Thi tốt nghiệp THPT 2025: Điều chỉnh kịp thời, phù hợp với Chương trình mới
(BDO) Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2025 để lấy ý kiến góp ý và dự kiến ban hành vào tháng 11/2024, nhiều chuyên gia, thầy cô giáo bày tỏ đồng tình với những điểm mới trong dự thảo.
2025 là năm đầu tiên lứa học sinh lớp 12 thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Vì vậy, những điều chỉnh trong môn thi, đề thi, cách thức tổ chức thi phải phù hợp với yêu cầu của Chương trình mới, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh.
Các thí sinh tại điểm thi trường THPT Đào Duy Từ (thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) trao đổi về đề thi Ngoại ngữ kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông 2024.
Cách tính điểm xét tốt nghiệp đánh giá toàn diện cả quá trình học tập
Một trong những điểm mới được quan tâm trong dự thảo quy chế thi liên quan đến quy định về xét công nhận tốt nghiệp Trung học Phổ thông. Theo quy định hiện hành, điểm xét tốt nghiệp Trung học Phổ thông được tính với tỷ lệ 70% điểm thi và 30% điểm trung bình học tập (chỉ năm lớp 12). Năm 2025, cách tính điểm được đề xuất sẽ sử dụng kết quả học tập của cả 3 năm Trung học Phổ thông (lớp 10, 11, 12) và điểm thi tốt nghiệp, với tỉ tỷ lệ giữa điểm thi - điểm học bạ là 50% - 50%.
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường Trung học Phổ thông Đinh Tiên Hoàng bày tỏ sự ủng hộ đối với phương án xét tốt nghiệp mới trong dự thảo. Theo đó, việc đánh giá quá trình học và đánh giá định kỳ được nhấn mạnh khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong quá trình dạy học, giáo viên đã đánh giá được sự tiến bộ của học sinh thông qua tiến trình học tập. Việc đánh giá giữa kỳ, cuối kỳ được sử dụng để chứng nhận cấp độ học tập, công nhận thành tích của học sinh qua các bài thi, bài kiểm tra. Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, cách tính điểm xét tốt nghiệp Trung học Phổ thông theo đề xuất trong dự thảo quy chế thi góp phần để học sinh không lơ là học tập trong bất cứ thời điểm nào, từ đó phát triển toàn diện hệ thống giáo dục quốc dân trong tương lai.
Đồng quan điểm trên, cô Nguyễn Thị Thu Hà, giáo viên Trường Trung học Phổ thông Trần Quang Khải, Hưng Yên chia sẻ: Việc xét công nhận tốt nghiệp, tăng tỷ lệ đánh giá quá trình học tập cả 3 năm 10, 11, 12 giúp đánh giá toàn diện quá trình học tập của học sinh. Các em sẽ phải nỗ lực phấn đấu trong suốt thời gian học Trung học Phổ thông, không chỉ mỗi lớp 12.
Bên cạnh đó, cô Nguyễn Thị Thu Hà cũng ghi nhận một số điều chỉnh trong dự thảo quy chế thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông 2025 là phù hợp và kịp thời. Cụ thể như, số buổi thi giảm từ 4 xuống còn 3 giúp giảm các chi phí liên quan, giảm áp lực và sự mệt mỏi cho thí sinh cũng như những người làm nhiệm vụ thi.
Về thay đổi liên quan đến môn thi, việc bổ sung môn Tin học và Công nghệ để học sinh lựa chọn là hoàn toàn hợp lý; mở rộng cơ hội lựa chọn của học sinh phù hợp với sở thích, năng lực và định hướng nghề nghiệp.
Đề thi bổ sung thêm các dạng thức câu hỏi đúng - sai, trả lời ngắn bên cạnh câu trắc nghiệm cho 4 đáp án chọn 1 đáp án đúng giúp phân loại học sinh tốt hơn và giảm xác suất đoán mò của học sinh. Điều này góp phần đánh giá chính xác hơn năng lực. Nội dung đề có tính phân hoá cao hơn, học sinh không thể học học tủ, học vẹt nếu muốn đỗ vào các trường đại học tốp đầu.
Tập huấn kỹ, chạy thử mô hình bố trí phòng thi
Căn cứ các môn thi được công bố tại phương án thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2025, sẽ có tới 36 tổ hợp bài thi cho 2 môn tự chọn của học sinh bên cạnh 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn. Ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết: Đây là thách thức lớn cho công tác bố trí, tổ chức thi và cần được tập huấn kỹ, chạy thử mô hình bố trí phòng thi tối ưu cho các địa phương.
Để bảo đảm việc sắp xếp phòng thi là tối ưu, hạn chế tối đa việc di chuyển của thí sinh, ông Huỳnh Văn Chương cho rằng, các địa phương cần tiến hành khảo sát nguyện vọng đăng ký môn thi của thí sinh từ tháng 12/2024 và xây dựng các phương án phòng thi, bố trí thực hiện thử nghiệm. Trên cơ sở kết quả khảo sát nguyện vọng của thí sinh, các Sở Giáo dục và Đào tạo có thể tiến hành dự kiến phương án sắp xếp địa điểm thi bảo đảm nguyên tắc: Các thí sinh dự thi cùng tổ hợp tự chọn sẽ được sắp xếp trong một phòng thi.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Hà, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Long chia sẻ: Do số tổ hợp tự chọn của thí sinh nhiều nên dự báo phòng thi sẽ tăng tại mỗi điểm thi. Đây là vấn đề khó khăn, đặc biệt với địa phương có điều kiện cơ sở vật chất chưa tốt, số phòng học còn hạn chế. Nhân sự tham gia kỳ thi, nhất là công tác coi thi cũng cần nhiều hơn.
Ngoài ra, giáo viên có thể gặp khó khăn trong quá trình ôn tập cho thí sinh do chưa có kinh nghiệm, nhất là các môn thi mới. Đề thi có cấu trúc, định dạng mới, dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã sớm công bố để học sinh, giáo viên chuẩn bị, yên tâm hơn, nhưng do năm đầu tiên thi theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nên khó tránh khỏi giáo viên, nhà trường lo lắng.
Tại Vĩnh Long, các trường đã tổ chức khảo sát nguyện vọng đăng ký môn thi tự chọn của thí sinh, tổng hợp sớm để dự kiến phương án tổ chức thi. Kế hoạch ôn tập, củng cố kiến thức được triển khai từ đầu năm học để học sinh, giáo viên có thể chuẩn bị tốt nhất, đặc biệt việc làm quen với cấu trúc định dạng đề thi mới. Sở Giáo dục và Đòa tạo cũng tổ chức tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm cho đội ngũ trong việc xây dựng câu hỏi theo cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2025.
Nhiều nhà trường, giáo viên, học sinh cũng bày tỏ mong muốn, các cơ sở giáo dục đại học sẽ sớm công bố phương án xét tuyển đại học năm 2025 bằng điểm thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018 để học sinh có định hướng lựa chọn môn thi sớm. Trong đó, các trường đại học cần xây dựng những tổ hợp tuyển sinh mới có các môn Tin học, Công nghệ, Giáo dục kinh tế và pháp luật, đây là những môn học mới được đưa vào kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông từ năm 2025.
Theo TTXVN