Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ với những vần thơ bất hủ!
Trong dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh và 37 năm ngày giỗ của thi tướng Huỳnh Văn Nghệ tại nhà lưu niệm của thi tướng ở Thường Tân, Tân Uyên, nhiều người tự nhận mình là đàn em và kể về ông với một niềm tự hào sâu sắc đã được gặp, làm việc cùng ông tướng giỏi thơ văn…
Thơ ông là những vần chân chất, thắm đượm tình cảm của người con đối với cha mẹ, bằng hữu. Cũng là thơ ông với những dòng bất hủ viết về quê hương đất nước của một người con luôn đau đáu với vận mệnh của dân tộc. Ngày 15-2-2014 (16 tháng giêng năm Giáp Ngọ), tại nhà lưu niệm Huỳnh Văn Nghệ, hơn 500 khách mời từ lãnh đạo tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai đến các cựu binh Thủ Biên, các vị lão thành cách mạng và bạn bè của gia đình đã đến dự và mọi người cùng nhau ôn lại những kỷ niệm “gươm - bút” của ông.
Ông Huỳnh Văn Nam (trái) tặng 2 tập sách về cha mình cho khách đến dự ngày giỗ thứ 37 và 100 năm ngày sinh Huỳnh Văn Nghệ
Các ông Trần Đức Tịnh, Nguyễn Văn Tào (thuộc Lữ đoàn Đặc công Biệt động) cho biết họ là đàn em, là những người luôn hâm mộ vị tướng như Huỳnh Văn Nghệ. Theo họ, ông là một tướng lĩnh rất mềm mỏng, nhân hậu “mới có những vần thơ hay như thế”. Bà Nguyễn Thị Nhuần (Bình Dương), Lê Thị Huệ (Đồng Nai) và nhóm bạn trong Ban liên lạc của những cựu binh Thủ Biên xưa cảm động đi thăm lại Khu nhà lưu niệm mà họ cho biết năm nào cũng về dự một lần. “Hồi đó, chúng tôi là giao liên và đi đâu ở vùng Chiến khu Đ cũng nghe người ta nhắc về ông, về tài thơ của ông”. Nhiều người bùi ngùi khi đọc bài thơ “Bà bán cau” được khắc trên mộ mẹ ông Huỳnh Văn Nghệ ở Khu nhà lưu niệm. Đây cũng là tình cảm, tấm lòng của ông về người mẹ tảo tần, buôn gánh bán bưng của mình: “Trên đường cát xa thăm thẳm ấy/ Bà bán cau gánh nặng trên vai oằn/ Lẹ làng đi, dưới chân cát cháy/ Nón, dù đâu? Nắng đốt chiếc khăn rằn”…
Dịp này, nhiều người còn cảm động khi được ông Huỳnh Văn Nam, trưởng nam của thi tướng Huỳnh Văn Nghệ tặng 2 tập sách dày về cuộc đời, sự nghiệp của thi tướng (NXB Đồng Nai). Bộ sách khắc họa chân dung thi tướng Huỳnh Văn Nghệ như những gì ông đã sống và đã viết. Đọc sách chúng ta thấy ông là con người kết tinh những tính cách đặc biệt giữa một nhà trí thức, một nhà quân sự và một nhà thơ. Tập 1 (gần 500 trang, có tên Huyền thoại một con người, viết về cuộc đời - sự nghiệp Huỳnh Văn Nghệ) với phần 1 dựng lại chân dung Tám Nghệ từ thuở ấu thơ, đi học đến chuyện vào lập nên Chiến khu Xanh (Đ) lừng lẫy. Phần 2 của tập sách này công bố rất nhiều tư liệu như: Lời bình bộ phim Thi tướng rừng Xanh của hãng phim TFS sản xuất. Phần lớn nội dung của tập 1 còn công bố các bài viết, tư liệu của bạn đọc, nhà nghiên cứu, nhà văn viết về ông và toàn bộ nội dung hội thảo khoa học Huỳnh Văn Nghệ- cuộc đời và sự nghiệp được tổ chức năm 2007.
Tập 2 (hơn 700 trang) là Tuyển tập thơ văn, sưu tầm và công bố tất cả những tác phẩm của ông gồm thơ, truyện, ký. Ngoài thơ, văn, Huỳnh Văn Nghệ còn viết ký, viết báo bằng tiếng Pháp. Tác phẩm của ông cho người đọc cái nhìn rõ nét nhất khi giữa những năm tháng tay gươm tay bút ở chiến trường miền Đông, tập kết ra Bắc, rồi trở lại chiến khu... Huỳnh Văn Nghệ đã để lại cho văn chương miền Đông Nam bộ cũng như thơ văn Việt Nam một số lượng tác phẩm đồ sộ và phong phú về thể loại với những vần thơ bất hủ: “Ai đi về Bắc ta theo với/ Thăm lại non sông giống Lạc Hồng/ Từ thuở mang gươm đi mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”…
QUỲNH NHƯ