Thị trường bánh kẹo tết năm 2013: Tăng lượng, nâng chất
Trong 3 năm gần đây, xu hướng tiêu dùng thực phẩm an toàn cùng với việc thực hiện cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” đã giúp các doanh nghiệp (DN) ngành bánh kẹo mạnh tay hơn trong việc đầu tư, đưa ra thị trường những sản phẩm tốt so với những ngành hàng khác, mặt hàng bánh kẹo trong nước ngày càng khẳng định ưu thế trước hàng ngoại bởi chất lượng và giá cả.
Đa dạng mẫu mã
Mặc dù nhiều DN còn e ngại sức mua trong dịp tết năm nay sẽ tăng chậm so với năm ngoái, nhưng trong kế hoạch sản xuất phục vụ mùa tết họ vẫn tăng sản lượng từ 10%-20% tùy mặt hàng. Cụ thể, Công ty Kinh Đô dự kiến đưa ra thị trường hơn 3.800 tấn bánh kẹo, tăng 20% sản lượng. DN bánh kẹo lớn thứ hai là Bibica cũng tung ra thị trường khoảng 1.200 tấn bánh kẹo các loại, tăng 15% so với năm ngoái. Bên cạnh những mặt hàng củ quả sấy truyền thống, tết năm nay Công ty Vinamit sẽ sản xuất khoảng 100 tấn kẹo mè và đậu phộng các loại, đồng thời đưa ra thị trường thêm một số mặt hàng mới như hạt sen sấy. Tương tự, đối với các DN sản xuất bánh kẹo khác như Vinabico,… cũng tăng sản lượng nhiều nhóm mặt hàng.
Người tiêu dùng chọn mua bánh do doanh nghiệp Việt nam sản xuất tại siêu thị. Thị trường bánh kẹo tết năm nay, người ta cũng ghi nhận sự bứt phá của nhiều thương hiệu bánh trong việc đầu tư, nâng cấp dây chuyền sản xuất để đưa ra những sản phẩm cao cấp, vốn trước đây chỉ có hàng ngoại độc chiếm. Với khẩu hiệu “Đẳng cấp hàng Việt - dâng tặng yêu thương”, Công ty Bibica đã chào sân 2 dòng sản phẩm cao cấp là Goody và Palomino. Đây cũng là mặt hàng chiến lược của Bibica trong mùa tết năm nay với thiết kế bao bì mới lạ, tinh tế.
Đối với các dòng bánh truyền thống là bánh hộp thiếc, hộp nhựa và hộp giấy, Bibica cũng đưa ra thị trường mỗi loại từ 8 đến 9 mẫu sản phẩm với các trọng lượng khác nhau để phục vụ nhu cầu đa dạng của khách hàng. Đánh mạnh vào phân khúc cao cấp, Kinh Đô dành hẳn dòng sản phẩm thượng hạng Korento, sản xuất từ nguyên liệu nhập khẩu của châu Âu. Năm nay Kinh Đô cũng ra mắt nhãn hàng mới là Cosy, bên cạnh các sản phẩm truyền thống như khoai tây lát Slide, bánh AFC, bánh bông lan Solite, kẹo Choco...
Cùng với việc đẩy mạnh đầu tư cải tiến chất lượng, mẫu mã sản phẩm, một “cuộc chiến” khác mà các DN bánh kẹo đang phải đối đầu là giữ giá sản phẩm để cạnh tranh tốt hơn với các sản phẩm trong nước và với hàng nhập khẩu. Để thực hiện chính sách này, hầu hết các DN đều tập trung hợp lý hóa các chi phí sản xuất, bán hàng... chấp nhận chia sẻ một phần lợi nhuận để người tiêu dùng hài lòng khi chọn mua bánh kẹo chất lượng cao với giá cả hợp lý.
