Thị trường bánh kẹo Tết- hàng nội chiếm ưu thế

Chủ nhật, ngày 17/01/2010

 Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã và đang có tác động đáng kể đến ý thức tiêu dùng của người dân. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong nước cũng đang chú trọng đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm đã góp phần làm cho thị trường bánh mứt kẹo nội địa trong dịp Tết Canh Dần này chiếm ưu thế hơn hẳn so với hàng ngoại.

 

Dạo quanh các chợ đầu mối hay các đại lý bánh kẹo lớn của thành phố Hồ Chí Minh trong thời điểm này, có thể dễ dàng nhận thấy, bánh kẹo nhập khẩu gần như đã nhường chỗ cho các sản phẩm cùng loại sản xuất trong nước. Tại các chợ Bến Thành (quận 1), An Đông (quận 5), Bình Tây (quận 6), mặt hàng bánh mứt kẹo được bày bán la liệt nhưng có chỉ có vài loại thạch rau câu được nhập từ Trung Quốc, còn lại đều là hàng nội địa. Lý giải điều này, bà Ứng Thị Liên, chủ sạp bánh mứt kẹo số 682, chợ Bình Tây cho biết, sau khi có nhiều thông tin về các loại bánh kẹo không an toàn thì hầu như bà con tiểu thương ở chợ không dám nhập hàng ngoại về bán nữa. Thay vào đó là các loại bánh, kẹo có mẫu mã tương tự sản xuất trong nước dù giá có cao hơn một chút.

 

Chị Nguyễn Hương Thủy chủ đại lý bánh mứt kẹo Mai Hương, trên đường Bà Huyện Thanh Quan, quận 3 cũng cho biết, tại cửa hàng chị các sản phẩm bánh kẹo trong nước bán chạy hơn nhiều so với một số mặt hàng ngoại nhập. Chị Thủy nói: “Ở đây chúng tôi bán chủ yếu là hàng nội. Chất lượng bánh kẹo của Việt Nam đảm bảo hơn so với hàng gia công của Trung Quốc, giá cả cũng phù hợp với túi tiền người tiêu dùng nên hàng nội tiêu thụ nhanh hơn”.

 

                                         Nhiều cơ hội cho các sản phẩm bánh kẹo nội

Tại hệ thống siêu thị, hiện nay thị phần bánh kẹo cũng nghiêng hẳn về các dòng sản phẩm trong nước, hàng nhập khẩu còn lại rất ít. Bà Dương Thị Quỳnh Trang, Giám đốc đối ngoại Big C cho biết: Hiện 90% chủng loại bánh mứt kẹo phân phối cho mùa Tết năm nay tại siêu thị là hàng nội, chủ yếu của các nhà sản xuất trong nước lớn và có uy tín như Kinh Đô, Bibica, Hải Hà, Phạm Nguyên… Tết này, BigC dự kiến sẽ bán 400 mặt hàng bánh kẹo các loại, tăng 30% về khối lượng so với năm ngoái.

 

Với phương châm luôn đồng hành cùng hàng Việt, các mặt hàng đưa vào kinh doanh trong dịp Tết năm nay tại hệ thống Co.opMart của Liên hiệp Hợp tác xã thương mại thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cũng tập trung chủ yếu là mặt hàng sản xuất trong nước. Co.opMart hiện đang kinh doanh 300 mặt hàng bánh mứt sản xuất tại Việt Nam, đồng thời thực hiện chương trình giảm giá hơn 30% cho 150 mặt hàng.

 

Ông Ngô Văn Hải, Phó Giám đốc hệ thống siêu thị Citimart cũng cho biết: siêu thị hạn chế nhập khẩu bánh mứt ngoại nhập vào bán để ủng hộ hàng nội địa. Ông Hải cho biết: “Năm nay những mặt hàng bánh kẹo nội chiếm hơn 80% trên kệ quầy của hệ thống siêu thị. Nhiều đơn vị sản xuất bánh kẹo lớn như Kinh Đô, Hải Hà, Bibica Vinabico đã có nhiều thay đổi mới về mẫu mã mới, bắt mắt người tiêu dùng”.

 

Để nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh đối với hàng ngoại, các công ty sản xuất bánh kẹo trong nước tập trung đầu tư máy móc, dây chuyền sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, nhằm giành chiến thắng trên sân nhà trong dịp Tết này.

 

Bà Nguyễn Thị Ngọc Liên, Giám đốc đối ngoại của Công ty cổ phần Kinh Đô cho biết, sản lượng bánh phục vụ thị trường Tết năm nay của Kinh Đô tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Công ty tăng gấp đôi số lượng sản phẩm bánh hộp cao cấp để phục vụ nhu tiêu dùng trong dịp Tết.

 

Đại diện Công ty bánh kẹo Phạm Nguyên cũng cho biết, dự kiến Tết này sẽ cung cấp khoảng 6 nghìn tấn bánh kẹo các loại, tăng 40% so với cùng kỳ với mức giá không tăng.

 

Nhận định về thị trường Tết năm nay, ông Phan Văn Thiện, Phó Tổng giám đốc Công Bibica cho biết: “Năm nay Bibica lên kế hoạch cho sản phẩm bánh kẹo phục vụ mùa Tết vào khoảng 4.500 tấn. Công ty đã đưa sản phẩm ra thị trường từ đầu tháng 11. Tình hình tiêu thụ sản phẩm trong dịp Tết năm nay được đánh giá là khả quan do chủ trương vận động của Chính phủ là “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” và ảnh hưởng của tỷ giá tăng cũng làm cho sản phẩm nhập khẩu cũng bị hạn chế lại”.

 

Đã có sự thay đổi trong cách tiêu dùng của người Việt Tết Canh Dần năm nay trong đó vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm và chất lượng sản phẩm được đặt lên hàng đầu. Để đáp ứng nhu cầu này, các nhà sản xuất, các doanh nghiệp trong nước đã có sự chuẩn bị khá tốt để sản phẩm của mình được người tiêu dùng trong nước đón nhận trong dịp Tết Canh Dần. Đó cũng là hiệu quả bước đầu từ cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng dùng Việt Nam".

 

Theo VOV