Theo đuổi đam mê sưu tầm đồ cổ

Thứ năm, ngày 21/05/2015

(BDO) Chúng tôi tìm đến khu phố Nguyễn Trãi, phường Lái Thiêu, TX.Thuận An để tìm gặp anh Nguyễn Hữu Phúc (60 tuổi), người có thâm niên sưu tầm đồ cổ gần 40 năm nay. Ngôi nhà của anh từ ngoài đường nhìn vào đã thấy ngay nhiều bức tranh, đồng hồ, vật dụng xưa cũ được bài trí khắp nhà, nhiều món đồ gốm quý được anh đặt trong tủ kính một cách trang trọng. Thú sưu tầm đồ cổ không chỉ là sự thỏa mãn niềm đam mê mà còn mang lại giá trị kinh tế trong cuộc sống của anh...

Anh Nguyễn Hữu Phúc giới thiệu những món đồ cổ của mình Ảnh: Đ.LÊ

Cái duyên dẫn anh Phúc đến thú sưu tầm đồ cổ bắt đầu từ những năm anh mới chập chững bước vào nghề mua bán đồ cũ rồi dần dần đam mê sưu tầm đồ cổ lúc nào không hay. Những năm đầu mới vào nghề mua bán đồ cũ như tủ bàn ghế, đồng hồ, đồ gốm… anh Phúc chưa hề có ý thức về giá trị của những món đồ cổ. Nhớ lại khoảng năm 1980, anh Phúc không khỏi tiếc nuối vì lúc đó anh chứng kiến nhiều món đồ cổ quý của Việt Nam lần lượt bán ra nước ngoài, chủ yếu qua Campuchia, Thái Lan, sau đó sang các nước khác mà bản thân anh lúc đó cũng chưa hề biết được giá trị cũng như ý thức giữ gìn những món đồ cổ đó.

Đến với thú sưu tầm đồ cổ, anh Phúc tự mày mò tìm hiểu để trang bị cho mình vốn kiến thức, bên cạnh tìm hiểu qua tài liệu, sách báo thì kinh nghiệm chủ yếu của anh Phúc tích lũy được từ va chạm thực tế và qua trao đổi với những người có cùng sở thích trong giới sưu tầm đồ cổ. Anh Phúc cho biết, ngày trước đồ giả cổ rất ít, nhưng ngày nay đồ cổ thật giả lẫn lộn rất khó phân biệt nếu không có kiến thức và kinh nghiệm. Bản thân anh, để có được kinh nghiệm như bây giờ anh Phúc cũng đã phải trả một khoản “học phí” từ những lần mua phải đồ dỏm. Anh Phúc chia sẻ, chơi đồ cổ khó nhất là phân biệt đúng giá trị đồ cổ, nhất là đồ đồng rất khó phân biệt tuổi. Trong giới sưu tầm đồ cổ có câu: “Nhất chữ, nhì tranh, tam sành, tứ tượng” để chỉ mức độ khó phân biệt đồ cổ.

Nhiều người sưu tầm đồ cổ chỉ thích sưu tầm sở trường về một loại như tranh, gốm, đồng hồ… nhưng riêng đối với anh Phúc bất cứ một loại đồ cổ nào cũng đem lại cho anh niềm say mê, thích thú từ đồ gỗ, gốm sứ, đèn, tranh ảnh… mỗi thứ đều có sức hút với anh một cách kỳ lạ. Anh tâm sự, hồi xưa đồ gốm chủ yếu làm bằng tay, nung bằng củi nên sinh nhiều sản phẩm lỗi hoặc “hỏa biến” có một không hai, rất độc đáo.

Cả thời tuổi trẻ và đến tận bây giờ anh Phúc đều dành hết thời gian, công sức cho thú đam mê đồ cổ của mình. Không thể kể hết những con đường anh đã đi để săn tìm đồ cổ, anh đã lặn lội khắp các ngõ ngách ở Sài Gòn, thậm chí vào từng nhà và biết rõ nhà nào có đồ cổ nhà nào không. Ngoài Sài Gòn, nơi mà anh đi săn đồ cổ nhiều nhất là các tỉnh miền Tây, có khi anh đi 5 - 7 ngày mới về nhà. Lặn lội đi săn đồ cổ vất vả, nhưng bù lại mỗi khi anh có được món đồ quý thì niềm vui không thể nào tả xiết.

Với tiếng tăm và uy tín của mình nên năm 2013, khi Câu lạc bộ Cổ vật Thuận An được thành lập thì anh Phúc được mọi người tín nhiệm bầu làm Chủ nhiệm câu lạc bộ. Việc thành lập Câu lạc bộ Cổ vật Thuận An đã tạo ra sân chơi lành mạnh cho những người yêu thích cổ vật như anh Phúc, qua đó góp phần bảo tồn, tuyên truyền ý thức bảo vệ di sản văn hóa trong nhân dân.

 

 ĐỨC LÊ