Thị trường rau, củ quả: Giá cả, chất lượng “đánh đố” người tiêu dùng
(BDO) Người tiêu dùng hiện nay có xu hướng ưa chuộng các loại nông sản sạch. Tuy nhiên, do nhu cầu của người tiêu dùng cao nên một số mặt hàng rau, củ quả không rõ nguồn gốc xuất xứ tràn lan trên thị trường được rao bán là hàng sạch, an toàn, rẻ. Trong khi giá tại các siêu thị còn ở mức cao, chưa phục vụ được đại đa số người tiêu dùng.
Người tiêu dùng rất khó biết xuất xứ của các loại rau, củ quả trên thị trường. Trong ảnh: Khách hàng mua rau tại chợ Thủ Dầu Một
Giá tăng
Trong những ngày này, tại các chợ trên địa bàn tỉnh người dân chủ yếu tìm mua các loại rau, củ quả, trái cây giải nhiệt tốt cho sức khỏe như rau đay, dền, khổ qua, dưa leo, xà lách, cam, dưa hấu… Do nắng nóng kéo dài khiến khó trồng và khan hiếm nên giá nhiều loại rau củ quả đều tăng với mức từ 1.000 - 20.000 đồng/kg. Một số loại rau giá tăng rất mạnh như rau om giá từ 8.000 đồng/kg nay tăng lên 35.000 đồng/kg; xà lách 35.000 đồng/kg thay vì 25.000 đồng/kg; dưa leo từ 15.000 đồng/ kg tăng lên 20.000 đồng/kg.
Chị Oanh, tiểu thương tại chợ Thủ Dầu Một cho hay, nhiều ngày nay rau củ quả nào cũng lên giá khá nhiều. “Dân chợ chúng tôi chỉ dám nhập một lượng nhỏ rau và tranh thủ bán nhanh vì chỉ đến tầm 10 giờ hàng ngày là rau héo úa hết mặc dù phải liên tục phun xịt nước tưới và che đậy kín”, chị Oanh cho biết.
Trong khi đó, giá bán rau, củ quả tại các siêu thị những ngày qua vẫn còn ở mức cao hơn nhiều so với giá bán ở chợ. Trong đó, cải ngọt 28.800 đồng/kg; cải bó xôi 40.500 đồng/kg; rau thơm hỗn hợp giá 59.000 đồng/kg; ngò rí 60.500 đồng/kg... Theo quản lý bán hàng tại một số siêu thị, sở dĩ rau củ quả tại siêu thị có giá trung bình cao hơn ngoài chợ là do sản phẩm được sản xuất và chế biến theo công nghệ cao, bảo đảm chất lượng và bảo quản chu đáo. Từ giá gốc nhập hàng vào đã cao hơn giá rau thông thường, cộng với các chi phí bảo quản, phân phối nên giá trong siêu thị như vậy là hợp lý.
Mập mờ nguồn gốc, xuất xứ
Vào mùa này, trên các con đường ra vào các chợ đều có bày bán rất nhiều loại hoa quả như ổi, dưa lưới, lê đường Hàn Quốc, táo đỏ, cam, sầu riêng, măng cụt, quýt, xoài… với giá rẻ, từ 10.000 - 60.000 đồng/kg, mà người bán cho biết là lấy về từ Bến Cát, Lái Thiêu hoặc nhập từ Hàn Quốc. Tuy nhiên, trên thực tế, những loại trái cây này chủ yếu được nhập về từ Trung Quốc, Thái Lan bởi hàng của Việt Nam rất ít và hình thức không đẹp bằng.
Không chỉ dừng lại ở các loại trái cây, mặt hàng rau củ quả cũng chịu chung tình cảnh trên. Tại các chợ như Thủ Dầu Một, hàng bông Phú Hòa, Lái Thiêu, Dĩ An… cho thấy hàng rau củ quả xuất xứ Trung Quốc đủ các chủng loại như bắp cải, cà chua, súp lơ, cà rốt, khoai tây, hành tây, khoai tây… nhưng câu trả lời chung của nhiều tiểu thương là hàng Hà Nội, không bán hàng Trung Quốc.
Một tiểu thương tại khu vực chợ hàng bông Phú Hòa, cho hay nhiều loại rau củ quả các quầy hàng trong chợ hầu hết đều được nhập về từ chợ đầu mối và trong số đó không ít mặt hàng có nguồn gốc từ Trung Quốc. “Rau củ quả Trung Quốc sau này thường đẩy giá lên cao gần bằng hàng Việt Nam do có ưu điểm giá rẻ, hình thức đẹp mắt và đồng đều hơn, ít bị hư hỏng như rau củ của Việt Nam. Dù không yên tâm về chất lượng nhưng thú thật người buôn bán như chúng tôi vẫn phải nhập về bán bởi hàng Việt thì ít, giá cao mà chất lượng chưa chắc an toàn với thói quen sản xuất của dân mình”, tiểu thương này phân trần.
Hiện ngày càng nhiều người bán, điểm bán hàng đi động, bán hàng online, thậm chí là những gian hàng nông sản sạch với những tên gọi măng cụt Lái Thiêu, quýt, cam Bến Cát an toàn, xoài cát Hòa Lộc chính hiệu, rau nhà trồng, hàng Đà Lạt 100%… Tuy nhiên, trong số này, không phải người bán nào cũng cung cấp cho khách hàng sản phẩm thật sự sạch, đúng nguồn gốc xuất xứ như lời mời chào.
Có thể thấy, việc trà trộn hàng không rõ xuất xứ, thay tem nhãn, quảng cáo sai sự thật, rồi gán chữ sạch, hàng chính gốc… đã ảnh hưởng không ít đến những người kinh doanh sản phẩm chính hiệu. Người tiêu dùng phải mua với giá đắt nhưng hàng vẫn không bảo đảm. Bên cạnh đó, người thu nhập thấp cũng chưa mạnh dạn bước chân vào siêu thị để mua hàng bảo đảm cho sức khỏe của gia đình là tình trạng phổ biến hiện nay.
TRÚC HUỲNH