Thích ứng để đón đầu cơ hội
(BDO) Thị trường thế giới biến động liên tục và ngày càng khó đoán định là thách thức lớn cho nhiều ngành hàng, trong đó có ngành gỗ. Tuy nhiên, trong khó khăn vẫn có cơ hội cho những doanh nghiệp (DN) có chiến lược và thích ứng tốt với “luật chơi” mới. Đó là nhận định của các chuyên gia tại Diễn đàn công nghiệp Gỗ và Nội thất Việt Nam với chủ đề “Giữ vị thế - đón cơ hội”, do Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.Hồ Chí Minh (HAWA) tổ chức vào cuối tháng 7 vừa qua.
Bình Dương được xem là “thủ phủ” của ngành gỗ Việt Nam khi có tới hơn 1.200 DN chế biến, xuất khẩu gỗ và chiếm gần một nửa tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của cả nước. Hiện tại, cũng như những ngành hàng tiêu dùng khác, ngành gỗ đang rơi vào tình trạng khó khăn do sự biến động của thị trường thế giới. Mặc dù đã được dự báo từ trước, nhưng việc thiếu đơn hàng kéo dài đã kéo theo tình trạng DN giải thể, công nhân mất việc làm. Trước tình hình đó, các DN ngành gỗ đang cố gắng thích ứng với sự biến động của thị trường, tìm cơ hội để vượt khó và tiếp tục phát triển.
Đặc thù của ngành chế biến, xuất khẩu gỗ là sử dụng nhiều lao động. Thiếu đơn hàng sản xuất đồng nghĩa với việc phải giảm, giãn việc làm của công nhân lao động. Khó khăn lớn nhất của các DN ngành gỗ hiện nay là tạo việc làm để giữ chân người lao động. Trước tình hình thiếu đơn hàng, nhiều DN ngành gỗ phải chia ca cho công nhân làm việc luân phiên, không tổ chức tăng ca nhằm bảo đảm công nhân nào cũng có việc làm, có thu nhập. Một số DN còn chủ động tạo thêm việc làm bằng cách chuyển đổi mặt hàng sản xuất, tìm kiếm thị trường cho những mặt hàng mới. Cùng với việc giữ chân người lao động, DN còn tinh gọn bộ máy quản lý, tổ chức hợp lý dây chuyền sản xuất để tiết giảm chi phí trong giai đoạn khó khăn.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, thiếu đơn hàng chỉ là tạm thời, ngành gỗ Việt Nam vẫn còn dư địa để tiếp tục phát triển trong thời gian từ 5 đến 10 năm tới dựa trên sự tăng trưởng của kinh tế thế giới. Một khi thị trường khởi sắc trở lại, cơ hội cho ngành gỗ là rất lớn. Do đó, DN ngành gỗ cần chuẩn bị chiến lược cho những bước đi tiếp theo, nhanh chóng thích ứng với “luật chơi” mới. Một trong những “luật chơi” mới mà thị trường đang đòi hỏi cấp thiết là tính bền vững trong sản phẩm nội thất theo hướng chuyển đổi xanh. Đây không còn là tiêu chuẩn mang tính tự nguyện như trước mà đã trở thành điều kiện bắt buộc, nếu muốn tham gia thị trường.
Chuyển đổi xanh ngay từ bây giờ chính là con đường để nâng cao năng lực cạnh tranh của DN ngành gỗ. Chuyển đổi xanh chính là bước đi cần thiết trong định vị mục tiêu, tầm nhìn để DN ngành gỗ đón đầu cơ hội hậu lạm phát, từ đó phát triển bền vững hơn.
LÊ QUANG