯỜNG