Thế mạnh Khu kinh tế tự do vùng ven biển

Thứ bảy, ngày 08/05/2010

“Sau 35 năm thống nhất đất nước, có thể nói Việt Nam hiện vẫn chưa có đặc khu kinh tế và khu kinh tế tự do (KKTTD) theo đúng nghĩa của nó và cũng chưa có một chính sách mở cửa các vùng ven biển Việt Nam đầy tiềm năng”. TS Võ Đại Lược, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ - tài chính quốc gia, nhìn nhận. Ở đây, khái niệm KKTTD được sử dụng với nghĩa rộng nhất, bao gồm các khu kinh tế mở cửa khẩu, cảng tự do, khu du lịch tự do, KKTTD tổng hợp...

Cảng biển, một lợi thế của Việt NamCác thành phố lớn phát triển trên thế giới, phần lớn đều có một cảng biển bên cạnh. Ngay tại Việt Nam cũng thể hiện rõ điều này. Hội An (Quảng Nam) trước đây là một thành phố cảng, nhưng ngày nay trở thành phố cổ vì cảng Hội An không đủ sức nuôi lấy thành phố Hội An; và Đà Nẵng đã thay thế để làm cửa ngõ cho miền Trung. Biên Hòa (Đồng Nai) và Mỹ Tho (Tiền Giang) là hai thành phố có trước hơn Sài Gòn, nhưng cảng Sài Gòn sâu hơn, quy mô lớn hơn, có thể cho tàu viễn dương đến 30 ngàn tấn cập bến. Trong khi đó thì Mỹ Tho và Biên Hòa không có cảng tốt như vậy. Kết quả là Sài Gòn đã trở thành đô thị công nghiệp thương mại dịch vụ phát triển nhanh nhất phía Nam, vì Sài Gòn gắn được với biển cả qua cảng Sài Gòn tương ứng... Việt Nam có hơn 3.200km bờ biển với 50 cửa sông ra biển rải khắp từ Bắc chí Nam, có những cảng nước sâu hàng đầu thế giới như Cam Ranh, Vân Phong... Khi mà cả nước Việt Nam thuộc vùng ven biển gắn với đường hàng hải quốc tế, coi như lợi thế mặt tiền hết sức thuận lợi cho phát triển kinh tế. Việt Nam lại nằm ở vị trí liên thông giữa tuyến đường xuyên Bắc - Nam, từ Trung Quốc qua Việt Nam sang Campuchia, Thái Lan, Malaysia... và tuyến đường xuyên Á, Đông - Tây, từ Việt Nam đi Lào qua Thái Lan, Myanmar... ở ngã tư hàng không Đông - Tây và Bắc - Nam. Đây là lợi thế ngã tư hết sức quan trọng. Việt Nam lại ở vùng trung tâm Đông Á, một vùng phát triển năng động nhất thế giới. Đây là lợi thế vùng trung tâm tăng trưởng nhanh. Cho đến nay, theo TS Võ Đại Lược, nhiều công trình nghiên cứu tổng kết về các KKTTD các loại đã đi tới những nhận xét tương đối thống nhất về 5 yếu tố quyết định sự thành công của KKTTD. Một, các quốc gia có ý định xây dựng những KKTTD phải có quyết tâm chính trị cao. Quyết tâm này thể hiện ở chỗ phải lựa chọn một đội ngũ nhân lực từ các chuyên gia tới những người quản lý có tầm tư duy hiện đại, có tâm huyết với đất nước để làm việc này; có quyết tâm định ra một cơ chế hành chính, kinh tế - xã hội ngang tầm thời đại và quốc tế, nếu những thể chế này chỉ nhỉnh hơn các thể chế trong nước chút ít và thua xa quốc tế thì cũng khó thành công; thành lập một bộ máy điều hành bao gồm lập pháp, hành pháp, tư pháp trong khu vừa minh bạch, hiện đại, có thực lực... Hai, phải lựa chọn được những vị trí có nhiều lợi thế nhất, trước hết phải có cảng quốc tế và thuận tiện giao thông với tuyến đường hàng hải quốc tế; gần các tuyến giao thông huyết mạch, gần các khu kinh tế, khoa học, văn hóa, xã hội phát triển. Lựa chọn sai địa điểm cũng là một yếu tố dễ dẫn đến thất bại. Ba, môi trường nội địa thuận lợi thể hiện trước hết ở chỗ tình hình chính trị, xã hội, kinh tế quốc gia phải ổn định; xu thế phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế phải là xu thế chủ đạo; quan hệ giao lưu giữa các KKTTD và kinh tế nội địa phải thông thoáng... Bốn, quan hệ quốc tế phát triển thể hiện ở chỗ phải có quan hệ đối tác thân thiện với tất cả các quốc gia, đặc biệt là các cường quốc, các khối kinh tế, các tổ chức quốc tế. Nếu một quốc gia bị các cường quốc lạnh nhạt, khó mở rộng quan hệ kinh tế với họ thì làm sao thu hút các công ty của họ vào những KKTTD. Năm, phải có nguồn nhân lực dồi dào về số lượng và được đào tạo phù hợp. Đây là yếu tố rất quan trọng vì nếu thiếu lao động thì không thể nói đến làm ăn kinh doanh gì cả. Căn cứ vào kinh nghiệm của thế giới và những điều kiện cụ thể của mình, theo đề xuất của TS Võ Đại Lược, Việt Nam có thể cần xây dựng những hình thức KKTTD sau đây: KKTTD tổng hợp, các đô thị quốc tế; Đặc khu kinh tế theo lĩnh vực; Các cảng tự do, các khu thương mại tư do...; Các khu kinh tế mở. “Tất cả các khu vực có cảng quốc tế đều có thể cho phép áp dụng thể chế khu kinh tế mở” - TS Võ Đại Lược, nhấn mạnh. Ở đây thể chế kinh tế có mức độ tự do càng cao, hiệu quả kinh tế càng lớn. Đơn cử, thể chế các KKTTD, có thể lấy thể chế của Hồng Kông luôn được xếp hạng số 1 về tự do kinh tế và các KKTTD của Hàn Quốc, Đài Loan và Trung Quốc để làm chuẩn. Dĩ nhiên ở đây phải có sự điều chỉnh phù hợp với điều kiện kinh tế Việt Nam. Còn về thể chế các khu kinh tế mở, các cảng tự do, có thể lấy thể chế hiện đang áp dụng cho các loại hình này của thế giới, xem xét, bổ sung và xác định thích hợp với từng khu cụ thể của Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam đã quyết định xây dựng 15 khu kinh tế ven biển, hơn 200 khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu, nhưng trên thực tế chưa có một khu nào thực sự là khu kinh tế mở, mà hầu hết mới chỉ là các khu công nghiệp với nhiều hạn chế. “Chúng ta cần có sự tổng kết, đánh giá để từ đó đưa ra các giải pháp chuyển đổi mạnh mẽ những khu này thành khu kinh tế mở theo các tiêu chí của KKTTD, có sức cạnh tranh ngang tầm khu vực và quốc tế. Chỉ có như vậy mới lợi dụng được lợi thế địa lý kinh tế biển của Việt Nam” - TS Võ Đại Lược, kết luận. MINH TÂM