Thể Công trở lại V-League

Thứ sáu, ngày 12/10/2018

(BDO) Chiếc vé duy nhất được phép thăng hạng V-League mùa bóng 2019 đã thuộc về nhà vô địch giải hạng Nhất Quốc gia năm 2018, đó là CLB Viettel. Như vậy, kể từ mùa bóng năm sau, người hâm mộ bóng đá Việt Nam và những ai yêu mến đội bóng Thể Công hay CLB Quân đội hào hùng trước đây sẽ được xem phiên hiệu lừng lẫy này thi đấu ở hạng cao nhất của bóng đá nước nhà…

Sau 8 năm thăng trầm ở giải bóng đá hạng Nhất Quốc gia, tính từ khi bị giải thể, Thể Công (tiền thân của CLB Viettel) mới giành quyền thăng hạng, có cơ hội làm tròn lời hứa của mình là lấy lại cái tên đi vào tâm thức của hàng triệu cổ động viên yêu thích đội bóng lính. Cũng cần nhắc lại, Thể Công là đội bóng giàu thành tích nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam. Thể Công đã có đến 13 lần giành danh hiệu vô địch bóng đá hạng A của miền Bắc và 5 lần giành danh hiệu vô địch quốc gia Việt Nam (tiền thân của Giải bóng đá vô địch quốc gia chuyên nghiệp V-League hiện nay). Hiện tại, 2 CLB vô địch V-League nhiều nhất là Becamex Bình Dương và Hà Nội FC đều chỉ mới có 4 lần đăng quang VĐQG. Như vậy, họ vẫn chưa thể chạm được kỷ lục mà Thể Công đang nắm giữ.

Một đặc thù không thể lẫn lộn, trong suốt thời kỳ vàng son của mình, Thể Công là đội bóng sử dụng những cầu thủ trưởng thành từ môi trường quân đội ở các địa phương và đặc biệt là do chính Thể Công đào tạo, nên chất lính của đội bóng này luôn được bảo đảm và duy trì xuyên suốt. Cũng chính vì những điều này mà rất nhiều người gọi Thể Công mới thật sự là “đội bóng quốc dân”, sử dụng con em của nhân dân cả nước. Những cầu thủ trưởng thành và rạng danh từ màu áo Thể Công, từng tỏa sáng trong màu áo ĐTQG Việt Nam ở các giải đấu quốc tế, có thể kể đến: Vương Tiến Dũng, Vũ Mạnh Hải, Nguyễn Cao Cường (thập niên 70 - 80), Nguyễn Hồng Sơn, Triệu Quang Hà, Đặng Phương Nam (thập niên 90) hay Bùi Tiến Dũng, Nguyễn Trọng Đại (U23 Việt Nam và Olympic Việt Nam hiện nay).

Đáng tiếc là đến năm 2009, do chưa thể thích nghi với cơ chế mới, khi bóng đá Việt Nam không còn do các đơn vị của Nhà nước, quân đội trực tiếp quản lý toàn diện như trước, mà tiến lên chuyên nghiệp, cổ phần hóa thì Thể Công đã không theo kịp xu thế. Để rồi đến ngày 22-9-2009, đúng vào thời điểm kỷ niệm 50 năm thành lập Thể Công, Bộ Quốc phòng đã ký quyết định xóa tên Thể Công khỏi bản đồ bóng đá đỉnh cao Việt Nam. Đội 1 của Thể Công khi ấy chuyển giao về cho Thanh Hóa quản lý, còn đội 2 thì giao cho Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel quản lý và tham gia thi đấu tại Giải bóng đá hạng Nhất Quốc gia 2010, vừa đảm trách nhiệm vụ đào tạo, huấn luyện các lứa cầu thủ trẻ. Sau gần 1 thập niên trăn trở với những hồi ức hào hùng năm xưa về tên tuổi của đội bóng số 1 Việt Nam, đơn vị chủ quản đã cam kết sẽ lấy lại tên Thể Công khi Viettel giành quyền thăng hạng V-League. Và giờ đây, điều mơ ước và chờ đợi rất lâu đó đã trở thành hiện thực khi Viettel đã vô địch giải hạng Nhất và chính thức ghi danh trở lại trên bản đồ bóng đá đỉnh cao Việt Nam.

CHÍ THANH