Thế giới ghi nhận gần 36 triệu ca Covid-19, châu Âu và châu Á đau đầu đối phó
(BDO) Theo số liệu cập nhật trên trang Worldometers tính đến 6h sáng ngày 7/10, tổng số ca mắc Covid-19 trên toàn thế giới là gần 35.999.969 triệu trường hợp, trong đó có 1.053.337 trường hợp tử vong. Số ca mắc bệnh đã phục hồi là 27.109.777. Dịch bệnh đã ảnh hưởng tới 213 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Ảnh minh họa: Reuters.
Danh sách 5 quốc gia đứng đầu bảng thống kê dịch bệnh Covid-19 gồm Mỹ , Ấn Độ, Brazil, Nga và Colombia.
Ổ dịch lớn nhất thế giới, Mỹ, ghi nhận thêm 36.370 ca mắc vào hôm qua (6/10) nâng tổng số ca mắc Covid-19 tại nước này lên 7.715.456. Số ca tử vong ở Mỹ do virus SARS-CoV-2 đã lên tới 215.701.
6 bang tại Mỹ gồm Montana, Nebraska, North Dakota, South Dakota, and Wyoming và Wisconsin ghi nhận số bệnh nhân nhập viện do Covid-19 tăng cao kỷ lục. Tại Wisconsin, nhà chức trách hôm qua (6/10) đã phải ban hành sắc lệnh mới giới hạn quy mô của việc tụ tập ở trong nhà.
Tại New York, thống đốc Andrew Cuomo đã công bố các hạn chế mới khi bang này ghi nhận nhiều điểm nóng mới bên trong và xung quanh thành phố New York City – nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở Mỹ.
Dịch bệnh hiện đang hoành hành dữ dội nhất ở Mỹ Latinh. Nhiều nhà lãnh đạo tại Mỹ Latinh đang nỗ lực giảm thiểu tác động của đại dịch đối với kinh tế. Nhiều quốc gia đã phải chứng kiến sự suy thoái tài chính lớn chưa từng có.
Brazil là nước bị ảnh hưởng nặng nhất bởi Covid-19 ở Mỹ Latinh và là ổ dịch lớn thứ 3 trên thế giới. Quốc gia Nam Mỹ này ghi nhận thêm 28.642 ca mắc và 721 ca tử vong, nâng tổng số lên 4.969.141 ca bệnh và 147.494 ca tử vong. Tiếp đến là Colombia đứng thứ 5 với 869.808 ca mắc và 27.017 ca tử vong. Peru ghi nhận 829.999 ca mắc và 32.834 ca tử vong. Mexico ghi nhận 789.780 ca mắc và 81.877 ca tử vong.
Nga ghi nhận thêm 11.615 ca mắc và 188 ca tử vong do Covid-19. Tổng số ca mắc bệnh tại Nga hiện tại hơn 1,2 triệu trường hợp, trong đó hơn 27.000 trường hợp tử vong. Cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và sức khỏe con người của Nga nhận định, nước này chưa cần có các biện pháp hạn chế mới vì tình hình dịch bệnh "vẫn ổn định".
Nam Phi ghi nhận thêm 1.027 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc lên đến 683.242 trong đó có 17.103 ca tử vong.
Còn tại châu Âu, trong bối cảnh số ca mắc gia tăng, Giám đốc WHO phụ trách châu Âu cho biết, cuộc khủng hoảng sẽ ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn và dự đoán sẽ có nhiều ca tử vong hơn trong thời gian tới.
Tây Ban Nha tiếp tục bùng phát làn sóng Covid-19 mới. Nước này ghi nhận tổng số 865.631 ca mắc, trong đó có 32.486 ca tử vong. Tây Ban Nha hiện có tỷ lệ lây nhiễm cao nhất so với bất kỳ quốc gia nào ở châu Âu, hiện đang đứng thứ 6 thế giới về số ca mắc.
Pháp ghi nhận thêm 10.489 ca mắc mới và 66 ca tử vong, nâng số ca mắc lên thành 634.763, trong đó có 32.365 ca tử vong.
