Thị trường thuốc thú y: Chỉ kiểm soát phần ngọn!
Thị trường thuốc thú y (TTY) trên địa bàn tỉnh thời gian qua rất lỏng lẻo trong khâu kiểm tra, kiểm soát. Bởi vậy mà hầu hết các cơ sở bán TTY đều có vi phạm khi đơn vị chức năng tiến hành kiểm tra.
Khó khăn trong quản lý
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 35 cơ sở bán TTY. Hàng năm cơ quan thú y tỉnh cũng luân phiên kiểm tra định kỳ các cơ sở này. Tuy nhiên với thời gian khoảng 1 năm kiểm tra 1 lần thì rất khó kiểm soát các sai phạm và khi có phát hiện ra các sai phạm thì sự việc đã rồi, trong khi đó các hình thức vi phạm là rất tinh vi. Cơ quan thú y chủ yếu là kiểm tra các cơ sở này có bán thuốc nằm trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam hay không và thời gian qua đã phát hiện nhiều cơ sở bán thuốc nằm ngoài danh mục. Gian lận phổ biến nhất là ở nhãn mác. Nếu như trong lĩnh vực sản xuất thuốc cho người, trên bao bì của từng loại thuốc, nhà sản xuất đều phải ghi rất rõ: thuốc này dùng cho người lớn hay trẻ em, dùng cho lứa tuổi nào, cảnh báo chống chỉ định ra sao... Trong khi đó, trên bao bì của rất nhiều loại TTY, hiện chỉ ghi một cách rất chung chung. Ngoài ra một số sai phạm thường thấy là các loại thuốc để chung lẫn lộn, không treo bảng giá thuốc...
Kiểm tra thuốc tại một cửa hàng ở Tân UyênMột lần đi cùng đoàn kiểm tra của Chi cục Thú y tỉnh đến một cơ sở tại huyện Tân Uyên, chúng tôi có dịp “mục sở thị” tình trạng buôn bán rất sai nguyên tắc của cửa hàng này. Tại đây chủ cửa hàng để chung lẫn lộn các loại thuốc với nhau trong một tủ kính và để dưới tủ kính là... thuốc chuột. Khi được hỏi về sự “bố trí” này, chủ cửa hàng bình thản trả lời: “Mấy loại thuốc đó đều đóng bao bì nên làm sao mà trộn lẫn vào nhau được. Lâu nay tôi cũng buôn bán vậy mà có thấy gì đâu”. Người chủ cửa hàng này đã không tính đến khả năng rất có thể một khi sơ sẩy ông ta có thể làm đổ, bể các loại thuốc và chúng có thể trộn lẫn vào nhau. Hiện nay hầu hết các cửa hàng nhập thuốc từ nhiều công ty sản xuất khác nhau, cả trong lẫn ngoài nước. Một khi xảy ra vi phạm trong việc bán thuốc ngoài danh mục thì họ chỉ bị tịch thu số thuốc vi phạm còn tiền xử phạt thì công ty chịu trách nhiệm chi trả. Khó kiểm soát hơn là các nhân viên các công ty chăn nuôi tiếp thị trực tiếp đến các điểm chăn nuôi để bán thuốc. Với lực lượng này rất khó phát hiện vi phạm và theo nhiều chủ cơ sở bán TTY thì hiện nay lực lượng này là khá đông đảo.
Chỉ nông dân chịu thiệt
Với việc chậm phát hiện vi phạm của các cơ sở kinh doanh TTY thì người nông dân vẫn chịu thiệt nhất vì họ là người sử dụng trực tiếp, công ty sản xuất và các cơ sở bán TTY chỉ bị xử phạt nhẹ. Ông H. chủ cửa hàng bán TTY tại Tân Uyên cho biết, có tới hàng trăm loại thuốc với hàng chục công ty sản xuất khác nhau nên cũng không thể biết được loại thuốc nào còn nằm trong danh mục hay không. Thường các loại thuốc nằm ngoài danh mục là do sự thay đổi về mẫu mã hoặc có khi thay đổi về cả thành phần của thuốc.
Hiện nay có một tình trạng là tại một số cơ sở bán TTY người trực tiếp bán thuốc không phải là người được cấp phép hành nghề. Họ thường chỉ là người thân của những người được cấp phép nhưng họ vẫn vô tư bán. Đôi khi một số loại thuốc được họ bán với kinh nghiệm “truyền tai” không cần sách vở hoặc đôi khi bán theo yêu cầu của khách hàng. Khi được hỏi về cách sử dụng một loại thuốc ngoại nhập điều trị cho heo không có hướng dẫn bằng tiếng Việt một người bán TTY tại thị trấn Uyên Hưng, huyện Tân Uyên hoàn toàn “mù” về cách thức sử dụng. Bên cạnh đó người chăn nuôi cũng quá dễ dãi trong việc lựa chọn các loại thuốc. Chị C. ngụ tại xã Đất Cuốc, huyện Tân Uyên cho biết nhà chị có nuôi một bầy dê, đến khi dê bị bệnh thì chị mua thuốc về tự điều trị. Chị điều trị cũng chủ yếu dựa theo kinh nghiệm của những người khác chứ ít khi theo hướng dẫn cụ thể của các công ty sản xuất. Theo chị C. có nhiều người còn lấy thuốc chữa bệnh ở người điều trị cho vật nuôi hoặc lấy thuốc của loại vật nuôi này điều trị cho loại vật nuôi khác. Còn nhiều loại dịch vụ khác mà các cơ sở bán TTY không thực hiện đúng quy trình như gieo tinh, tiêm phòng gia súc, gia cầm...
Để có thể quản lý chặt các cơ sở bán TTY, các cơ quan chức năng cần kiểm tra thường xuyên và có các hình thức xử phạt mạnh tay với các trường hợp vi phạm để tránh những hậu quả đáng tiếc gây ra cho nông dân và cộng đồng nói chung.
ĐÀ BÌNH