Thí điểm mô hình Trung tâm Phục vụ hành chính công “một cấp”: Những việc cần làm ngay

Thứ năm, ngày 21/11/2024

(BDO) Thí điểm mô hình Trung tâm Phục vụ hành chính công “một cấp” thuộc UBND tỉnh là mô hình đáp ứng yêu cầu của Chính phủ. Do đó, tỉnh cần khơi thông các điểm nghẽn, giải quyết được những vướng mắc, hạn chế về cơ sở dữ liệu; hệ thống dữ liệu liên thông từ cấp xã đến cấp tỉnh; làm tốt việc tiếp nhận hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính không phụ thuộc vào địa giới hành chính…

Trong thời gian tới, Trung tâm Phục vụ hành chính công một cấp tỉnh Bình Dương được kỳ vọng sẽ hoạt động hiệu quả nhờ quy về một mối

Chuẩn bị cơ sở vật chất, con người

Theo Đề án thí điểm thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công (PVHCC) tỉnh, về cơ cấu tổ chức, trong giai đoạn I, từ nay đến ngày 31-12-2024, Bình Dương sẽ thực hiện quản lý song trùng Trung tâm PVHCC tỉnh cùng các sở, ngành cấp tỉnh; UBND cấp huyện quản lý số lượng biên chế, nhân sự thực hiện nhiệm vụ tại các chi nhánh trung tâm như hiện trạng. Từ ngày 1-1-2025 đến 31-12-2025, tiếp nhận, bàn giao hiện trạng biên chế của Trung tâm Hành chính công tỉnh, Trung tâm PVHCC cấp huyện về Trung tâm PVHCC tỉnh; đồng thời đề xuất rà soát, xem xét bổ sung thêm biên chế công chức, viên chức cho trung tâm để bảo đảm về cơ cấu tổ chức theo quy định và có thể đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đề ra.

Đề án chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1, từ ngày 30-9 đến ngày 31- 12-2024: Triển khai thành lập, ra mắt Trung tâm PVHCC một cấp; giữ nguyên 9 chi nhánh với tên gọi Trung tâm PVHCC; 91 bộ phận “một cửa” của 91 xã, phường, thị trấn vẫn giữ nguyên tên gọi. Giai đoạn 2, từ ngày 1-1-2025 đến ngày 30-6-2025: Trung tâm PVHCC tỉnh sẽ kiện toàn nhân sự “một cửa” để xem xét phương án bố trí nhân sự từ các sở, ngành, phòng ban chuyên môn, nhân sự bưu điện, nhân sự chuyên trách phù hợp tình hình thực tiễn; kết hợp ban hành danh mục phi địa giới hành chính trong tiếp nhận TTHC; thành lập 9 chi nhánh Trung tâm PVHCC (loại 1) trên cơ sở gộp chi nhánh 9 địa phương cấp huyện và 9 bộ phận “một cửa” của các phường, thị trấn trung tâm. Giai đoạn 3, từ ngày 1-7-2025 đến hết năm 2025, rà soát lựa chọn tích hợp một số điểm “một cửa” các phường tại các thành phố để thành lập chi nhánh mới hay điểm “một cửa” liên phường khi đáp ứng các yêu cầu về trụ sở, cự ly di chuyển, số lượng hồ sơ phát sinh, nhân sự…

Trụ sở làm việc của Trung tâm PVHCC cấp tỉnh, cấp huyện được tỉnh quan tâm đầu tư đồng bộ, hiện đại, bố trí tại các địa điểm đông dân cư, giao thông thuận tiện. Do đó, đề nghị tiếp tục bố trí trụ sở làm việc của Trung tâm PVHCC đặt tại Trung tâm Hành chính công tỉnh và các chi nhánh Trung tâm PVHCC đặt tại trụ sở các Trung tâm PVHCC cấp huyện như hiện trạng để tận dụng tối đa các trụ sở làm việc hiện có và bảo đảm các yêu cầu.

