Thế giới lo âu về thời tiết

Thứ hai, ngày 25/02/2013

Không chỉ được dự đoán là năm có nhiệt độ cao nhất, 2013 còn là năm mà các chuyên gia khí tượng cho là đánh dấu hàng loạt cột mốc thời tiết khắc nghiệt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống con người. Chỉ mới ở những ngày đầu năm, hạn hán và giá lạnh đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm người.

    Không nơi an toàn

  Những hàng cọ bị tuyết bao phủ ở Jerusalem trong một trận bão tuyết đầu năm nay.Trước khi đón chào năm 2013, cả thế giới đã trải qua một năm 2012 với thời tiết vô cùng tồi tệ. Người Anh phải đối mặt với những điều kiện thời tiết thất thường: khô lạnh, hạn hán và mưa lũ. Trong khi đó, Trung Quốc chịu những cơn lạnh bất thường, nhiệt độ thấp nhất trong 30 năm qua. Brazil thì nắng nóng. Ở Nga thì nhiệt độ khu vực phía Đông có nơi đạt mức -71°C, trở thành nơi sinh sống lạnh nhất thế giới. Cháy rừng gây nắng nóng lên 45°C hoành hành Australia. Mưa bão, băng tuyết, lũ lụt cũng xảy ra ở Trung Đông. Ở Pakistan thì trận lụt lớn tháng 9 năm ngoái làm hơn 450 người thiệt mạng.

Những ngày đầu năm 2013, Cơ quan Khí tượng Trung Quốc cho biết, nhiệt độ trung bình tại nước này đã xuống -3,8°C. Tại vùng Nội Mông, phía Bắc Trung Quốc, nhiệt độ có khi xuống tới -45,6°C, tầm nhìn giảm xuống mức 20m. Ở thành phố Mạc Hà ở phía Đông Bắc tỉnh Hắc Long Giang cũng tương tự. Những cơn bão mùa đông khắc nghiệt nhất trong vòng 1 thập niên qua đã tấn công Trung Đông, mang mưa tuyết dày đặc tới một khu vực vốn quen với kiểu thời tiết ôn hòa.

Tại Libya, tuyết dày được ghi nhận ở mức kỷ lục tại vùng núi nước này làm ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống người dân. Thời tiết bất thường cũng đe dọa người tị nạn Syria ở Jordan và khoảng 160.000 người ở Lebanon.

Hy Lạp đang chìm trong thời tiết xấu. Lần đầu tiên trong mùa đông năm nay, chính quyền thủ đô Athens đã buộc phải mở 3 trung tâm cung cấp miễn phí thức ăn cho người vô gia cư, thiết lập đường dây nóng để người dân có thể thông báo đề nghị trợ giúp và mở các điểm sưởi ấm miễn phí dành cho người cao tuổi từ 8 - 20 giờ.

Trong khi đó, theo thống kê mới nhất, những trận mưa lớn trong những ngày qua ở Sri Lanka đã gây lũ lụt và lở đất nghiêm trọng tại nhiều khu vực phía Đông Bắc nước này, khiến 46 người chết và khiến hàng ngàn người rơi vào cảnh mất nhà cửa.

Cháy rừng gây nắng nóng ở Australia có vẻ nghiêm trọng hơn năm ngoái. 8 ngày đầu của năm 2013 đã “kịp” có mặt trong danh sách 20 ngày được ghi nhận nóng nhất ở đất nước này từ trước đến nay.

    Dự báo tiêu cực

Các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) từng dự báo trong thế kỷ tới nhiệt độ trung bình sẽ tăng thêm 4°C. Tương tự, các cơ quan khí tượng thủy văn của nhiều nước đồng loạt đưa kết luận 2013 là năm có nhiệt độ vượt mức trung bình khoảng 0,57°C. Nếu điều này tiếp tục diễn ra trong thời gian tới thì khí hậu thế giới sẽ bắt đầu thay đổi một cách tiêu cực. Hậu quả là các hệ sinh thái bị phá hủy, nước biển dâng và trữ lượng lương thực sẽ giảm đáng kể.

Nhưng cũng có một số nhà nghiên cứu lại đe dọa thế giới bằng dự báo khác hẳn. Theo ý kiến của họ, kể từ năm 2014, nhiệt độ trung bình sẽ hạ xuống và sau đó sẽ bắt đầu một kỷ băng hà mới. Cụ thể, nhà khoa học Nga Vladimir Bashkin không đồng ý với quan điểm khí hậu biến đổi hoàn toàn do tác động từ con người mà ông cho rằng, khí hậu biến đổi theo chu kỳ và không liên quan đến hoạt động của con người.

Cùng với đồng nghiệp Rauf Galiulin ở Viện Các vấn đề sinh học cơ bản, thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga, ông lập luận rằng, kỷ tiểu băng hà xuất hiện theo chu kỳ khoảng 500 năm một lần. Theo ông, sự nóng lên toàn cầu không hẳn là một vấn đề khoa học mà là một mưu đồ tiếp thị. Ông giải thích, nếu khí hậu tăng thì nhu cầu nhiên liệu truyền thống ở các nước phương Tây như than, dầu và khí đốt sẽ giảm và giá các mặt hàng năng lượng này phải hạ xuống nhưng thực tế chứng minh điều ngược lại. Đây không phải là khoa học mà đơn thuần là chính trị.

Tờ New Scientist nói băng tan chính là yếu tố khơi mào cho thời tiết khắc nghiệt trong năm nay. Theo số liệu do Trung tâm dữ liệu băng tuyết quốc gia Mỹ công bố tháng 9 năm ngoái, diện tích băng ở biển thời điểm đó chỉ còn 3,41 triệu km², tụt giảm khá nhanh so với mức 4,17 triệu km² của năm 2007. Nguyên nhân là do băng tan nhanh ở Bắc cực vào mùa hè. Và với tốc độ này, đến năm 2016, nhiều khả năng băng sẽ biến mất vào mùa hè.

Một báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) lẽ ra được công bố năm sau nhưng đã bị rò rỉ trên mạng cho thấy, sự thay đổi tự nhiên của Mặt trời khiến tăng nhiệt độ Trái đất, chứ không chỉ do hoạt động của con người.

Text Box: Theo NASA, người dân thế giới sẽ được thưởng thức 2 lần nhật thực và 3 lần nguyệt thực trong năm 2013. Các nhà thiên văn học dự báo siêu sao chổi mang tên ISON sẽ tiến sát gần Trái đất nhưng không gây ra bất cứ vụ va chạm ảnh hưởng tới sự an nguy của loài người. Vào cuối mùa hè, chúng ta có thể quan sát ISON qua kính viễn vọng hoặc ống nhòm. Khoảng tháng 11 và 12, chúng ta có thể nhìn thấy ISON bằng mắt thường. Cũng theo NASA, một tiểu hành tinh (có tên 2012 DA14) cùng loại với vật thể đã gây ra vụ nổ nổi tiếng Tunguska ở Nga năm 1908 sẽ bay qua Trái đất cũng trong năm nay.Theo tờ Nature Geoscience, băng tại Tây Nam cực sẽ tan chảy nhanh chóng khiến mực nước biển tăng lên theo cấp số nhân. Trong 54 năm qua, nhiệt độ ở khu vực này đã tăng lên 2,44°C, cao gấp 3 lần tốc độ tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu. Hiện tượng nóng lên ở vùng băng giá này sẽ làm băng tan nhanh khiến mực nước biển tăng thêm 3,3m và được cảnh báo sẽ gây ra thảm họa trong vài trăm năm tới.

Theo SGGP