Thế giới tăng mua, Việt Nam hết gạo bán
Càng về các tháng cuối năm, nhu cầu nhập khẩu tăng khá mạnh, đẩy giá gạo thế giới lên cơn sốt. Ngay trong tháng 10 này, một số nước như Việt Nam, Thái Lan, Pakistan, Ấn Độ điều chỉnh giá xuất khẩu tăng ít nhất 30% so với cách nay hơn một tháng. Tuy nhiên, vào thời điểm xuất khẩu được coi là có lợi nhất trong năm thì Việt Nam không còn gạo bán…
Giá lúa sẽ không tăng
Từ nay đến cuối năm, Việt Nam hầu như không còn gạo bán trong khi giá gạo thế giới đang tăng khá mạnh.Hơn hai tuần đầu tháng 10 trở lại đây, theo thừa nhận từ Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), hầu như không có hợp đồng thương mại nào ký mới. Nguyên nhân một phần do giá gạo xuất khẩu và nội địa biến động thường xuyên, doanh nghiệp sợ bị lỗ nên chưa dám ký hợp đồng. Ngoài ra, với mức giá sàn mà VFA vừa nâng thêm 10 USD/tấn đối với gạo 25% tấm, lên 445 USD; và gạo 5% lên 475 USD/tấn cũng khiến thương nhân nước ngoài dè dặt mua. Như vậy, số lượng gạo có hợp đồng, tính đến cuối tháng 9.2010 là 6,8 triệu tấn mà VFA công bố hôm đầu tháng đến nay vẫn giữ nguyên; trong số này còn khoảng 1,3 triệu tấn chưa giao.
Việc không có nhiều hợp đồng ký mới trong những ngày qua ít nhiều tác động đến thị trường lúa gạo nội địa. Giá lúa hè thu, thu đông không tăng nóng như trong tháng 8, tháng 9 mà giữ mức ổn định từ 5.300-5.600 đồng/kg, gạo lứt hạt dài khoảng 7.300-7.500 đồng/kg.
Một số thương lái cho hay, doanh nghiệp vẫn tìm mua gạo, và thời điểm này chỉ những gia đình khá giả mới còn lúa hè thu bán. Bà Trần Thị Bông, thương lái ở An Giang cho biết lúa thu đông giá trên 5.000 đồng/kg nhưng sản lượng còn ít vì mới có một số địa phương thu hoạch như Kiên Giang, Bạc Lưu, Sóc Trăng, Hậu Giang, Long An…
“Giá lúa gạo tuy không tăng nhanh như trước nhưng đứng vững ở mức cao. Lúc này thương lái thu gom bao nhiêu thì doanh nghiệp cũng mua hết”, bà Bông nói. Ông Huỳnh Minh Huệ, tổng thư ký VFA cũng cho rằng, hợp đồng ký chưa giao còn nhiều nên doanh nghiệp vẫn phải mua gạo nguyên liệu. Nhiều khả năng sản lượng gạo thu đông, vụ ba (khoảng 1,3-1,5 triệu tấn) còn lại của năm nay chỉ vừa đủ chân hàng hợp đồng đã ký, nguồn dự phòng thiên tai, bão lụt và một ít gối đầu năm sau.
“Từ nay đến cuối năm, việc ký mới các hợp đồng phải hết sức cân nhắc, vì nếu không sẽ gây ra căng thẳng ở thị trường nội địa”, ông Huệ khẳng định.
Thế giới tăng mua, Việt Nam hết gạo bán
Như vậy, một khi doanh nghiệp không bán thêm gạo mà chỉ tập trung mua để giao cho hợp đồng đã ký trước đây (với mức giá thấp hơn 30-50 USD/tấn so với hiện nay) thì cũng đồng nghĩa với việc giá lúa gạo nội địa từ nay đến cuối năm sẽ ổn định như mức hiện nay, ít có khả năng tăng đột biến. Trong khi đó, theo tính toán của Cục Trồng trọt, giá thành lúa thu đông và vụ ba năm nay vào khoảng 3.333 đồng/kg, cao hơn 496 đồng so với vụ đông xuân và 119 đồng so vụ hè thu. Trong trường hợp nông dân bán lúa trên 5.000 đồng/kg thì vẫn có lời trên 30%.
Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp tính toán tốt điểm rơi thị trường xuất khẩu, không bán ồ ạt gạo ra hồi đầu năm ở mức giá quá thấp, thì năm nay, hiệu quả thu được từ xuất khẩu gạo chắc chắn cao hơn nhiều. Ngay ở thời điểm này, trong khi Việt Nam dè dặt bán gạo, thì nhu cầu thế giới lại tăng mạnh. Trong tháng 11 tới đây, Indonesia nhiều khả năng sẽ phải mua thêm 200.000 tấn gạo Việt Nam do kế hoạch đàm phán với Thái Lan thất bại vì giá quá cao (gạo trắng 100% loại B tăng lên 505 USD/tấn giữa tháng 10 so với 475 USD/tấn tháng 9.2010). Cơn bão Megi vừa tràn vào miền bắc Philippines, theo đánh giá của VFA, làm tổn thất nặng vụ lúa sắp thu hoạch nên nhiều khả năng, nước này công bố các đợt thầu từ cuối tháng 11 để nhập 500.000-600.000 tấn gạo vào giữa tháng 12 tới.
Nếu Philippines mở cửa nhập gạo sớm như vậy, chắc chắn thị trường gạo thế giới sẽ xảy ra biến động, nguồn tin từ VFA nhận định. Đồng thời, với việc không còn gạo để bán, Việt Nam hầu như không còn hy vọng kiếm thêm lợi nhuận.
Theo SGTT