Thêm “cú hích” giúp doanh nghiệp phục hồi
(BDO) Sau gần 4 tháng thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, doanh nghiệp (DN) tại các tỉnh, thành khu vực phía Nam, trong đó có Bình Dương, đã chịu sự tác động nặng nề. Ngay sau khi dịch bệnh được kiềm chế và mở cửa trở lại, nhiều DN rơi vào tình trạng khó khăn về vốn để phục hồi sản xuất. Thấu hiểu những khó khăn, đồng thời mong muốn tạo ra “cú hích” giúp DN sớm phục hồi, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động vào cuộc giúp DN nối lại hoạt động sản xuất, kinh doanh bằng chính nguồn lực của ngân hàng.
DN và ngân hàng có mối quan hệ khắng khít, hợp tác theo nguyên tắc đôi bên cùng có lợi. DN làm ăn thuận lợi sẽ góp phần giúp ngành ngân hàng phát triển và ngược lại DN khó khăn sẽ kéo giảm sự phát triển của ngân hàng. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát và kéo dài đã tác động mạnh mẽ đến “sức khỏe” của DN. Nguồn kinh phí dự phòng cho hoạt động sản xuất phải trích ra để đầu tư, trang bị phục vụ sản xuất “3 tại chỗ”, chi phí xét nghiệm cho đội ngũ nhân viên, chi phí lưu thông hàng hóa... khiến nhiều DN khó cầm cự nếu không có nguồn lực hỗ trợ từ phía ngân hàng.
Trước tình hình đó, thực hiện sự chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã liên tiếp 3 lần điều chỉnh giảm lãi suất đối với các lĩnh vực ưu tiên, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận vốn từ Ngân hàng Nhà nước với chi phí thấp, qua đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ DN phục hồi sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước cùng với 16 ngân hàng thương mại đã thống nhất nguyên tắc tiếp tục giảm lãi suất cho vay 1% trên dư nợ hiện hữu bằng đồng Việt Nam trong những tháng cuối năm 2021 đối với khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
Để giúp DN khó khăn có thể trụ vững và phục hồi trong giai đoạn này, ngành ngân hàng còn tái cơ cấu lại, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ phù hợp với sự tác động của tình hình dịch bệnh. Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành các thông tư hướng dẫn và thực hiện tái cấp vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0%/năm, không cần có tài sản bảo đảm để người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất. Cùng với các hoạt động nói trên, ngành ngân hàng cũng đã chủ động tổ chức đối thoại, lắng nghe ý kiến từ phía DN. Cuộc họp trực tuyến giữa ngành ngân hàng và DN vừa diễn ra chiều qua (22-10) không ngoài mục đích giúp DN và ngân hàng có tiếng nói chung, cùng nhau vực lại nền kinh tế đang có dấu hiệu sa sút do dịch bệnh gây ra.
Như vậy, cùng với các ưu đãi miễn, giảm tiền thuê đất và các chính sách thuế từ Chính phủ, sự hỗ trợ kịp thời về vốn từ phía ngân hàng chắc chắn sẽ tạo ra “cú hích” giúp DN sớm phục hồi sản xuất kinh doanh, góp phần hoàn thành “mục tiêu kép” mà Chính phủ đã đề ra.
LÊ QUANG