Thị trường vào mùa cao điểm mua sắm tết

Thứ năm, ngày 05/01/2023

(BDO) Thị trường đã vào mùa cao điểm mua sắm Tết Nguyên đán 2023 với nhiều dấu hiệu khởi sắc. Thời điểm này, hàng loạt chợ, doanh nghiệp (DN), siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn đang tất bật chuẩn bị các đơn hàng tết.

 Người dân mua sắm tết tại một siêu thị trên địa bàn

 Tín hiệu lạc quan

Năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu thương mại - dịch vụ trên địa bàn tỉnh ước đạt 269.440 tỷ đồng, tăng 16,8% so với năm 2021. Theo đánh giá của ngành công thương, đạt được kết quả trên là nhờ tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát tốt, hoạt động thương mại, du lịch khôi phục mạnh. Trên những thành quả đạt được của năm 2022, bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết với những nỗ lực phục hồi và phát triển, năm 2023, ngành tiếp tục tổ chức nhiều chương trình kết nối cung cầu, giao thương, thúc đẩy hoạt động thương mại - dịch vụ, bảo đảm cân đối thị trường hàng hóa, góp phần ổn định đời sống của người dân.

Điều đáng phấn khởi, thời điểm này, các siêu thị, chợ trên địa bàn tỉnh bắt đầu bước vào mùa cao điểm mua sắm tết. Hàng hóa phục vụ nhu cầu phong phú, đa dạng và giá cả ổn định. Tại các siêu thị, chủ đề tết 2023 đều hướng tới giá trị của yêu thương, sẻ chia và cầu mong một năm mới nhiều bình an, hạnh phúc đến với mọi nhà. Lượng hàng hóa nhiều hơn, đa dạng và trưng bày bắt mắt, sinh động, tạo nên không gian đầy ắp sắc xuân, đặc biệt giá cả không tăng so với cùng kỳ. Nhìn nhận về sức mua của thị trường, lãnh đạo nhiều siêu thị cho rằng, doanh thu bán lẻ sẽ tăng mạnh bởi người dân tập trung mua sắm dịp Tết Nguyên đán.

Là một trong những đơn vị chủ lực của ngành bán lẻ, ông Phan Thế Thảo, Giám đốc Co.op Mart 30-4, cho biết thêm hiện Saigon Co.op dành khoảng 6.000 tỷ đồng để chuẩn bị lượng lớn hàng hóa cho dịp trước, trong và sau tết. Hệ thống siêu thị Co.opmart thuộc Saigon Co.op đã hoàn tất kế hoạch tăng tỷ lệ lượng hàng dự trữ lên 30-50% so với tháng kinh doanh bình thường, tập trung vào những nhóm hàng thiết yếu như thực phẩm chế biến, gạo, bánh mứt các loại, dầu ăn, nước mắm, bánh kẹo…

Theo ông Phan Thế Thảo, việc sớm hoàn tất kế hoạch dự trữ nguồn hàng vừa giúp tránh nguy cơ khan hiếm, vừa giúp đơn vị có thời gian rà soát, kiểm soát chặt chất lượng, xuất xứ hàng hóa, bảo đảm người tiêu dùng đón tết an vui. “Đến nay, doanh thu tại siêu thị đã tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là một tín hiệu rất khả quan. Chúng tôi bố trí nhân viên đầy đủ tại các quầy hàng nhằm đáp ứng nhanh nhất nhu cầu của khách hàng. Các loại hàng hóa thiết yếu đều được giữ giá ổn định so với cùng kỳ. Một số loại hàng thiết yếu còn được giảm giá như thịt heo, rau củ quả. Chúng tôi đã làm việc với các nhãn hàng để đẩy mạnh các chương trình khuyến mãi, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các đơn vị, cá nhân mua sắm tết”, ông Phan Thế Thảo nói.

Ông Lê Bá Thành, Giám đốc Công ty Cổ phần CP chi nhánh Bình Dương, cho biết CP bảo đảm nguồn hàng thịt heo cung cấp ra thị trường với giá bình ổn. Nhất là trong các ngày giáp tết, CP cam kết không có hiện tượng tăng giá đột biến, khan hàng, gây bất ổn thị trường.

Nỗ lực giữ giá

Để có được sự bình ổn giá cả, hệ thống siêu thị lớn đang nỗ lực đàm phán với các nhà cung cấp không tăng giá. Ông Võ Văn Lớt, Giám đốc Aeon Mall Bình Dương, cho biết siêu thị thường ký hợp đồng cung ứng hàng hóa từ đầu năm, dù giá nguyên nhiên vật liệu có tăng vẫn không ảnh hưởng đến hợp đồng cung cấp sản phẩm, dù một số nhà cung ứng đã đề nghị tăng giá. Siêu thị đang làm việc chặt chẽ với nhà cung cấp để trì hoãn việc tăng giá, hoặc có mức giá điều chỉnh hợp lý nhất có thể cho khách hàng.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, bà Phan Thị Khánh Duyên thông tin, nhằm tránh nguy cơ khan hiếm và giá cả hàng hóa tăng cao vào thời điểm Tết Nguyên đán, ngay từ giữa năm 2022, Sở Công thương đã làm việc với các DN, địa phương trên địa bàn triển khai công tác bình ổn thị trường. Hiện nay, chương trình có sự tham gia của 14 hệ thống phân phối, DN. Các đơn vị đã cam kết tăng cường các giải pháp bảo đảm cung cầu hàng hóa, bình ổn thị trường. Bên cạnh đó, các đơn vị kiểm soát chặt chẽ chất lượng hàng hóa kinh doanh, không tồn trữ, mua bán hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không bảo đảm an toàn thực phẩm. Quan trọng hơn, các đơn vị này đã đăng ký giá bán thấp hơn 10% đối với các mặt hàng bình ổn thị trường.

 Nhằm tiếp sức cho những DN tham gia chương trình bình ổn thị trường năm 2023, thúc đẩy chỉ tiêu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 15% so với năm 2022, Sở Công thương đang theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu, phối hợp với các DN bình ổn để có biện pháp điều tiết kịp thời, bảo đảm cân đối cung cầu. Đồng thời, tăng cường mở rộng các điểm bán bình ổn, tổ chức các chuyến bán hàng lưu động tại các khu công nghiệp, vùng xa, quảng bá trên các sàn thương mại điện tử để đáp ứng nhu cầu của người dân.

 TIỂU MY