Thị trường bánh Trung thu 2012: Có dành cho con trẻ?

Chủ nhật, ngày 09/09/2012

Còn hơn 3 tuần nữa mới đến Rằm Trung thu, song thị trường bánh Trung thu năm nay đã khởi động từ khá sớm. Theo ghi nhận, bên cạnh dòng bánh truyền thống, các nhà sản xuất vẫn tập trung đầu tư cho dòng bánh cao cấp, với những hộp bánh giá "khủng” lên tới hàng chục triệu đồng, bất chấp nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, sức mua trên thị trường vẫn ảm đạm.

  Những dòng sản phẩm cao cấp của các thương hiệu quen thuộc dường như chưa thấm vào đâu so với các dòng bánh Trung thu "đại gia”

Nhiều nét mới cho mùa Trung thu 2012

Dọc những con đường của TP HCM, Hà Nội, dễ dàng nhận thấy sự phong phú của các cửa hàng bán bánh Trung thu. Chỉ trên một đoạn đường ngắn đã có 4,5 cơ sở bày bán bánh Trung thu của các nhãn hiệu quen thuộc như Kinh Đô, Bibica, Hữu Nghị, Hải Hà… Đó là còn chưa kể đến các cửa hàng bánh kẹo bán lẻ.

Đại diện công ty Kinh Đô cho biết, tính đến hết quý 2, mặc dù chịu ảnh hưởng khó khăn chung của nền kinh tế nhưng doanh thu của công ty vẫn luôn tăng trưởng. Do đó, Kinh Đô luôn có niềm tin vào sức mua của thị trường năm nay.

Với khoảng 2.100 tấn bánh, tăng 5% so với cùng kỳ được tung ra thị trường, điểm nhấn của Kinh Đô là bộ sưu tập Trăng vàng với các dòng sản phẩm hoàn toàn mới như Trăng vàng Kim cương, Trăng vàng Bạch kim... với thành phần nguyên liệu thượng hạng như sò điệp nhật xốt X.O, cua Huỳnh Đế, tôm càng Bách Hoa...

Về giá bánh, do các nhân tố đầu vào tăng nên giá thành phẩm bắt buộc phải tăng theo khoảng 15%. Trong đó, Trăng vàng Kim cương có giá lên tới hơn 2,2 triệu đồng, tăng 200.000 đồng so với loại đắt nhất năm ngoái của Kinh Đô.

Công ty cổ phần Bibica cũng góp mặt vào thị trường với khoảng 525 tấn sản phẩm, tăng 5% so với cùng kỳ với trên 50 chủng loại.

Cùng với việc nâng cao hương vị thơm ngon cho dòng bánh Trung thu truyền thống, Bibica cho ra mắt các dòng sản phẩm cao cấp như Đế Nguyệt, Thưởng Nguyệt, Minh Nguyệt...

Đặc biệt, loại bao bì 2 trong 1, vừa làm hộp bánh, vừa làm lồng đèn của Bibica sẽ là món quà dễ thương cho các bé thiếu nhi trong mùa Trung thu.

Về giá bán, tăng khoảng 10%, dao động từ 32.000-72.000 đồng. Đối với các dòng bánh cao cấp, giá từ 220.000 – 580.000 đồng/hộp, ngoài ra, có dòng sản phẩm lên tới 1,2 triệu đồng/hộp.

Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu được thưởng thức những sản phẩm tốt cho sức khỏe, các công ty bánh kẹo đều đã cố gắng tạo ra dòng sản phẩm giảm ngọt, ít chất béo hơn.

Nhiều loại bánh giá "khủng”

Tuy nhiên, những dòng sản phẩm cao cấp của các thương hiệu quen thuộc trên dường như chưa thấm vào đâu so với các dòng bánh Trung thu "đại gia” của các nhà hàng, khách sạn quen thuộc như Daewoo, Hanoi Hotel, Long Đình, Melia, Hilton Opera...

Nếu như năm 2011, Daewo dẫn đầu thị trường bánh Trung thu "đại gia” với giá hơn 6 triệu đồng/hộp, thì năm nay, khách sạn Hà Nội đã vượt hẳn lên với dòng sản phẩm Vương Kim Tri Ngộ, đặc biệt là Vương Kim Tri Ngộ Ballantine’s 30 có giá 11,998 triệu đồng.

Điều đặc biệt của sản phẩm này là 4 bánh to nhân sen trắng, hai lòng đỏ trứng mặn và 1 chai rượu Ballantine’s Whisky 30 năm. Ngoài ra, khách sạn Hà Nội còn có dòng sản phẩm Kim Long Kết Nguyệt, Nguyệt Sắc Giai Nhân với giá thành "ngất ngưởng”.

Năm nay, Long Đình tiếp tục khẳng định thương hiệu của mình với 6 loại bánh mang những tên gọi đầy ý nghĩa: Long Đình Phúc Quý, Long Đình Tứ Quý, Long Đình Phú Quý..., với hương vị đặc trưng của bánh Trung thu Hồng Kông và 8 hương vị thuần khiết thiên nhiên như trà xanh, đậu đỏ, đậu xanh, sen trắng...

Nối tiếp truyền thống những năm trước, khách sạn Hilton Opera tiếp tục tung ra thị trường dòng sản phẩm hộp Vip Bạch Kim với rượu Hennessy với giá 3,8 triệu đồng, hộp VIP Vàng với rượu Johnnie Walker có giá 2,8 triệu đồng.

Lý giải về những mức giá "trên trời”, các cơ sở sản xuất đều cho biết, nguyên nhân chính là do nguyên liệu chế biến các sản phẩm trên đều quý hiếm và đặc biệt. Cũng vì thế, các loại bánh này không lo "ế” hàng và thường được các doanh nghiệp hoặc các hộ gia đình có điều kiện đặt mua để làm quà biếu, chứ rất hiếm trường hợp mua về để thưởng thức.

Trong khi nền kinh tế còn khó khăn, đại đa số người dân phải thắt chặt chi tiêu thì sự đắt hàng của dòng sản phẩm cao cấp lại gợi nên nhiều suy nghĩ. Nó dường như khiến ngày lễ Trung thu – vốn mang ý nghĩa là cái tết sum vầy, cái tết dành cho thiếu nhi không còn mang mục đích đơn thuần như xưa, dù rằng có cầu ắt có cung. Hãy để ngày Tết Trung thu đúng ý nghĩa chứ không thể là nơi để thể hiện sự ganh đua xa xỉ về thương hiệu và đẳng cấp người dùng.

Theo Đại Đoàn Kết