Thị trường cuối năm: Kỳ vọng tăng trưởng mạnh
(BDO) Chỉ còn ít tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, nhu cầu tiêu dùng sẽ tăng cao. Đây được xem là điều kiện thúc đẩy sức mua của thị trường nội địa, tạo ra động lực tăng trưởng của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong các tháng cuối năm.
Lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm soát thị trường dịp cuối năm
Kích cầu nội địa
Với sự nỗ lực phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 10 ước tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 16,9% so với cùng kỳ. Lũy kế 10 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 11,7% so với cùng kỳ. Những con số này đặt ra nền tảng vững vàng cho sự tăng trưởng của thị trường tiêu thụ những tháng cuối năm và chỉ tiêu thương mại, dịch vụ năm 2020.
Theo đánh giá của ngành công thương, cùng với tình hình dịch bệnh trong nước tiếp tục được kiểm soát tốt, sự nỗ lực của các doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh, ngành công thương cũng có nhiều nỗ lực trong việc đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kích cầu du lịch, kích cầu tiêu thụ nội địa. Nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá, bình ổn thị trường, đưa hàng Việt về nông thôn… được tổ chức và nhu cầu mua sắm cuối năm tăng cao sẽ là động lực thúc đẩy sức mua của thị trường nội địa, tạo ra động lực tăng trưởng.
Thời gian qua, dù trong tình hình dịch bệnh song việc hình thành và phát triển các chuỗi cung ứng hàng hóa, trước hết là chuỗi cung ứng hàng nông sản thực phẩm thiết yếu của thị trường nội địa được ngành công thương thực hiện rất tốt. Qua đó, đẩy mạnh liên kết chuỗi, tăng cường liên kết giữa DN sản xuất với các DN bán lẻ. Ngành cũng tổ chức các hoạt động kết nối trực tiếp nhằm đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, kích cầu tiêu dùng giữa đơn vị sản xuất với nhà phân phối và người tiêu dùng, giữa các đơn vị sản xuất. Tổ chức giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, sản phẩm có tiềm năng, lợi thế của địa phương; xây dựng các điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” tại một số địa phương.
Hệ thống hạ tầng thương mại của tỉnh tiếp tục có sự chuyển biến phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội và quá trình hội nhập. Hệ thống thương mại truyền thống đang có sự dịch chuyển sang thương mại hiện đại. Các thương hiệu bán lẻ trong nước cũng đã và đang phát triển mạnh mẽ, đáng ghi nhận là sự phát triển nhanh với quy mô lớn của một số DN trong nước... Đặc biệt, thương mại điện tử đã trở thành một xu hướng phát triển mạnh mẽ tại địa phương, góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại hiệu quả.
Hàng Việt
chiếm ưu thế
Theo ghi nhận của phóng viên, hàng hóa của DN trong nước từng bước chiếm được thị phần và đã tạo được sự tin cậy đối với người tiêu dùng. Điều này cho thấy các DN, cơ sở sản xuất hàng Việt đã khẳng định được thương hiệu, chất lượng. Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương, cho biết trên địa bàn tỉnh có 106 chợ truyền thống, 10 siêu thị, trong đó hàng Việt chiếm tỷ lệ cao. Trong đó hệ thống siêu thị từ 60 - 96%, kênh bán lẻ truyền thống tỷ lệ 80%, các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh đạt trên 80%.
Hiện nay 100% hệ thống siêu thị, chợ truyền thống đều hưởng ứng chương trình đưa hàng Việt về nông thôn và chương trình tự hào hàng Việt. Ông Hoàng Long, Giám đốc Siêu thị Co.opmart Bình Dương, cho biết hiện hệ thống siêu thị có hơn 50.000 sản phẩm hàng hóa phục vụ người tiêu dùng, trong đó trên 90% là hàng sản xuất trong nước từ những DN, thương hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao. Đặc biệt, trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 xảy ra, hàng Việt luôn là lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng, do các sản phẩm hàng tiêu dùng Việt Nam có giá thành hợp lý và chất lượng bảo đảm. Tại các khu công nghiệp, các điểm vùng sâu vùng xa, các sản phẩm hàng tiêu dùng Việt Nam có giá thành hợp lý và chất lượng bảo đảm đã và đang được người tiêu dùng Bình Dương ưu tiên sử dụng.
Ông Trần Văn Tùng, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh, cho biết công tác chống buôn lậu, kiểm soát thị trường được triển khai thường xuyên và liên tục. Khi công tác chuẩn bị hàng hóa dịp Noel, Tết Dương lịch, Tết cổ truyền… đang được các doanh nghiệp tập trung chuẩn bị thì các mặt hàng thiết yếu cũng cần được kiểm soát chặt. “Thời gian tới, Cục Quản lý Thị trường tỉnh sẽ phối hợp với các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị về niêm yết giá, nhất là các mặt hàng nhu yếu phẩm, xử lý nghiêm việc lưu thông hàng giả, hàng không rõ xuất xứ…” , ông Tùng nói.
TIỂU MY