Thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ không bị ảnh hưởng

Thứ bảy, ngày 14/05/2016

(BDO)

Chế biến gạo xuất khẩu. (Ảnh: Đình Huệ/ TTXVN)

Trước thông tin Thái Lan chuẩn bị tung bán ra thị trường trên 11 triệu tấn gạo dự trữ với giá rẻ, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trên địa bàn thành phố Cần Thơ cho biết không lo ngại về thông tin này và gạo Thái Lan có tung ra thị trường cũng không làm ảnh hưởng đến thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Ông Nguyễn Trung Kiên, Chủ tịch ​Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Gentraco (Cần Thơ), cho biết đã nghe thông tin Thái Lan sẽ tung ra thị trường bán gạo dự trữ trên 11 triệu tấn nhưng trong số gạo nói trên có đến hơn 80% sản lượng bán ra để phục vụ cho công nghệ thực phẩm, công nghệ chế biến, số còn lại là gạo nguyên liệu với số lượng rất ít nên không đáng lo ngại về việc cạnh tranh với các sản phẩm gạo xuất khẩu của Việt Nam.

Theo ông Phạm Thái Bình, Giám đốc doanh nghiệp xuất khẩu gạo Trung An, thành phố Cần Thơ nếu Thái Lan tung gạo ra bán trên thị trường với sản lượng trên 11 triệu tấn thì ít nhiều có ảnh hưởng đến sản lượng xuất khẩu gạo Việt Nam, tuy nhiên sẽ không ảnh hưởng gì đến thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Bởi gạo của Thái Lan là gạo cũ, phẩm chất thấp, chỉ bán được ở một số thị trường các nước nghèo như châu Phi hoặc bán cho các tổ chức viện trợ gạo nhân đạo hoặc dùng để chế biến thực phẩm.

Trong khi gạo xuất khẩu của Việt Nam là gạo mới, gạo chất lượng cao, gạo đặc sản được xuất khẩu ở tất cả các thị trường trên thế giới và đã có thị trường ổn định.

"Mặt khác, trước tình hình hạn hán ở nhiều quốc gia trên thế giới; trong đó có Việt Nam thì nhu cầu tiêu thụ gạo của thế giới trong năm nay và những năm tới sẽ tiếp tục tăng do nhiều quốc gia bị mất mùa, giảm sản lượng.

Cho nên dù Thái Lan có tung ra bán tháo gạo giá rẻ cũng không ảnh hưởng đến các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam. Khả năng Việt Nam năm nay sẽ xuất khẩu đạt 7 triệu tấn gạo là hoàn toàn khả thi," ông Phạm Thái Bình nhận định như vậy.

Cũng theo ông Bình, từ đầu năm đến nay tình hình xuất khẩu gạo của doanh nghiệp Trung An khá thuận lợi, giá xuất tương đối tốt, bình quân từ 375 USD/tấn đối với gạo 5% tấm loại thường đến 500 USD/tấn đối với gạo Jasmine.

Từ đầu năm đến nay doanh nghiệp đã xuất trên 40.000 tấn chủ yếu ở các thị trường như Đông Nam Á, châu Á, châu Âu, châu Mỹ, châu Phi...

Tuy nhiên, do tình hình hạn hán và xâm nhập mặn đã làm giảm năng suất và sản lượng gạo ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã đẩy giá gạo nội địa tăng mạnh hơn so với giá gạo xuất khẩu, làm cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo gặp khó trong việc ký kết các hợp đồng xuất khẩu mới, trong khi nông dân được hưởng lợi nhiều hơn do bán được giá cao.

Những vùng sản xuất lúa gạo không bị ảnh hưởng của hạn hán và xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long như Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp... nông dân sản xuất lúa đạt được lợi nhuận cao hơn các năm trước.

Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương thành phố Cần Thơ cho biết khoảng hơn nửa tháng trở lại đây thị trường xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp có bước trầm lắng, sản lượng xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp trên địa bàn đã giảm từ 30-40%.

Nguyên nhân cũng có thể là do các nhà nhập khẩu gạo chờ gạo Thái Lan tung ra bán gạo dự trữ. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần có thông tin cụ thể để các doanh nghiệp biết thông tin chi tiết về gạo xuất bán của Thái Lan là gạo loại gì, xuất bán ở đâu...

Cũng theo các doanh nghiệp, để giữ vững thị trường xuất khẩu gạo truyền thống trong các nước khu vực Đông Nam Á, các doanh nghiệp cần phải theo dõi sát diễn biến thị trường, tăng cường nâng cao chất lượng sản phẩm và tiếp cận thị trường để giữ được thị phần ở các thị trường quan trọng này.

Sau một thời gian tăng mạnh, giá thu mua lúa gạo trong vùng hiện nay đã chững lại, giá thu mua lúa các loại đã giảm trên dưới 200 đồng/kg so với 2 tuần trước.

Hiện giá lúa khô giống IR 50404 được thương lái thu mua có giá từ 5.450 đến 5.500 đồng/kg, giá lúa tươi giống IR 50404 được thương lái đặt cọc mua trong vụ Hè thu tới là từ 4.400 đến 4.500 đồng/kg, giảm 200 đồng/kg so với 10 ngày trước đây tuy nhiên lại tăng cao hơn cùng kỳ từ 400-500 đồng/kg.

Theo ông Phạm Công Điền, thương lái thu mua lúa gạo ở phường Thới Long quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ cho biết giá lúa giảm là do giá bán gạo cho các doanh nghiệp thu mua xuất khẩu giảm vì thị trường xuất khẩu gạo hiện nay đang trầm lắng.

Hiện nay chưa đến thời điểm thu hoạch vụ lúa Hè Thu nhưng vẫn phải đi tìm và đặt cọc mua lúa trước của nông dân tại các tỉnh như Kiên Giang, An Giang, Bạc Liêu và Cần Thơ.

Việc đặt cọc mua trước lúa của nông dân cũng là việc làm mạo hiểm vì khi đến thời điểm thu hoạch, giá lúa sụt giảm thì thương lái sẽ thua lỗ, có khi giá lúa thời điểm thu hoạch tăng cao thì một số nông dân bẻ kèo bán cho thương lái khác...

Việc giá lúa tăng giảm bất thường hiện nay, không thể lường trước được./. 

Theo TTXVN