Thẻ căn cước công dân có gắn chíp điện tử và những điều cần biết
(BDO) Theo Luật Căn cước công dân có hiệu lực kể từ ngày 1-1-2016 thì mọi công dân Việt Nam đủ 14 tuổi sẽ được cấp thẻ căn cước công dân (CCCD) 12 số. Đến nay, việc cấp thẻ CCCD đã được thực hiện trên 16 tỉnh, thành. Dự kiến đến giữa tháng 12-2020, việc cấp thẻ CCCD có gắn chíp điện tử sẽ được thực hiện trên cả nước. Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về loại giấy tờ tùy thân mới này, Thượng tá Nguyễn Minh Tâm, Phó Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh (PC06) đã có những trao đổi cụ thể, như sau:
Cán bộ, chiến sĩ Phòng PC06 thực hiện điện tử hóa tàng thư CCCD để phục vụ cho việc cấp CCCD cho người dân
- Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương Đề án Sản xuất, cấp, quản lý CCCD. Dự án sẽ được triển khai đồng bộ song hành cùng với Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư dự kiến sẽ vận hành vào đầu năm 2021. Trong đó, thẻ CCCD sẽ được sử dụng mẫu thẻ được gắn chíp điện tử. Đây được đánh giá là phù hợp với xu hướng công nghệ số đang phát triển trong giai đoạn hiện nay. Để hiểu rõ hơn về loại giấy tờ tùy thân mới này, xin ông cho biết thẻ CCCD gắn chíp có giá trị pháp lý như thế nào? Thẻ CCCD có gì khác so với chứng minh nhân dân (CMND)?
- Thẻ CCCD có gắn chíp là giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam, đồng thời còn là thiết bị nhận diện, xác thực danh tính và thông tin công dân trong hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, có giá trị chứng minh về CCCD của người được cấp thẻ để thực hiện các hoạt động giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam.
Về chất liệu sử dụng: CCCD được làm bằng chất liệu nhựa cứng có độ bền cao, còn CMND được làm bằng phôi giấy sau đó ép nhựa để sử dụng.
Số thẻ CCCD chính là số định danh cá nhân được cấp cho mỗi công dân Việt Nam, không lặp lại ở người khác. Thẻ CCCD không quy định mục họ, tên gọi khác; mục dân tộc được thay bằng quốc tịch, dấu hình Công an hiệu được thay bằng dấu có hình Quốc huy của cơ quan cấp thẻ CCCD.
Thời hạn sử dụng của CMND là 15 năm còn đối với thẻ CCCD sau lần cấp đầu tiên, công dân phải đổi khi đủ 25 tuổi, 40 tuổi và 60 tuổi; từ 60 tuổi công dân không phải đổi. Về giá trị sử dụng thẻ CCCD, thẻ được sử dụng thay cho việc sử dụng hộ chiếu trong trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước quốc tế hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân nước ký kết được sử dụng thẻ CCCD thay cho việc sử dụng hộ chiếu trên lãnh thổ của nhau, khi đó thẻ CCCD sẽ được sử dụng ngôn ngữ khác.
- Thưa ông, việc gắn chíp điện tử trên thẻ CCCD có những tiện ích như thế nào?
- Thẻ CCCD sử dụng chíp điện tử có nhiều ưu điểm hơn so với mã vạch. Trước hết độ bảo mật cao hơn, có thể lưu trữ được nhiều trường thông tin hơn, có thể tích hợp thêm các thông tin của các bộ, ngành khác về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bằng lái xe… và nó phù hợp với xu thế công nghệ số như hiện nay so với việc sử dụng thẻ mã vạch CCCD.
Thẻ CCCD có gắn chíp điện tử có lượng thông tin lưu trữ lớn hơn nhiều lần so với thẻ CCCD mã vạch, có thể lưu trữ nhiều loại giấy tờ có giá trị khác… Qua đó, có thể phòng tránh được việc các loại giấy tờ bị giả mạo cũng như chi phí cho việc công chứng giấy tờ truyền thống, tạo sự thuận lợi cho công dân khi thực hiện các giao dịch trực tuyến của Chính phủ điện tử. Đáng chú ý, khi thẻ CCCD gắn chíp điện tử có tích hợp đầy đủ các thông tin, lúc đó người dân đi giao dịch và làm các thủ tục sẽ không phải mang nhiều loại giấy tờ, mà chỉ cần dùng thẻ CCCD có gắn chíp thì sẽ thực hiện được các giao dịch. Việc sử dụng thẻ CCCD có gắn chíp điện tử sẽ thuận lợi hơn trong các giao dịch hành chính của công dân cũng như phục vụ công tác quản lý nhà nước; nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, hướng tới nền Chính phủ số, chuyển đổi số và xây dựng Chính phủ điện tử, đây là xu hướng tất yếu trong việc phát triển xã hội hiện nay.
