Thi đánh giá năng lực: Kênh xét tuyển đánh giá toàn diện năng lực của học sinh

Thứ bảy, ngày 08/04/2023

(BDO) Kỳ thi đánh giá năng lực là cơ sở để các trường đại học (ĐH) xét tuyển thí sinh (TS) trong mùa tuyển sinh. Việc tham dự kỳ thi đánh giá năng lực giúp TS có thêm cơ hội trúng tuyển vào ngành, trường phù hợp với bản thân và có nhiều thuận lợi. Đây được xem là kênh xét tuyển ĐH đánh giá một cách toàn diện năng lực của học sinh (HS). Vì vậy, nhiều phụ huynh và HS lớp 12 đang dành sự quan tâm cho kỳ thi này.


Các thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 của trường ĐHQG TP.Hồ Chí Minh tại trường ĐH Quốc tế Miền Đông

Sức hút từ kỳ thi

Để vào ĐH, TS có khá nhiều phương thức khác nhau để dự tuyển. Ngoài xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển bằng học bạ THPT, TS còn có cơ hội trúng tuyển bằng điểm thi đánh giá năng lực do một số trường ĐH lớn tổ chức. Với uy tín về chất lượng của kỳ thi, nhiều trường ĐH đã chấp thuận xét tuyển TS có kết quả đánh giá năng lực. Chính vì vậy, số lượng TS đăng ký tham dự các kỳ thi đánh giá năng lực qua từng năm tăng lên khá cao. Cụ thể, kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 của ĐH Quốc gia (ĐHQG) TP.Hồ Chí Minh vừa diễn ra tại 21 tỉnh, thành phố đã có hơn 88.000 TS dự thi, cao nhất trong 6 năm tổ chức.

Em Lê Đăng Khôi, HS lớp 12A3, trường THPT Trịnh Hoài Đức (TP.Thuận An), chia sẻ: “Em vừa tham dự kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 của ĐHQG TP.Hồ Chí Minh để lấy điểm xét tuyển vào trường ĐH Bách khoa TP.Hồ Chí Minh. Với kết quả hiện tại, em có khoảng 80% cơ hội đậu đại học sớm. Tuy nhiên, dù kết quả thi đánh giá năng lực như thế nào thì em cũng sẽ cố gắng hết mình trong kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới”.

Trong kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 của trường ĐHQG TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương có hơn 3.300 TS tham gia thi tại 3 điểm thi đặt tại trường ĐH Thủ Dầu Một, ĐH Bình Dương và ĐH Quốc tế Miền Đông. Ông Nguyễn Văn Phong, Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo, cho biết những năm gần đây đa số HS khối 12 thường chọn kỳ thi đánh giá năng lực của trường ĐHQG TP.Hồ Chí Minh. Đây được xem là kênh xét tuyển ĐH đánh giá một cách toàn diện năng lực của HS. Trong các kỳ thi năm trước, đã có khá nhiều HS của tỉnh trúng tuyển thông qua kỳ thi đánh giá năng lực này.

Bảo đảm chất lượng đầu vào

Tại khu vực phía Nam, năm nay ngoài ĐHQG TP.Hồ Chí Minh còn có thêm trường ĐH Sư phạm TP.Hồ Chí Minh, trường ĐH Ngân hàng TP.Hồ Chí Minh và trường ĐH Việt Đức (Bình Dương) tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực. Tại trường ĐH Việt Đức, kỳ thi đánh giá năng lực TestAS sẽ được tổ chức vào ngày 20- 5. TestAS là kỳ thi tuyển do trường ĐH Việt Đức tổ chức riêng nhằm đánh giá năng lực TS đầu vào bậc ĐH và chiếm tới khoảng 60% chỉ tiêu tuyển sinh của nhà trường. Bài thi TestAS bao gồm một bài kiểm tra chính và một bài kiểm tra khối chuyên ngành. TS sẽ làm bài thi theo hình thức trắc nghiệm hoàn toàn bằng tiếng Anh và không sử dụng đến sự hỗ trợ của máy tính.

Theo Tiến sĩ Hà Thúc Viên, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Việt Đức, nhà trường lựa chọn và tổ chức bài thi TestAS để làm một trong những phương thức tuyển sinh chính của nhà trường trong nhiều năm qua vì nhận thấy bài thi đánh giá được một cách rất chính xác về kỹ năng tư duy logic và cả năng lực học ĐH cho các sinh viên Việt Đức trong tương lai. Cũng như các năm trước, năm 2023 trường ĐH Quốc tế Miền Đông cũng duy trì sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của trường ĐHQG TP.Hồ Chí Minh làm một trong những phương thức xét tuyển ĐH chính quy cho các ngành đào tạo của trường với ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào từ 600 điểm trở lên nhằm tuyển được các TS tốt, nâng cao chất lượng đầu vào của nhà trường.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Trọng, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Quốc tế Miền Đông, cho biết trường cũng dành những suất học bổng cho TS xét tuyển và trúng tuyển vào trường bằng kết quả kỳ thi. Cụ thể, TS có kết quả 800 điểm trở lên có cơ hội nhận được học bổng 10 triệu đồng; TS có kết quả từ 850 điểm trở lên có cơ hội nhận được học bổng 20 triệu đồng hoặc học bổng toàn phần gồm 100% học phí 4 năm học và học phí 1.000 giờ tiếng Anh với giảng viên bản ngữ tại trường.

Tuy nhiên, kết quả thi đánh giá năng lực được sử dụng chỉ như một phương án xét tuyển, bên cạnh các phương thức xét tuyển khác. Điều kiện chung để được xét tuyển là TS đã tốt nghiệp THPT và việc xét tuyển sẽ thực hiện theo nhiều phương thức khác nhau, trong đó có kết quả thi đánh giá năng lực và cần đạt ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào của ngành/chương trình đào tạo theo quy định.

Theo Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo ĐHQG TP.Hồ Chí Minh, tổng cộng có 88.052 TS đã tham dự kỳ thi đợt 1. Điểm trung bình TS đạt được là 639,2 điểm. TS có điểm thi cao nhất kỳ thi là 1.091 điểm và TS có điểm thi thấp nhất là 238 điểm tính theo thang điểm 1.200. Theo kế hoạch, kỳ thi đánh giá năng lực đợt 2 của ĐHQG TP.Hồ Chí Minh năm 2023 được dự kiến tổ chức vào ngày 28-5 tại 4 địa phương là TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, An Giang.

HỒNG PHƯƠNG