Thế giới ghi nhận hơn 372.000 ca mắc và 5.800 ca tử vong trong 24h qua

Thứ hai, ngày 13/09/2021

(BDO)

Một điểm xét nghiệm COVID-19 lưu động tại New York, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h00 ngày 13/9 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 225.447.877 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 4.643.623 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi là 202.009.768 người.

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 372.044 ca mắc và 5.869 ca tử vong do COVID-19.

Mỹ là nước ghi nhận số ca mắc mới cao nhất thế giới, với 35.450 ca, trong khi Nga ghi nhận số ca tử vong cao nhất, với 788 ca.

Tại Nam Phi, trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ 3 với sự hoành hành của biến thể Delta đang có dấu hiệu "hạ nhiệt" trong hai tuần qua, chính phủ nước này đã hạ mức cảnh báo toàn quốc xuống cấp độ 2, đồng nghĩa với việc nới lỏng thêm một số quy định giãn cách phòng chống COVID-19, gồm rút ngắn thời gian giới nghiêm và kéo dài thời gian bán đồ uống có cồn.

Dựa trên quy định ở cấp độ 2, giờ giới nghiêm sẽ lùi lại 1 giờ so với cấp độ 3, bắt đầu từ 23h00 nhưng vẫn kéo dài đến 4h00 sáng.

Các cơ sở không thiết yếu như quán bar, phòng tập thể dục sẽ phải đóng cửa lúc 22h00.

Các cửa hàng sẽ có thể bán đồ uống có cồn từ 10h00 đến 18h00 các ngày từ thứ Hai đến thứ Sáu. Phục vụ đồ uống có cồn tại chỗ sẽ phải tuân thủ theo điều kiện cho phép và chỉ được bán đến 22h00.

Tất cả các cuộc tụ họp giờ đây sẽ được giới hạn ở mức 250 người trong nhà và 500 người ở ngoài trời. Trong trường hợp địa điểm quá nhỏ, phải đảm bảo không được sử dụng quá 50% diện tích sàn. 

Những hạn chế mới này sẽ được xem xét lại trong hai tuần tới. Chính phủ Nam Phi cảnh báo các quy định hiện hành vẫn được áp dụng - bao gồm việc bắt buộc đeo khẩu trang, đảm bảo giãn cách xã hội và cấm tụ tập sau đám tang.

Nam Phi là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng dịch bệnh nặng nề nhất ở châu Phi. Đến nay, nước này ghi nhận 2,85 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có 84.877 ca tử vong.

Còn tại Algeria, Tổng thống Abdelmadjid Tebboune đã yêu cầu tiêu tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho tất cả các nhân viên trong ngành giáo dục trên toàn quốc trước khi năm học bắt đầu, dự kiến vào ngày 21/9 tới. 

Quyết định trên được Tổng thống Tebboune đưa ra trong cuộc họp Hội đồng Bộ trưởng thường kỳ diễn ra cùng ngày.

Trước đó, kể từ ngày 4/9, Algeria đã đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng nhằm đạt được mục tiêu tiêm chủng cho ít nhất 70% người dân Algeria vào cuối năm nay.

Tính đến thời điểm hiện tại, 8 triệu người trưởng thành đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19 trên cả nước, trong đó 3 triệu người được tiêm hai liều.

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Y tế Algeria, đến nay nước này ghi nhận tổng cộng 200.068 ca mắc COVID-19 và 5.578 ca tử vong.

Trong khi đó, Iraq đã tiếp nhận hơn 100.000 liều vaccine của hãng AstraZeneca do Italy hỗ trợ thông qua cơ chế COVAX. Đây là lô vaccine thứ ba mà nước này tiếp nhận trong khuôn khổ cơ chế COVAX.

Hơn 4 triệu người ở Iraq, khoảng 10% dân số nước này, đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa COVID-19.

Iraq đã bắt đầu chương trình tiêm chủng vào tháng 3, sử dụng các vaccine của hãng Pfizer/BioNTech, AstraZeneca và Sinopharm.

Cho đến nay, Iraq ghi nhận hơn 1,9 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có gần 21.500 ca tử vong.

Ở châu Á, Myanmar cũng đã tiếp nhận thêm 4 triệu liều vaccine phòng COVID-19 của công ty dược phẩm Trung Quốc Sinopharm.

Cho đến nay, Trung Quốc đã cung cấp 12,6 triệu liều vaccine phòng COVID-19 cho quốc gia Đông Nam Á này.

Theo Bộ Y tế Myanmar, tính tới ngày 11/9, hơn 3,23 triệu người dân nước này đã được tiêm chủng đủ liều vaccine, trong khi 1,7 triệu người đã được tiêm mũi đầu tiên vaccine phòng COVID-19.

Tính tới ngày 12/9, tổng cộng số ca mắc COVID-19 tại Myanmar đã lên tới 431.833 người, trong đó có 16.530 ca tử vong.

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Dubbo, Australia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 13/9, Australia sẽ mở rộng chương trình tiêm chủng để tiêm cho 1 triệu thanh thiếu niên từ 12-15 tuổi sau khi nước này có được nguồn cung vaccine bổ sung.

Trước đó một ngày, Australia đã tiếp nhận thêm 1 triệu liều vaccine của hãng Moderna từ Liên minh châu Âu (EU) trong khi các thỏa thuận trao đổi vaccine giữa nước này với Anh và Singapore đã được thực hiện trong hai tuần qua.

Người đứng đầu lực lượng đặc nhiệm tiêm chủng ở nước này, Trung tướng John Frewen cho biết đến giữa tháng 10 tới, Australia có đủ vaccine cho mọi đối tượng đủ điều kiện tiêm chủng. 

Với tỷ lệ người dân tiêm ít nhất 1 liều vaccine tại bang New South Wales lên tới gần 80%, một số biện pháp hạn chế nghiêm ngặt đang được nới lỏng đối với cư dân thành phố Sydney đã tiêm chủng đầy đủ.

Cụ thể, từ ngày 13/9, số người được phép gặp gỡ ngoài trời sẽ tăng lên 5 người, trong khi các thành viên trong cùng một gia đình đang sinh sống ở 12 vùng ngoại ô của Sydney chịu tác động mạnh nhất của dịch COVID-19 cũng có thể tụ tập ở bên ngoài trong hai giờ đồng hồ./.

Theo TTXVN

Từ khóa: