Thêm động lực cho sự phát triển

Thứ bảy, ngày 03/11/2018

(BDO) Hôm qua (2-11), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP hay còn gọi là TPP-11), cùng các văn kiện liên quan, đã được Chủ tịch nước trình Quốc hội phê chuẩn. Đây là một hiệp định thương mại tự do (FTA) chất lượng cao, đề cập tới các lĩnh vực truyền thống như cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật… liên quan đến thương mại. Với Việt Nam, sau khi CPTPP được Quốc hội phê chuẩn và có hiệu lực sẽ tác động lớn, giúp thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước trong thời gian tới.

Trước đó, TPP-11 được thông báo có hiệu lực từ ngày 30-12 sau khi Australia trở thành nước thứ 6 phê chuẩn hiệp định này. Như vậy, sau New Zealand, Canada, Nhật Bản, Mexico, Singapore và Australia, nếu được Quốc hội thông qua, Việt Nam là nước thứ 7 phê chuẩn hiệp định. Cùng với Việt Nam, 4 nước khác cũng đang trong quá trình phê chuẩn hiệp định này là Brunei, Chile, Malaysia và Peru. Ngoài 11 quốc gia nói trên, Trung Quốc, Anh và Hàn Quốc được cho là đang xem xét việc gia nhập CPTPP.

Các cuộc đàm phán CPTPP, tiền thân là TPP (Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương), kết thúc hôm 23-1 tại Tokyo (Nhật). Hiệp định được ký kết vào ngày 8-3 tại Santiago (Chile). TPP ban đầu từng được kỳ vọng sẽ tạo ra khối tự do thương mại lớn nhất thế giới với GDP chiếm khoảng 40% GDP toàn cầu nếu có sự tham gia của Mỹ. Tuy nhiên, sau đó Tổng thống Donald Trump đã rút Washington khỏi hiệp định, buộc 11 nước còn lại phải tái đàm phán để cho ra đời phiên bản mới mang tên CPTPP. Dẫu vậy, CPTPP vẫn tạo ra thị trường thương mại tự do lớn nhất thế giới, trải dài cả 3 châu lục với sức tiêu dùng của gần 500 triệu dân và GDP vào khoảng hơn 13.000 tỷ USD, chiếm 13% GDP toàn cầu.

Với Việt Nam, có thể khẳng định những tác động tích cực do CPTPP mang lại là khá toàn diện. Cũng như các quốc gia khác, một khi đã tham gia CPTPP, Việt Nam không chỉ cam kết mở cửa thị trường, gỡ bỏ hàng rào thuế quan, tiếp tục tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại, mà còn công khai và minh bạch quản lý nhà nước về phát triển thị trường. Hàng loạt lĩnh vực của Việt Nam, bao gồm truyền thống và phi truyền thống, đều có các cam kết. Thực thi những cam kết này, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và các ngành nghề, doanh nghiệp, sản phẩm sẽ được cải thiện và nâng cao.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng sẽ gặp không ít thách thức khi tham gia CPTPP. Từ thực tiễn hội nhập những năm trước đây khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) hay khi ký kết Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ (BTA), nếu tận dụng tốt cơ hội khai thác thị trường, thực thi cam kết hội nhập gắn với nền kinh tế một cách chủ động, tác động tiêu cực sẽ hạn chế. Ngược lại, nếu không quan tâm thực thi cam kết trong hội nhập, tất yếu Việt Nam sẽ phải trả giá, đặc biệt là những ngành được bảo hộ, bảo vệ thông qua hàng rào thuế quan.

Cân đong giữa được và mất thì được vẫn nhiều hơn mất một khi Việt Nam tham gia CPTPP và cái mất suy cho cùng vẫn là được, bởi qua đó các ngành được bảo hộ, bảo vệ thông qua hàng rào thuế quan phải tự tái cơ cấu để vươn lên. Do vậy, CPTPP đã được Chủ tịch nước trình Quốc hội phê chuẩn nhằm tạo thêm động lực cho sự phát triển bền vững của đất nước và thực hiện được mục tiêu quan trọng của chiến lược phát triển kinh tế 5 năm (2016-2021).

LÊ QUANG