Thầy thuốc - Bệnh nhân: Không nên phá vỡ lòng tin

Thứ tư, ngày 26/02/2014

Giữa người bệnh và các y bác sĩ đang mất dần sự tin cậy. Điều này tác động xấu đến cả 2 phía.

 

Chăm sóc bệnh nhân nhiễm cúm A H1N1

Người bệnh và nhân viên y tế

Ai cũng có lúc ốm đau, phải đi khám, chữa ở bệnh viện, cơ sở y tế. Đến đó, không chóng thì chầy, thể nào cũng chứng kiến một biểu hiện tiêu cực. Dễ thấy nhất là hiện tượng giao tiếp nói năng chảnh lỏn, sẵng giọng của không ít nhân viên y tế với người bệnh và thân nhân của họ. Việc bệnh nhân dúi tiền cho những người tiêm thuốc, thay băng nếu không thì ngại rằng sẽ bị làm mạnh tay gây đau, cũng phổ biến. Ở nơi này nơi khác, bệnh nhân muốn chen ngang thì kèm một tờ tiền trong y bạ để được vào khám trước. Rồi thái độ thờ ơ chậm can thiệp khi người bệnh yêu cầu hỗ trợ. Tệ hơn nữa, có nhân viên y tế vòi vĩnh bệnh nhân và người nhà...

Từ những biểu hiện nhỏ cũng đã tạo ra sự bức xúc cho phía người bệnh, vốn đã đang ốm đau mệt mỏi. Khi một tai biến y khoa xảy ra, hậu quả nghiêm trọng, thì dư luận bùng nổ, chĩa "đao kiếm" về phía ngành y. Truyền thông nhảy vào mổ xẻ đưa tin, nhiều khi trầm trọng hoá thêm vụ việc, hoặc thiên lệch, chỉ phản ánh thông tin một chiều. Và thực trạng phổ biến là mặc dù chưa có kết luận chuyên môn về nguyên nhân, nhưng dư luận luôn có chiều hướng quy "tội" cho nhân viên y tế, lập tức hiểu ngay rằng, để xảy ra sự cố là do thiếu y đức!

Bác sĩ Hồ Mạnh Tường (Khoa Y, Đại học quốc gia TP Hồ Chí Minh) từng có bài viết về điều này, trong đó có kêu gọi mọi người tỉnh táo suy xét, vì: “Một số nhân viên y tế có thái độ cư xử với bệnh nhân không tốt, thiếu đạo đức nghề nghiệp. Nhưng đừng vì thế mà biến bệnh viện, nơi nhân viên y tế và bác sĩ cần tập trung để cứu chữa và chăm sóc bệnh nhân, thành “chiến trường”.  Xã hội không có lợi từ những cuộc chiến này".

Xét một cách công bằng: tiêu cực trong ngành y, những sự cố y khoa… thì ở nước nào cũng có, ngay cả ở những nơi tiên tiến, những nền y tế hiện đại. Đạo đức xã hội xuống cấp, tiêu cực nhiều hơn trong ngành y là thể hiện tình hình chung của xã hội, chứ không riêng gì ngành y.

Cái nhìn của dư luận xã hội với ngành y ngày càng khắt khe, ít thiện cảm. Điều đó ảnh hưởng đến hầu hết các bác sĩ và nhân viên y tế. Họ cảm thấy dường như tất cả mọi người đang xúm vào lên án và vùi dập mình. Nhiều bác sĩ tâm sự rằng xem chương trình "Táo quân" trên VTV năm nay họ cảm thấy bị tổn thương nặng nề trước cảnh Táo Y tế là nhân vật... chỉ cần đưa phòng bì là “cởi”!

Trước những búa rìu dư luận, đường dây nóng được tạo lập ở hầu khắp các bệnh viện. Hiệu quả chưa thấy đâu nhưng đường dây nóng gây nhiều bức xúc với các y bác sĩ. Họ phàn nàn, rằng trong phần lớn trường hợp, bệnh nhân chưa tìm hiểu kỹ mà đã khiếu nại, nạt nộ, bắt bẻ... phía bệnh viện một cách vô lý.

Giữa người bệnh và thầy thuốc đang mất dần sự tin cậy. Mà mối quan hệ thầy thuốc - bệnh nhân rất cần sự tin tưởng lẫn nhau. Các bác sĩ thường nói, chữa cho người không biết gì là dễ nhất, họ sẽ làm theo đúng lời khuyên của bác sĩ. Còn người “hơi biết một chút” trở lên, sẽ vào mạng tra cứu, bị loạn thông tin, lo lắng và có khi không làm theo chỉ dẫn của bác sĩ mà làm theo kimh nghiệm của người khác trên mạng, khiến bệnh lâu khỏi. Còn bây giờ, khi bác sĩ kê đơn, bệnh nhân sẽ nghi ngờ: bác sĩ được hưởng hoa hồng bao nhiêu % trong đơn thuốc này?... Người nằm viện luôn lo sợ "bồi dưỡng" không tốt thì y tá, bác sĩ không quan tâm chăm sóc. Bao nhiêu nỗi lo, bao nhiêu sự nghi ngờ chi phối quan hệ giữa bệnh nhân - thầy thuốc!