Theo thông báo của các DN, giá bánh kẹo năm nay dự kiến sẽ tăng từ 5%-7% tùy mặt hàng. Để kích cầu sức mua trong tình hình hiện nay, một số DN đã dừng các hoạt động đầu tư cho bao bì, mẫu mã để kéo giảm giá thành xuống mức thấp nhất. Điển hình như trường hợp của Vinamit, năm nay giá bán các loại kẹo đậu phộng, kẹo mè đều giảm khoảng 12% so với tết năm ngoái.
Ưu tiên hàng nội
Sự nghiên cứu và đầu tư nghiêm túc của các DN bánh kẹo trong nước đã được các nhà phân phối đánh giá rất cao và dành nhiều ưu ái cho hàng nội. Liên tục trong 3 năm gần đây, tại các hệ thống siêu thị đều có kế hoạch cụ thể để cân đối giữa hàng nội, hàng ngoại được bày bán trong siêu thị. Tại 2 hệ thống siêu thị bán lẻ lớn nhất nước là Co.opMart và Big C, bánh kẹo nội hiện chiếm tới hơn 90%. Tại Trung tâm thương mại Maximark, luôn được xem là một trong những điểm còn bán nhiều hàng ngoại, tết năm nay cũng đang thực hiện việc điều chỉnh tỷ lệ hàng nội.
Bà Nguyễn Phương Thảo, Giám đốc Maximark Cộng Hòa cho biết, Maximark đang thực hiện chủ trương sẽ giảm khoảng từ 30%-40% lượng bánh kẹo ngoại nhập khẩu, bù vào đó Maximark sẽ đặt hàng cho các DN sản xuất trong nước. Theo bà Thảo, bánh kẹo nội không chỉ đẹp về mẫu mã, chất lượng tốt mà giá bán luôn thấp hơn từ 25%-35% tùy mặt hàng, sẽ tiện lợi hơn cho người tiêu dùng trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn.
Chị Lợi - sạp hàng bánh kẹo Thành Lợi, chợ Bến Thành cho biết, hầu hết các loại bánh mứt kẹo được bày bán là hàng trong nước do giá rẻ hơn, bán chạy hơn. Chị Oanh - chủ một sạp hàng bánh kẹo tại chợ Bình Tây cũng cho rằng, gần đây DN sản xuất trong nước đã có chế độ chăm sóc người bán khá chu đáo như tăng chiết khấu, giao hàng ngay,... Còn hàng nhập hàng ngoại nếu bị hư, lỗi gì người bán phải tự chịu.
Cùng với đó, tại mỗi DN cũng ngày càng năng động hơn trong việc đẩy mạnh khai thác tất cả các kênh phân phối để tiếp cận và đưa sản phẩm phục vụ người tiêu dùng, chủ động đưa hàng tết về nông thôn, phục vụ đầy đủ và tốt nhất nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng.
Ông Phan Văn Thiện, Phó Tổng giám đốc Công ty Bibica cho biết, tính đến thời điểm này, Bibica đã huy động 100% công suất của các dây chuyền sản xuất bánh kẹo Tết. Tất cả nguyên vật liệu được dự trữ đầy đủ. Dự kiến đầu tháng 12, hàng tết Bibica có mặt trên tất cả các điểm bán hàng. Tuy nhiên, khó khăn và thách thức với các DN trong nước là hiện nay, có rất nhiều đơn vị trong nước mua bánh kẹo từ một số nước trong khu vực, không rõ chất lượng, nguồn gốc, đem về VN đóng gói, hoặc đổ đống ở các chợ đầu mối với giá rẻ.
Trước tình hình này, ông Thiện cho rằng, bản thân Bibica cũng đang nỗ lực để đưa hàng hóa tiếp cận tốt hơn với thị trường như thực hiện các chương trình truyền thông, mời dùng thử các sản phẩm,… Nhưng để tiếp thị hiệu quả, các DN trong nước rất cần sự quan tâm hỗ trợ của các sở, ngành chức năng, các cơ quan truyền thông để hàng Việt có điều kiện phát triển tốt hơn.
Theo SGGP