Ông Võ Anh Tuấn, Chánh Văn phòng UBND tỉnh, nhấn mạnh trên tinh thần “bàn làm, không bàn lùi”, các sở, ngành, địa phương cần xác định mục tiêu, quyết tâm hành động, thực hiện theo lộ trình và phải đi đến đích, cho kết quả tốt, sản phẩm cụ thể. Cần có sự chuẩn bị chu đáo để trong quá trình thực hiện không để xảy ra sơ suất, không xáo trộn lớn về mặt thủ tục và cách vận hành. Các đơn vị liên quan rà soát lại những nội dung báo cáo UBND tỉnh những mặt thuận lợi và khó khăn để phối hợp xử lý trong quá trình thực hiện, nhất là tổ chức bộ máy, biên chế, nhân sự một cửa tại Trung tâm PVHCC tỉnh, các chi nhánh, các điểm tiếp nhận năm 2024 và năm 2025, cũng như việc khắc dấu mới, trả dấu cũ Trung tâm Hành chính công tỉnh, Trung tâm PVHCC cấp huyện; đổi bảng tên nhận diện thương hiệu; bố trí quầy phi địa giới hành chính tại Trung tâm PVHCC tỉnh, chi nhánh, điểm tiếp nhận; chế độ tình nguyện viên, chế độ nhân sự “một cửa”…

Về hạ tầng trang thiết bị, trước mắt tận dụng nguyên trạng trang thiết bị, phương tiện làm việc hiện có và các hồ sơ thuộc phạm vi quản lý theo quy định của Trung tâm Hành chính công tỉnh, Trung tâm PVHCC cấp huyện và một số bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp xã để thực hiện công tác tại Trung tâm PVHCC tỉnh, các chi nhánh Trung tâm PVHCC. UBND tỉnh giao UBND các huyện, thành phố tiếp tục quản lý các chi nhánh trung tâm PVHCC trong thời gian thí điểm đến khi triển khai phương án mua sắm, thuê trang thiết bị phục vụ cho hoạt động của Trung tâm PVHCC một cấp tỉnh Bình Dương.

Đổi mới cách thức

Ông Trương Công Huy, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Trung tâm Hành chính công tỉnh, cho biết mục tiêu của đề án nhằm xây dựng và tổ chức thí điểm mô hình Trung tâm PVHCC một cấp trực thuộc UBND tỉnh, vận hành trên cơ sở Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) tỉnh kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia, các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, các hệ thống nền tảng dùng chung. Thông qua việc thí điểm mô hình để đánh giá, đề xuất việc nhân rộng mô hình và hoàn thiện các quy định của pháp luật về tổ chức và hoạt động của các bộ phận “một cửa” hiện nay.

Điểm mới của đề án là đổi mới cách thức tiếp nhận TTHC theo hướng chuyển từ phân chia bộ phận “một cửa” theo cấp, đơn vị hành chính sang mô hình theo khu vực, quản lý tập trung, thống nhất, tạo điều kiện thuận lợi trong việc triển khai thực hiện tiếp nhận, trả kết quả đa ngành, đa lĩnh vực và không phụ thuộc vào địa giới hành chính; bảo đảm mỗi người dân đều có thể tiếp cận với các dịch vụ công được cung cấp trong bán kính dưới 30 phút di chuyển hoặc trong vòng bán kính không quá 5km, phù hợp với nơi sinh sống, học tập, công tác. Cái hay khác là nâng cao tính chuyên nghiệp, độc lập trong tiếp nhận, số hóa, trả kết quả giải quyết TTHC của bộ phận “một cửa”; bảo đảm sự linh hoạt trong bố trí cán bộ một cửa phù hợp với điều kiện, tình hình tiếp nhận, giải quyết TTHC của từng khu vực, tránh việc quá tải cục bộ; tạo điều kiện theo dõi, giám sát, đánh giá, đôn đốc việc thực hiện TTHC kịp thời, hiệu quả hơn.

Mục tiêu của đề án là thực hiện hiệu quả việc số hóa, khai thác, tái sử dụng dữ liệu đã được số hóa, đạt mục tiêu 100% hồ sơ tiếp nhận được số hóa trước khi giải quyết, 100% hồ sơ TTHC đã giải quyết thành công được lưu trữ và có giá trị tái sử dụng; không yêu cầu khai, nộp những thông tin, giấy tờ cơ quan Nhà nước đã có và quản lý ở dạng điện tử. Qua thực hiện đề án nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân trong tiếp cận, thực hiện TTHC đạt tối thiếu 95%, trong đó 100% hồ sơ TTHC đều được công khai, minh bạch quá trình tiếp nhận, giải quyết để tổ chức, cá nhân có thể theo dõi, giám sát, đánh giá; bảo đảm trải nghiệm dịch vụ giữa các bộ phận một cửa thống nhất, đồng bộ.

HỒ VĂN