Thị trường Nam Phi: Nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Bình Dương
(BDO) Thời gian qua giữa Việt Nam và Nam Phi có mối quan hệ rất tốt đẹp. Đặc biệt, gần đây Chính phủ hai nước đã chú trọng tăng kim ngạch xuất khẩu giữa 2 nước. Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam nói chung, doanh nghiệp tỉnh Bình Dương nói riêng.
Thị trường tiềm năng
Tại Hội thảo xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch giữa Việt Nam và Nam Phi được tổ chức tại Bình Dương vừa qua, bà Kgomotso Ruth Magau, Đại sứ Nam Phi tại Việt Nam, cho biết với GDP chiếm tới 25% toàn châu lục, Nam Phi đang là nền kinh tế lớn thứ 2 châu Phi, là cửa ngõ quan trọng của châu Phi và là thành viên nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS). Nam Phi có cơ sở hạ tầng và nền kinh tế phát triển vào loại bậc nhất của châu Phi, là quốc gia có nhiều tiềm năng, thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên. Các ngành công nghiệp khai thác mỏ, chế biến nông sản, thực phẩm, thương mại… của Nam Phi phát triển mang tầm quốc tế. Vì thế Nam Phi đang là thị trường đầy tiềm năng và có nhiều triển vọng trong quan hệ thương mại của Việt Nam.
Các doanh nghiệp dệt may của Bình Dương đang kỳ vọng sẽ tăng tốc xuất khẩu sang thị trường Nam Phi trong thời gian tới. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Kisoo Vina (TX.Thuận An). Ảnh: THOẠI PHƯƠNG
Những năm qua Việt Nam đã và đang xuất khẩu sang Nam Phi các mặt hàng chính như điện thoại các loại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử, hàng dệt may, giày dép, hạt tiêu, điều, cà phê, đồ gỗ... Ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Nam Phi một số mặt hàng chủ yếu phục vụ cho ngành sản xuất công nghiệp như chất dẻo nguyên liệu, nguyên phụ liệu dệt may và da giày, sản phẩm hóa chất, kim loại thường, sắt thép các loại...
Đánh giá về thị trường Nam Phi, ông Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết những ngành sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp có nhiều triển vọng và tiềm năng hợp tác giữa 2 nước là khai thác mỏ, chế biến sắt thép, công nghệ khai khoáng, khai thác gỗ và chế biến bột giấy. Hiện phía Việt Nam cũng đang xem xét hợp tác với Nam Phi trong các lĩnh vực như công nghiệp nhiệt điện, chế tạo và lắp ráp xe hơi, chế biến thực phẩm, đặc biệt là hóa chất với công nghệ hóa dầu từ than đá... Trong gần 10 năm qua, tổng kim ngạch thương mại song phương của hai nước đã tăng hơn 5 lần, từ 192 triệu USD năm 2007 lên 1,03 tỷ USD vào năm 2016; trong đó nhập khẩu đạt 147,7 triệu USD, tăng 22% so với năm 2015.
Cơ hội cho doanh nghiệp
Nam Phi được đánh giá là thị trường chủ lực và là cửa ngõ chiến lược để hàng Việt Nam vào châu Phi. Tuy vậy, những năm qua hàng hóa Việt Nam vào Nam Phi chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của mỗi nước. Theo ông Đoàn Duy Khương, Việt Nam đã xuất khẩu một số mặt hàng thủy, hải sản, nông sản sang Nam Phi nhưng các mặt hàng này ít có tiềm năng tại Nam Phi. Trong tương lai gần, các mặt hàng dệt may, da giày, thực phẩm… sẽ có nhiều cơ hội xuất khẩu sang thị trường này hơn.
Về phía cộng đồng doanh nghiệp của Bình Dương, thời gian gần đây đã chủ động tìm hiểu thông tin về các điều kiện xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Nam Phi. Nhiều doanh nghiệp cũng đã đề nghị Chính phủ nước này tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc xin visa của doanh nghiệp, cung cấp thông tin về thủ tục nhập khẩu trái cây, rượu vang từ Nam Phi, thông tin về doanh nghiệp nhập khẩu, thủ tục đầu tư tại Nam Phi...
Tại hội thảo vừa qua, bà Kgomotso Ruth Magau thông tin Nam Phi là đối tác lớn nhất của Việt Nam ở châu Phi và khẳng định nước này đang tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để thúc đẩy hợp tác thương mại với Việt Nam. Hiện Nam Phi là nước xuất khẩu chủ yếu các loại khoáng sản mà Việt Nam đang có nhu cầu để phát triển công nghiệp.
Ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho rằng các doanh nghiệp của Bình Dương có thế mạnh sản xuất sản phẩm điện, điện tử, da giày, dệt may, chế biến gỗ... Trong khi đó, Nam Phi lại có thế mạnh về các nguyên liệu để phục vụ cho ngành sản xuất công nghiệp ở Bình Dương. Vì vậy cơ hội hợp tác, đầu tư thương mại giữa Bình Dương và Nam Phi trong thời gian tới là rất lớn.
THOẠI PHƯƠNG