Đặc biệt, mức độ bảo mật của chíp rất cao nên thông tin định danh của công dân được lưu trên CCCD gắn chíp là không thể thay đổi và không thể giả mạo và việc đối sánh sinh trắc học có thể được thực hiện ngay trên chíp, hạn chế tối đa giả mạo danh tính. Ngoài ra, việc xác thực danh tính có thể thực hiện offline mà không cần đường truyền internet. Chíp được gắn trên thẻ CCCD là để lưu trữ các thông tin của công dân trên thẻ CCCD với mục tiêu là tạo điều kiện thuận tiện cho công dân thực hiện các giao dịch hành chính, đi lại, nâng cao hiệu quả của Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Chíp gắn trên thẻ CCCD không có chức năng định vị, theo dõi để xác định vị trí của công dân. Việc tích hợp, sử dụng thông tin trên chíp tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin.
- Được biết, thời gian tới, trên cả nước sẽ đồng bộ việc cấp thẻ căn cước cho công dân, vậy lộ trình cấp thẻ CCCD cho người dân trên địa bàn tỉnh Bình Dương sẽ được thực hiện như thế nào? Người dân phải làm gì để được cấp thẻ CCCD?
- Tổ chức đợt cao điểm cấp CCCD từ ngày 1-11-2020 đến 1-7-2021, gồm các giai đoạn chuẩn bị sau:
1. Giai đoạn chuẩn bị (thực hiện từ ngày 1-11-2020 đến 31- 12-2020):
Công an tỉnh Bình Dương tổ chức điều tra cơ bản, lên danh sách số người trong diện cấp CCCD; rà soát, lập danh sách, bảo đảm đủ số lượng cán bộ đáp ứng yêu cầu thực hiện công tác cấp CCCD; tổ chức trang bị máy móc, vật tư, phương tiện, biểu mẫu để thực hiện việc cấp CCCD; tổ chức đào tạo, tập huấn về quy trình nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ trực tiếp thực hiện công tác cấp CCCD; tổ chức phân công nhiệm vụ cho các tổ cấp CCCD lưu động và cán bộ thực hiện.
2. Tổ chức thu nhận hồ sơ CCCD (thực hiện từ ngày 1-1-2021).
3. Tổ chức cấp CCCD sau ngày 1-7-2021.
Sau ngày 1-7-2021, công an các đơn vị, địa phương (PC06, Công an cấp huyện) tổ chức thực hiện việc cấp CCCD theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương, tổ chức bố trí cấp CCCD cố định tại trụ sở cơ quan Công an cấp huyện, Phòng PC06; tổ chức cấp CCCD lưu động khi cần thiết, thực hiện yêu cầu cải cách hành chính, cấp CCCD tại các trường học, bệnh viện, vùng sâu, vùng xa, các trường hợp người già yếu, bệnh tật, các đối tượng chính sách.
Người dân khi làm CCCD cần mang theo 2 loại giấy tờ cơ bản là sổ hộ khẩu và CMND 9 số, 12 số, CCCD mã vạch đang sử dụng (nếu có) đến cơ quan công an cấp huyện để được hướng dẫn làm thủ tục cấp căn cước công dân theo quy định.
Tuy nhiên, để được cấp CCCD hợp lệ thì trước tiên người dân cần phải bổ sung trường thông tin bắt buộc là ngày tháng sinh phải đầy đủ, nhất là người dân ở tuổi trung niên và lớn tuổi, trong sổ hộ khẩu và CMND hiện nay thiếu thông tin về ngày, tháng sinh. Vì vậy người dân cần đối chiếu, nếu trong sổ hộ khẩu chưa có thông tin về ngày sinh, tháng sinh thì mang giấy khai sinh đến cơ quan công an để bổ sung vào hộ khẩu trước khi đi làm CCCD.
Trường hợp người dân không có giấy tờ chứng minh ngày sinh, tháng sinh trong sổ hộ khẩu và CMND, đề nghị đến UBND xã nơi cư trú để được viên chức tư pháp hộ tịch hướng dẫn, cấp giấy khai sinh để bổ sung vào sổ hộ khẩu, phục vụ cho việc cấp CCCD được đúng thủ tục pháp lý theo quy định.
- Xin cảm ơn ông!
“Để được cấp CCCD hợp lệ thì trước tiên người dân cần phải bổ sung trường thông tin bắt buộc là ngày tháng sinh phải đầy đủ, nhất là người dân ở tuổi trung niên và lớn tuổi, trong sổ hộ khẩu và CMND hiện nay thiếu thông tin về ngày, tháng sinh. Vì vậy người dân cần đối chiếu, nếu trong sổ hộ khẩu chưa có thông tin về ngày sinh, tháng sinh thì mang giấy khai sinh đến cơ quan công an để bổ sung vào hộ khẩu trước khi đi làm CCCD”. |
HẮC NGỌC TÀI (thực hiện)