Thế giới chuẩn bị Hội nghị quốc tế Geneva 2 về Syria
Ngày 21-5, nhiều hoạt động ngoại giao quốc tế đáng chú ý đã đồng loạt diễn ra tại khu vực Trung Đông, nhằm chuẩn bị cho Hội nghị quốc tế Geneva lần thứ 2 về Syria, dự kiến diễn ra trong tháng 6 tới theo đề xuất của Nga và được Mỹ ủng hộ.
Nổi bật trong số các động thái ngoại giao này là cuộc họp bất thường cấp đại diện thường trực của Hội đồng Liên đoàn các quốc gia Arab tại thủ đô của Ai Cập.
Cuộc họp do Tổng thư kí Liên đoàn Arab chủ trì và có sự tham dự của đặc phái viên chung của LHQ và Liên đoàn Arab về vấn đề Syria, ông Lakhdar Brahimi.
Theo con số thống kê của Liên Hợp Quốc, khoảng 70.000 người chết ở Syria kể từ khi xảy ra cuộc nội chiến . (Trong ảnh: hiện trường của một vụ đánh bom xảy ở al-Mezze ngày 29-4-2013).Phát biểu tại cuộc họp, Tổng thư kí Liên đoàn Arab, ông Nabil Elaraby kêu gọi tất cả các bên tại Syria tạo điều kiện thuận lợi nhằm xây dựng một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng, đồng thời cảnh báo về những hệ lụy khôn lường của sự can thiệp từ bên ngoài vào cuộc khủng hoảng.
Để đảm bảo thành công cho Hội nghị Geneva sắp tới, Tổng thư kí Liên đoàn Arab Nabil Elaraby đề xuất không tiến hành các cuộc tiếp xúc trực tiếp giữa đại diện Chính phủ Syria và phe đối lập trong giai đoạn đầu của tiến trình. Ông Nabil Elaraby nhấn mạnh: "Để tránh những bất ngờ ngoài y muốn, không nên tiến hành các cuộc tiếp xúc trực tiếp mặt đối mặt giữa hai bên. Tốt nhất là chỉ thực hiện các cuộc tiếp xúc gián tiếp trong giai đoạn đầu".
Về phần mình, phát biểu với báo giới sau cuộc họp Hội đồng Liên đoàn Arab, Đặc phái viên Lakhdar Brahimi cho rằng, Hội nghị Geneva 2 về Syria tới đây là một thời cơ rất tốt để chấm dứt đổ máu và tạo lập hòa bình tại Syria. Đặc phái viên Lakhdar Brahimi khẳng định: "Đây là một cơ hội rất lớn để chấm dứt đổ máu. Chúng tôi thực sự hy vọng các bên người Syria, các bên khu vực và quốc tế sẽ nỗ lực để Hội nghị được thành công".
Các nguồn tin từ Liên đoàn Arab cho biết, tổ chức này đang tiến hành các bước chuẩn bị cho một cuộc họp bất thường cấp Ngoại trưởng Arab về vấn đề Syria. Cuộc họp dự kiến sẽ diễn ra sau cuộc họp của Ủy ban chuyên trách cấp bộ của Liên đoàn Arab về vấn đề Syria vào ngày 23/5.
Trong một diễn biến khác, cùng ngày tại Cairo, Ngoại trưởng Ai Cập đã có cuộc gặp với Đại sứ Mỹ tại Ai Cập để thảo luận về về những diễn biến mới nhất liên quan đến cuộc khủng hoảng Syria cũng như các bước chuẩn bị cho Hội nghị Geneva 2 về Syria tới đây do LHQ bảo trợ.
Còn tại Iran, quốc gia láng giềng và là đồng minh thân cận số 1 của Syria tại khu vực, Bộ Ngoại giao Iran hôm 21/5 cho biết, nước này sẵn sàng tham gia Hội nghị quốc tế Geneva sắp tới về Syria. Trong một tuyên bố chính thức, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Iraghashi khẳng định, điều kiện thành công của Hội nghị là việc mở rộng sự tham gia của các quốc gia có ảnh hưởng đối với cuộc khủng hoảng Syria. Và hiển nhiên, Iran là một trong số các nước đó.
Tại một quốc gia láng giềng khác của Syria là Jordan, các bước chuẩn bị cuối cùng cho Hội nghị quốc tế mang tên "Những người bạn Syria" dự kiến diễn ra hôm 22-5 đã hoàn tất. Các nguồn tin khu vực khẳng định, chủ đề Hội nghị Geneva 2 về Syria sẽ là một trong những nội dung nghị sự chính của Hội nghị có sự tham của Mỹ và nhiều nước ủng hộ phe đối lập tại Syria.
Trong khi đó tại Syria, một số nguồn tin cho biết, Chính phủ Syria đã lên một danh sách gồm 5 thành viên Chính phủ tham gia Hội nghị Geneva 2 sắp tới. Theo danh sách dự kiến, Thủ tướng Syria Wael al-Halaqi cùng một Phó Thủ tướng và 3 Bộ trưởng sẽ tham Hội nghị. Tuy nhiên, các nguồn tin đồng thời cho biết, bản danh sách được lập từ hồi tháng 3 này có thể thay đổi và mở rộng.
Về phía phe đối lập Syria, các nguồn tin khu vực và thân phe đối lập cho biết, các phe phái trong lực lượng đối lập đang mâu thuẫn nhau gay gắt về vấn đề tham gia Hội nghị Geneva 2 về Syria sắp tới.
Để thống nhất quan điểm về vấn đề này, dự kiến các lực lượng đối lập Syria sẽ tiến hành một cuộc họp đặc biệt vào ngày 23-5 tại Istanbul, Thổ Nhỹ Kỳ. Theo đánh giá của nhiều nhà phân tích, chính sự chia rẽ trong nội bộ phe đối lập và quan điểm không chịu đối thoại với Chính phủ Syria của một số lãnh đạo phe đối lập, đang là thách thức lớn đe dọa thành công của Hội nghị Geneva nói riêng và các nỗ lực tạo lập hòa bình của cộng đồng quốc tế nói chung. Trong đó, nhiều nhà phân tích Arab cho rằng, điều kiện chế độ cầm quyền Syria phải từ chức mà cựu Chủ tịch Liên minh đối lập Syria Moatad Al Khatip đưa ra là "phi lí". Bởi lẽ, nếu điều kiện này được đáp ứng, khi đó ai sẽ đối thoại với ai và chẳng còn gì để mà đối thoại.
Theo VOV