Anh ghi nhận 14.542 ca mắc mới và 76 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc lên thành 530.113 và tổng số ca tử vong là 42.445. Theo Chính phủ Anh, các biện pháp hạn chế có thể kéo dài 6 tháng. Anh hiện đang tiến hành xử lý hơn 200.000 xét nghiệm Covid-19 trong một ngày, gấp đôi so với thời điểm dịch bệnh bắt đầu bùng phát.
Tổng số ca mắc Covid-19 tại Iran, ổ dịch lớn nhất Trung Đông, hiện tại là 479.825 sau khi ghi nhận thêm 4.151 trường hợp trong 24h qua. Tống số ca tử vong do dịch bệnh này tại Iran là 27.419 trường hợp.
Israel ghi nhận 277.026 ca mắc, trong đó có 1.797 ca tử vong. Bộ Y tế Israel ban bố tình trạng khẩn cấp đối với tất cả bệnh viện tại nước này sau khi số ca mắc Covid-19 tăng bất thường.
Châu Á cũng đang chứng kiến sự gia tăng đột biến số ca mắc Covid-19, tiềm ẩn nguy cơ tái bùng phát trên diện rộng.
Ổ dịch lớn nhất châu Á, Ấn Độ, ghi nhận thêm 72.106 ca mắc và 991 ca tử vong. Tổng số ca mắc Covid-19 của Ấn Độ là 6.754.179 trường hợp, trong đó có 104.591 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ 2 trên thế giới về số ca mắc. Ấn Độ hiện ghi nhận số ca mắc tính theo ngày cao nhất trên thế giới do quốc gia này có mật độ dân số cao, nhưng cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe còn hạn chế.
Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi, đang thúc đẩy việc mở cửa hoàn toàn đất nước sau khi nền kinh tế nước này đối mặt với nguy cơ suy thoái nghiêm trọng do biện pháp phong tỏa chặt chẽ đế ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh vào cuối tháng 3. Các chuyên gia y tế cho biết khi Ấn Độ bước vào mùa đông và kỳ nghỉ lễ, trong đó có lễ hội Diwali của người Hindu vào tháng 11 tới, quốc gia đông dân thứ hai thế giới có thể chứng kiến sự gia tăng hơn nữa về số ca mắc Covid-19. Các dữ liệu cho thấy chỉ có hơn 7% dân số trong tổng số 1,3 tỷ người tại Ấn Độ bị phơi nhiễm với virus SARS-CoV-2 và điều này chứng tỏ Ấn Độ vẫn chưa đạt được miễn dịch cộng đồng.
Khu vực Đông Nam Á, Philippines hiện là một trong những điểm nóng dịch bệnh với tổng số ca mắc lên tới 326.833 ca sau khi ghi nhận 5.865 ca mắc mới, buộc chính quyền tái áp đặt một phần lệnh phong tỏa tại nhiều khu vực.
Trong khi đó, Indonesia đứng thứ 2 với 311.176 ca mắc và 11.374 ca tử vong.
Malaysia cũng chứng kiến sự gia tăng đều đặn số ca mắc trong tuần qua và trong ngày 6/10 đã ghi nhận thêm 691 ca mắc mới - mức cao nhất trong một ngày kể từ khi dịch bệnh diễn ra. Bộ trưởng Quốc phòng Ismail Sabri Yaakob cho biết, chính phủ sẽ không tái áp đặt biện pháp phong tỏa vì phần lớn các trường hợp được thông báo mắc Covid-19 nằm ở các khu vực cách ly. Myanmar ghi nhận thêm 1.252 ca mắc và 27 ca tử vong, nâng số ca mắc lên thành 20.033, trong đó có 471 ca tử vong.
Trong một tín hiệu lạc quan, Tổng thư ký Tổ chức Y tế thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, vaccine Covid-19 có thể sẵn có vào cuối năm nay. Ông kêu gọi các nhà lãnh đạo thể hiện sự đoàn kết và đưa ra những cam kết chính trị để đảm bảo phân phối vaccine một cách bình đẳng./.
Theo VOV