Thị trường bán lẻ tại Bình Dương: Nhà đầu tư trong nước cần khai thác tốt lợi thế
(BDO) Với lợi thế là một tỉnh công nghiệp phát triển, thu hút đông đảo lực lượng lao động các tỉnh đến làm việc và sinh sống, Bình Dương đang là thị trường hấp dẫn của các nhà đầu tư lĩnh vực bán lẻ.
Thị trường bán lẻ hấp dẫn
Sau hơn 10 năm gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), thị trường bán lẻ tại Việt Nam có nhiều khởi sắc. Năm 2017, chỉ số hấp dẫn về thị trường bán lẻ của Việt Nam tăng 5 bậc, lên vị trí thứ 6 trong số các thị trường bán lẻ hấp dẫn toàn cầu. Ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương, cho biết năm 2017, Việt Nam thuộc tốp 30 quốc gia có thị trường bán lẻ sôi động nhất thế giới. Hàng loạt nhà bán lẻ nổi tiếng từ Nhật, Pháp, Thái Lan… Hiện tỷ lệ bán buôn và bán lẻ của nước ta chiếm tới 14% GDP cả nước. Lĩnh vực bán lẻ cũng thuộc 1 trong 6 ngành nghề thu hút vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất. Không dừng lại đó, Công ty Nghiên cứu thị trường IGD dự báo các chuỗi cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam sẽ tăng trưởng 2 con số trong 4 năm tới và đạt mức 37,4% vào năm 2021 - cao nhất trong số các quốc gia được khảo sát.
Khách hàng mua sắm tại siêu thị Co.op Mart Bình Dương. Ảnh: TIỂU MY
Với sức hấp dẫn này, hiện nay cuộc đua cửa hàng tiện ích, siêu thị mini không chỉ có các tên tuổi nước ngoài đã có nhiều năm kinh nghiệm mà còn thu hút nhiều doanh nghiệp trong nước tham gia, trong đó Bình Dương đã và đang là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư ngành bán lẻ trong và ngoài nước. Theo Sở Công thương, trên địa bàn tỉnh hiện có 9 cửa hàng tiện ích thuộc 3 thương hiệu Family Mart, Vin - Mart+, Co.opFood lớn do sở quản lý; các cửa hàng tiện ích nhỏ khác đăng ký dưới hình thức hộ kinh doanh thuộc quyền quản lý của Phòng Kinh tế các địa phương.
Đại diện Sở Công thương cho biết, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của tỉnh trong năm 2017 đạt 161.357 tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2016. Điều này lý giải vì sao nhiều thương hiệu chuỗi cửa hàng bán lẻ lớn trong và ngoài nước nhanh chóng tìm đến thị trường hấp dẫn này. Chẳng hạn như thương hiệu Family Mart, tập đoàn bán lẻ lâu đời của Nhật, đã mở nhiều cửa hàng tiện ích tại Bình Dương...
Nhà đầu tư trong nước cần có chiến lược phù hợp
Hiện nay, người dân trong tỉnh vẫn còn thói quen mua sắm tại chợ truyền thống. Hiện nay, trên thị trường xuất hiện những cửa hàng bán lẻ dưới dạng kinh doanh hộ gia đình, theo nhiều chuyên gia kinh tế, là tín hiệu tích cực về khả năng nắm bắt thị trường của các nhà đầu tư nhỏ. Tuy nhiên, để có được hướng đi bền vững như mục tiêu mà Chính phủ đề ra là đến năm 2020, ngành bán lẻ hiện đại tại Việt Nam chiếm 40% thị trường đang đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của các bên liên quan.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, hiện đang là thời điểm cửa hàng nhỏ lẻ tại địa phương phải thay đổi, tăng sức cạnh tranh và đưa ra chiến lược đầu tư đúng đắn trước sự cạnh tranh gay gắt từ chuỗi cửa hàng của các ông lớn trong ngành bán lẻ.
Ghi nhận của phóng viên cho thấy, điều mà khách hàng quan tâm nhất khi đi mua sắm, trong đó có các siêu thị mini hay cửa hàng tiện lợi là nguồn hàng phải bảo đảm chất lượng, cách quản lý hàng hóa, quản lý kho, chất lượng dịch vụ tốt. Bởi vậy, việc các cửa hàng nhỏ lẻ cần làm là phải có chiến lược đầu tư phù hợp để giữ lượng khách hàng cũ ổn định và thu hút khách hàng mới. Anh Trần Văn Hà, ở phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một, chia sẻ tại một số cửa hàng tiện ích nhỏ trên địa bàn thành phố vẫn có những mặt hàng chưa được đề giá, khách hàng muốn mua phải chờ nhân viên rà lại sổ. Bên cạnh đó, một số mặt hàng tại các cửa hàng này giá bán cao hơn giá thị trường, lại rất ít khuyến mãi... nên chưa thu hút khách hàng.
Trước sự lớn mạnh của các đơn vị theo mô hình kinh doanh có hệ thống và được đầu tư bài bản cả về chiến lược lẫn truyền thông, những cửa hàng tiện ích nhỏ lẻ đang đối mặt với nhiều thách thức. Các chuyên gia đề xuất, việc liên kết thành chuỗi cửa hàng cũng là một hướng đi các cửa hàng nhỏ lẻ nên tính đến, cùng với đó cần đầu tư bài bản về công nghệ và cách quản lý, thái độ phục vụ khách hàng...
TIỂU MY