Thêm một ca khúc tôn vinh người thầy
Có lẽ âm nhạc luôn làm cho con người thêm yêu đời, phấn chấn hơn với những giai điệu mượt mà, sâu lắng. Và cũng lâu rồi chúng tôi chưa có dịp được thưởng thức những ca khúc ngợi ca ngành giáo dục đầy tự hào ngoài ca khúc bất hủ “Người giáo viên nhân dân”. Nhưng hôm nay, ca khúc “Bài ca người phụ nữ ngành giáo dục Bình Dương” đã đến như một luồng gió mới để chúng tôi như thêm tự hào về nghề giáo, về những người luôn tận tụy “đưa đò” một cách thầm lặng…
(BDO)
Thầy Nguyễn Ngọc Khuê, chỉ huy dàn hợp xướng của trường Trung cấp Văn hóa - Mỹ thuật Bình Dương
Đẹp như em người phụ nữ Bình Dương/ Tâm hồn em như ánh sao tỏa sáng… được thầy giáo Nguyễn Ngọc Khuê đưa vào ca khúc “Bài ca người phụ nữ ngành giáo dục Bình Dương” đầy ngọt ngào và cũng rất đỗi tự hào. Với giai điệu nhẹ nhàng, vừa phải của bài hát làm cho chúng tôi yêu những người thầy của mình hơn. Vinh dự hơn cho chúng tôi, một trong những người được thưởng thức ca khúc đầu tiên trọn vẹn, tự hào. Tác giả ca khúc cũng chính là người thể hiện, đầy sâu lắng, trữ tình để tôn vinh những người thầy, người chiến sĩ văn hóa. Tác giả đã đưa vào bài hát một câu hỏi nhỏ: Hỏi em nay nơi đâu, nơi đâu/ Em trong ngành giáo dục Bình Dương… trong niềm tự hào bởi: Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây/ Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người. Với thầy Khuê, nó như một phần trách nhiệm để xã hội ngày một văn minh hơn, tốt đẹp hơn.
Câu hát Em người phụ nữ thời đại mới/ Là kỹ sư tâm hồn, cả đời cống hiến trong ngành giáo dục/ Tự hào đó là em người nhà giáo Bình Dương/ Tự hào thay người phụ nữ Bình Dương được kết thúc để ngợi ca những cống hiến thầm lặng của ngành giáo dục Bình Dương. Và có “trong tay” những học trò tâm huyết với nghề, chúng tôi tin chắc bài hát sẽ được đưa ra rộng rãi với công chúng để cùng nhau ngợi ca người thầy của mình.
Ca khúc “Bài ca người phụ nữ ngành giáo dục Bình Dương” của thầy Nguyễn Ngọc Khuê, giảng viên khoa Nghệ thuật - Trình diễn, trường Trung cấp Mỹ thuật- Văn hóa Bình Dương đoạt giải nhất hội thi viết về Phụ nữ ngành giáo dục thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa do Công đoàn ngành giáo dục vừa tổ chức. Và chúng tôi lại có dịp gặp, trao đổi cùng thầy Khuê xoay quanh ca khúc. Chúng tôi nhận được những chia sẻ rất đỗi tự hào từ thầy, ca khúc như một lời cảm ơn đến tất cả mọi người sau 10 năm gắn bó với Bình Dương. Và giờ đây, Bình Dương đã trở thành quê hương thứ 2 để được cùng với các thầy cô của trường mang tri thức, truyền đam mê âm nhạc đến với học trò của mình. Bình Dương như chắp thêm đôi cánh để những người có tâm huyết với nghề được tỏa sáng. Năm học 2014-2015, thầy Nguyễn Ngọc Khuê vinh dự đoạt giải 3 “Giáo viên dạy giỏi trung cấp chuyên nghiệp toàn quốc lần thứ X” được tổ chức tại Đà Nẵng.
Hiện tại, thầy Nguyễn Ngọc Khuê đang phụ trách hợp xướng của trường và có điều kiện quy tụ tất cả các em ở nhiều lớp khác nhau nên tình thầy trò thêm gắn bó. Đó là điều mà thầy Khuê cảm thấy hạnh phúc nhất khi phục vụ đúng chuyên môn mình đã học. “Và Bình Dương giờ đây với tôi đã là quê hương thứ hai đầy thương mến, người Bình Dương hiền hòa làm cho âm nhạc trong tôi thêm thăng hoa…”, thầy Khuê chia sẻ trong niềm hạnh phúc.
SONG ANH