Thị trấn Mỹ Phước (Bến Cát): Thương mại - dịch vụ đang khởi sắc
Là trung tâm của huyện Bến Cát, trong những năm qua kinh tế thị trấn Mỹ Phước phát triển vượt bậc, cùng công nghiệp, thương mại - dịch vụ (TM-DV) của Mỹ Phước đang tạo ra bước đột phá.
Đô thị Mỹ Phước ngày càng khang trang, hiện đại
Thị trấn Mỹ Phước là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của huyện Bến Cát; đây được xem là một trong những thị trấn có TM-DV phát triển nhanh và hiệu quả nhất tỉnh hiện nay. Theo Chủ tịch UBND thị trấn Mỹ Phước Nguyễn Thanh Phong, nhiều năm qua lĩnh vực TM-DV của thị trấn luôn duy trì được sự phát triển ổn định và năm sau luôn cao hơn năm trước. Hiện có đến 50% số hộ dân trên địa bàn với trên 2.000 hộ đang kinh doanh nhiều ngành nghề khác nhau. Đặc biệt, nổi bật là lĩnh vực kinh doanh nhà trọ phát triển mạnh với hơn 1.125 nhà trọ, 13.554 phòng trọ và đáp ứng chỗ ở cho hơn 25.000 công nhân. Phân tích điểm nổi bật này, ông Nguyễn Thanh Phong cho rằng, do điều kiện khách quan nên bà con có nhiều thuận lợi để chuyển đổi từ lao động sang làm dịch vụ và nhà trọ phát triển mạnh là nhu cầu thiết thực của địa phương.
Bức tranh TM-DV sầm uất của Mỹ Phước rất dễ dàng nhận thấy. Tại thị trấn Mỹ Phước, Tập đoàn Vinatex đã đầu tư đến 2 siêu thị và 1 chợ truyền thống để phục vụ cho nhu cầu mua sắm của người dân. Trên địa bàn cũng có đến 5 siêu thị mini thuộc hệ thống Siêu thị Mini Number One, do Công ty Cổ phần Tư vấn Dịch vụ Đầu tư (Becamex ISC) làm chủ đầu tư nhằm phục vụ người lao động… Bên cạnh dịch vụ bán lẻ, nhiều ngân hàng cũng đã có chi nhánh trên địa bàn như An Bình, Eximbank, Á Châu, Kiên Long, MHB… Cùng với đó là các nhà hàng, khách sạn mọc lên ngày càng nhiều. Là doanh nhân đến từ TP.Hồ Chí Minh, ông Lê Văn Hùng cho biết, thấy được tiềm năng của Mỹ Phước nên ông về đây mua đất để làm dịch vụ từ năm 2008. Đến nay ông Hùng đã xây dựng 2 khách sạn gần 40 phòng để kinh doanh. Ông cho biết, Mỹ Phước đang trên đường phát triển, nhiều nhà đầu tư tìm đến, giao lưu kinh tế nhiều nên việc kinh doanh của ông khá ổn định.
Thị trấn Mỹ Phước có diện tích tự nhiên 2.150,8 ha; trên địa bàn hiện có trên 4.000 hộ thường trú; trên 54.000 nhân khẩu, trong đó có trên 25.000 người tạm trú, chủ yếu là công nhân làm việc trong các công ty trên địa bàn. Trong cơ cấu kinh tế, TM-DV chiếm khoảng 30%; công nghiệp chiếm 65% và nông nghiệp chiếm 5%.
TM-DV Mỹ Phước phát triển mạnh bởi sự tác động từ công nghiệp. Trên địa bàn thị trấn có đến 164 doanh nghiệp (DN) đến đầu tư xây dựng nhà máy, trong đó có 124 DN nước ngoài và 40 DN trong nước. Tính đến nay đã có 120 nhà máy đi vào hoạt động với hơn 35.000 công nhân lao động tại KCN Mỹ Phước 1 và Mỹ Phước 2. Sự phát triển của công nghiệp đã thúc đẩy TM-DV phát triển và chuyển dịch ngành nghề cho toàn thị trấn. Trước đây, thu nhập chủ yếu của người dân chính là nông nghiệp và luôn bấp bênh. Còn bây giờ tại Mỹ Phước, nhà nhà kinh doanh, người người kinh doanh. Qua đó đời sống đổi thay nhanh chóng, bộ mặt phố phường khang trang, hiện đại hơn.
Phấn khởi về kết quả đạt được, Chủ tịch UBND thị trấn Mỹ Phước Nguyễn Thanh Phong nhận xét, từ khi quy hoạch những KCN tại địa phương thì định hướng chuyển đổi nghề cho người dân sang làm dịch vụ được các cấp, các ngành quan tâm. Nhờ vậy mà TM-DV thị trấn đạt kết quả khả quan và tác động tích cực trở lại để phục vụ công nghiệp. Các nhà đầu tư đến Mỹ Phước hiện nay rất an tâm, nhất là công nhân có chỗ ở ổn định, đời sống người lao động được quan tâm, các dịch vụ đi kèm đáp ứng hiệu quả…
Có thể nói, sự phát triển TM-DV của Mỹ Phước là minh chứng thuyết phục cho quá trình chuyển dịch kinh tế đúng hướng. “Ly nông bất ly hương”, trên địa bàn Mỹ Phước, bóng dáng của nông nghiệp một thời đang nhường chỗ cho TM-DV phát triển, đời sống nhân dân đổi thay, đường phố khang trang, sạch đẹp… Đó là kết quả tất yếu từ chủ trương đúng hướng khi đưa công nghiệp về phía Bắc của tỉnh. Phát triển công nghiệp với các KCN làm đòn bẩy để thị trấn Mỹ Phước có những đột phá mạnh mẽ về TM-DV này.
T.MINH