NHÌN LẠI 9 NĂM THỰC HIỆN LUẬT THỂ DỤC THỂ THAO:

Thể thao Bình Dương khởi sắc

Thứ tư, ngày 13/01/2016

(BDO) Nhìn lại hoạt động thể dục thể thao (TDTT) Bình Dương trong 9 năm qua (2006-2015), nhiều bộ môn thể thao thành tích cao, cũng như TDTT phong trào đã có bước tiến đáng kể, gặt hái nhiều tấm huy chương quý báu. Bên cạnh đó, phong trào TDTT ở cơ sở cũng phát triển mạnh mẽ, tạo nên không khí rèn luyện sức khỏe rộng khắp trong toàn tỉnh.

 Giải việt dã leo núi Cậu mở rộng đã góp phần để ngành TDTT Bình Dương tuyển chọn VĐV điền kinh

Vào những ngày cuối năm, chúng tôi đến các Trung tâm Văn hóa thông tin - Thể thao huyện, thị, thành phố; các câu lạc bộ (CLB) thể thao của tỉnh và chứng kiến rất nhiều lứa tuổi tham gia tập luyện môn thể thao phù hợp, như: Thể dục dưỡng sinh, bóng bàn, bóng đá, bơi lội… Từ đó, góp phần phát triển thể thao phong trào; đồng thời thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 27,9% dân số tập luyện TDTT thường xuyên (tăng 7,05% so với năm 2006); số gia đình thể thao đạt 23,8% (tăng 8,7% so với năm 2006); tỷ lệ trường học bảo đảm giáo dục thể chất luôn đạt 100%. Trung bình hàng năm, các địa phương đã tổ chức được gần 600 cuộc thi đấu thể thao; toàn tỉnh có 840 CLB thể thao cơ sở các môn, phục vụ nhu cầu tập luyện cho các tầng lớp nhân dân.

Phong trào TDTT quần chúng đã tạo nền tảng vững chắc cho thể thao thành tích cao hướng tới những thành công trên các đấu trường quốc gia, quốc tế. Những năm qua, ngành thể thao Bình Dương đã duy trì được một hệ thống đào tạo vận động viên (VĐV) các tuyến bài bản. Hiện nay, đang tập trung đào tạo 17 môn thể thao (chưa tính các môn theo mô hình xã hội hóa), với 727 VĐV, 133 huấn luyện viên (HLV) các tuyến (tăng 450 VĐV và 96 HLV so với năm 2006). Hàng năm đóng góp nhiều VĐV cho đội tuyển trẻ và đội tuyển quốc gia. Các môn thể thao thế mạnh được đầu tư và duy trì thường xuyên.

Mỗi năm, Bình Dương tham gia khoảng hơn 100 giải thể thao khu vực, toàn quốc, quốc tế, giành được hàng ngàn huy chương các loại. Thành tích rõ nét nhất qua các kỳ đại hội TDTT toàn quốc. Nếu như tại Đại hội TDTT toàn quốc lần lần V năm 2006, Bình Dương đạt 1 HCV, 6 HCB, 15 HCĐ xếp vị trí thứ 46/66 tỉnh, thành, ngành; thì tại Đại hội TDTT toàn quốc lần VII năm 2014, đạt 8 HCV, 12 HCB, 22 HCĐ, xếp vị trí thứ 21/65 tỉnh, thành, ngành tham gia (tăng 25 bậc so với năm 2006). Bình Dương có 245 VĐV đạt đẳng cấp quốc gia (trong đó có 76 VĐV cấp kiện tướng và 169 VĐV cấp I), tăng 63 VĐV so với năm 2006.

Công tác xã hội hóa TDTT trên địa bàn tỉnh đã thu được những kết quả tích cực. Theo đó hệ thống các cơ sở thể thao ngoài công lập phát triển đáp ứng một phần đáng kể nhu cầu của xã hội. Các tổ chức xã hội nghề nghiệp về TDTT hoạt động tương đối hiệu quả, điển hình như: Liên đoàn Bóng đá, Liên đoàn Xe đạp - mô tô thể thao, Liên đoàn Vovinam, Hội Golf…

Ông Nguyễn Phú Yên, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết, đạt được kết quả trên, TDTT Bình Dương đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự phối hợp tích cực, nghiêm túc, đồng bộ của các sở, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc tổ chức quán triệt, thi hành Luật TDTT, đặc biệt là sự tích cực tham gia hưởng ứng của nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Duy trì, phát huy kết quả đạt được, ngành TDTT Bình Dương sẽ đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội để hướng dẫn, tổ chức phong trào TDTT phù hợp với từng đối tượng và từng địa bàn. Mặt khác, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân về TDTT; tập trung chỉ đạo các hoạt động TDTT ở cơ sở và công tác giáo dục thể chất trong trường học các cấp. Hàng năm, sở sẽ đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ TDTT, coi trọng chất lượng, cả về chính trị, đạo đức và nghiệp vụ chuyên môn; đầu tư tập trung hoàn thành các công trình thể thao cơ bản của tỉnh và các huyện, thị, thành phố nhằm đáp ứng được nhu cầu phát triển sự nghiệp TDTT.

Luật TDTT ban hành 29-11-2006 là văn bản pháp lý quan trọng đối với công tác phát triển sự nghiệp TDTT trong thời kỳ đổi mới, tạo hành lang pháp lý cho TDTT phát triển đúng định hướng. Luật thay thế cho Pháp lệnh TDTT, đánh dấu bước tiến quan trọng, phù hợp xu thế phát triển chung của đất nước, đặc biệt là giai đoạn hiện nay khi Việt Nam đang trong quá trình hội nhập quốc tế. Không những vậy, Luật TDTT còn mang tính xã hội rộng rãi liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau, thúc đẩy phát triển sự nghiệp TDTT, góp phần điều chỉnh những mối quan hệ liên ngành có liên quan đến thể thao. 

 
T.LÝ