Thị trường ôtô có thể tiếp tục tụt dốc trong năm nay
Cùng với khó khăn chung của nền kinh tế, lệ phí trước bạ quá cao ở Hà Nội và TP.HCM và tâm lý lo ngại trước thông tin hạn chế phương tiện cá nhân... khiến sức tiêu thụ xe ôtô từ đầu năm đến nay sụt giảm mạnh, bất chấp mọi nỗ lực kích cầu của nhà sản xuất.
Chủ tịch VAMA Laurent Chapentier cho biết như vậy tại buổi trao đổi về tình hình bán hàng trong tháng tư giữa Ban lãnh đạo Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) với báo chí chiều 17-5 tại Hà Nội.
Kích cầu vẫn chậm
Dường như lường trước được diễn biến của thị trường, ngay từ tháng đầu năm nhiều hãng sản xuất xe đã tung ra hàng loạt chương trình khuyến mãi, giảm giá để kích cầu vào mùa mua sắm cuối năm Âm lịch. Thế nhưng, từ đó đến nay, sức tiêu thụ trên thị trường không những không đạt được kỳ vọng của doanh nghiệp mà còn sụt giảm thảm hại.
Điểm lại tình hình bán hàng của các doanh nghiệp thành viên VAMA từ đầu năm đến nay cho thấy sức mua toàn thị trường sụt giảm rất mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, dù là tháng đẩy mạnh kích cầu từ đầu năm, nhưng tổng lượng xe bán ra trong tháng một của 17 doanh nghiệp thành viên VAMA chỉ đạt 4.274 xe, giảm 61% so với tháng liền trước và giảm 60% so với tháng 1-2011.
Bước sang tháng hai và tháng bBa, sức tiêu thụ đạt lần lượt ở mức 6.116 xe và 7.732 xe, dù sụt giảm 22% và 25% so với cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn tăng so với tháng Một.
Sau hai tháng có mức tăng trưởng, các doanh nghiệp VAMA hy vọng về thị trường xe có thể khởi sắc, nhưng điều đó đã không xảy ra. Tổng kết bán hàng trong tháng tư và trong bốn tháng đầu năm của VAMA vừa công bố cho thấy thị trường xe ôtô đang ở tình trạng “báo động."
Theo ông Laurent Chapentier, trong tháng tư, tổng lượng xe bán ra của các doanh nghiệp thành viên chỉ đạt 6.004 xe, tiếp tục giảm 20% so với tháng liền kề và giảm tới 37% so với tháng 4-2011.
Tính chung bốn tháng đầu năm 2012, tổng lượng xe bán ra của các doanh nghiệp thành viên đạt 24.102 xe, giảm 36% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, xe hai cầu/xe đa công dụng đạt 4.432 xe, giảm 48%; xe con đạt 7.403 xe, giảm gần 42% và xe thương mại đạt 11.778 xe, giảm 29%.
Với công bố này của VAMA, có thể nói đây là kết quả khá buồn đối với các nhà sản xuất lắp ráp xe trong nước, dù các doanh nghiệp này liên tiếp tung “chiêu” để thúc đẩy bán hàng.
Lý giải về vấn đề này, ông Laurent Chapentier cho biết các nguyên nhân khiến sức tiêu thụ xe từ đầu năm đến nay giảm đó là lệ phí trước bạ ở mức 20% tại Hà Nội và 15% tại TP.HCM là mức quá cao; lãi suất cho vay cũng ở mức quá cao, dao động từ 18 đến 20% và điều kiện cho vay chặt chẽ ở ngân hàng; đặc biệt phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân “sẽ được ban hành” ở mức rất cao.
Theo thăm dò ý kiến của một số báo điện tử về “Các loại phí trên đầu phương tiện có làm lung lay quyết định mua/đổi xe của bạn không?” thì có tới 58% ý kiến cho rằng sẽ không mua xe nữa trong khi chỉ có 5% ý kiến vẫn mua xe cho dù phí có tăng; 22% ý kiến cho rằng phải đắn đo nhiều và 15% ý kiến cho rằng vẫn quyết định mua xe vì nhu cầu bắt buộc.
Dự báo sẽ còn giảm mạnh
Cũng theo ông Laurent Chapentier, trong cuộc họp từ đầu năm, các thành viên nhất trí rằng thị trường ôtô cả năm 2012 sẽ đạt ở ngưỡng 130.000 đến 140.000 xe bán ra. Tuy nhiên, dựa theo số liệu bán hàng thực tế từ đầu năm đến nay, VAMA đã phải điều chỉnh dự báo triển vọng thị trường tiêu thụ ôtô cả năm 2012 (tính toán theo hệ số điều chỉnh theo mùa) giảm chỉ còn 81.000 chiếc, bằng tổng lượng xe bán ra của cả năm 2007.
Ông Laurent Chapentier cũng cho biết, dù thị trường đang có xu hướng đi xuống, hầu hết các nhà sản xuất, lắp ráp ôtô vẫn tiếp tục có kế hoạch đưa các mẫu xe mới và hiện đại vào Việt Nam.
Thế nhưng, hiện nay tồn kho của các nhà sản xuất, lắp ráp ôtô và của các đại lý đang ở mức rất cao, gấp 2-3 lần so với bình thường khiến các nhà sản xuất, lắp ráp đang thực hiện các biện pháp cắt giảm sản xuất, đặc biệt, hệ thống các đại lý đang gặp khó khăn về vốn do lượng tồn kho cao.
Thị trường ôtô sụt giảm không chỉ ảnh hưởng đến doanh thu của doanh nghiệp, của người lao động mà còn tác động trực tiếp đến nguồn thu ngân sách nhà nước.
Theo tính toán của ông Laurent Chapentier, với sản lượng xe tiêu thụ trong bốn tháng đầu năm giảm 21.331 chiếc so với cùng kỳ năm trước, tính trung bình 500 triệu đồng/xe con, dự báo nguồn thu từ thuế của nhà nước sẽ bị giảm khoảng 6.000 tỷ đồng (290 triệu USD) trong năm 2012.
Đây là tính toán trên dựa trên kinh nghiệm của VAMA về xuất xứ ôtô, linh kiện nhập khẩu từ các nước ASEAN và ngoài ASEAN, tỷ lệ xe con và xe tải, tỷ lệ bình quân của thuế nhập khẩu ở mức 5%, thuế tiêu thụ đặc biệt (SCT) là 30%, thuế giá trị gia tăng (VAT) là 10% và lệ phí trước bạ là 10%.
Cũng liên quan đến vấn đề này, Tổng cục Hải quan cho , trong bốn tháng đầu năm nay, lượng ôtô nhập khẩu đã giảm mạnh, chỉ đạt 8.155 xe các loại với kim ngạch hơn 151 triệu USD.
Để kích cầu thị trường, các doanh nghiệp VAMA kiến nghị hủy đề án “thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân”; phí và lệ phí trước bạ chỉ thu đồng mức 5% trong cả nước; và giảm thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng này.
Theo ông Laurent Chapentier, nếu thực hiện được các kiến nghị này, thị trường xe ôtô sẽ nhanh chóng phục hồi và nhà nước cũng thu được nguồn ngân sách lớn hơn để đầu tư cho cơ sở hạ tầng giao thông.
Theo TTXVN