Người bệnh không dám đặt lòng tin vào bác sĩ. Báo chí dường như chỉ chờ ở đâu có sai sót là đến xới tung lên, với lối giật tít khá đáng sợ. Giờ đây rất nhiều các bác sĩ luôn làm việc trong tâm trạng căng thẳng, lo sợ sai sót nếu xảy ra sẽ khiến mình sa lầy trong những rắc rối mệt mỏi. Thế là, họ tìm cách che giấu sai sót. Thêm nữa, nếu bây giờ có những xét nghiệm kỹ thuật cao mà cần thiết cho bệnh nhân, nhiều khi họ cũng không dám chỉ định, sợ bị quy kết là cố tình nâng cao chi phí để làm khó người bệnh. Bác sĩ chọn giải pháp an toàn cho mình. Rõ ràng như thế thì người bệnh bị thiệt, không còn được cứu chữa hết khả năng của tiến bộ y khoa.

Chúng ta luôn luôn đòi hỏi y bác sĩ phải vì người bệnh, nhưng…

Khác với các ngành nghề khác, đối tượng cung cấp dịch vụ của ngành y là sức khỏe, là tính mạng của con người. Nghề y có những chuẩn mực nhất định mà các ngành nghề khác không có, ví dụ như khi cấp cứu thì không được phép trì hoãn dù người bệnh có khả năng thanh toán phí dịch vụ hay không.

Nhưng thực tế thì bao giờ cũng phức tạp hơn lý thuyết. Tôi từng chứng kiến một vụ việc tại khoa Chấn thương của Bệnh viện Mắt. Một bệnh nhân bị rách giác mạc sau một vụ ẩu đả, có chỉ định mổ. Bệnh nhân ở ngay Hà Nội, nhưng gia đình mãi vẫn chưa mang tiền viện phí vào nộp. Bác sĩ trực bối rối liên tục gọi điện hỏi ý kiến lãnh đạo. Sốt ruột, chính tôi chen vào giục: “Sao không mổ cho người ta đi?”. Bác sĩ phân trần: “Khổ quá, em có lần mổ như thế rồi, xong bệnh nhân chưa lành đã trốn viện, không trả tiền viện phí, thế là em lại phải lấy tiền túi ra nộp, những 10 triệu đồng. Mà chuyện như thế này hay xảy ra lắm, em lấy đâu ra tiền để nộp thay cho bệnh nhân?”

Giả sử nếu một người bình thường trong chúng ta ở địa vị của chị bác sĩ ấy, chúng ta sẽ làm gì? Bỏ mặc người bệnh thì không đành. Phẫu thuật cho người ta rồi bị rắc rối vì không ai trả viện phí? Được biết, chị bác sĩ này từng giúp nhiều bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn xin tài trợ từ các quỹ hỗ trợ bệnh nhân nghèo để có thể được phẫu thuật. Chị ấy là một bác sĩ tốt, có tâm.

Nhưng thế nào là bác sĩ tốt? Một bác sĩ phẫu thuật đã cứu sống người bệnh, người nhà bệnh nhân đưa phong bì cảm ơn, người bác sĩ nhận. Vậy là đúng hay sai, tốt hay không tốt?

Cách đây hàng chục năm, hành vi nhận phong bì “cám ơn” của bệnh nhân chắc chắn là không thể chấp nhận được. Nhưng đến nay, các chuẩn mực đã thay đổi. Thời bao cấp, đa số người dân đều nghèo. Còn bây giờ, nếu mọi người xung quanh năng động giỏi giang và sống giàu có thì không lẽ những bác sĩ phải sống khổ hạnh, nhìn vợ con mình nheo nhóc? Họ phải làm gì?

Điều bất hợp lý hiện nay là các y bác sĩ được trả thù lao bằng một phần nhỏ so với công sức của họ bỏ ra để thực hiện các dịch vụ điều trị, phẫu thuật, chăm sóc bệnh nhân. Với các dịch vụ y tế mà các bệnh viện được phép thu thêm, Nhà nước định ra một mức giá rất thấp. Điều này thể hiện tính nhân đạo của chế độ nhưng lại thiếu hợp lý khi tạo ra hệ quả là nhân viên y tế trong hệ thống y tế công sẽ phải sống trong cảnh đói nghèo nếu chỉ trông vào tiền lương. Từ đó, nảy sinh tiêu cực. Tiêu cực lan rộng, trở thành tệ nạn, làm xấu đi hình ảnh của ngành y.

Chúng ta luôn luôn đòi hỏi nhân viên y tế phải vì người bệnh, phải giữ tròn y đức, nhưng "có thực mới vực được đạo", thu nhập cán bộ y tế thấp, cường độ làm việc lại cao, đa số còn làm thêm giờ, thêm việc hay làm ngoài, hệ quả tất yếu là chất lượng dịch vụ y tế thấp và tỷ lệ sai sót, biến chứng cao.

Không chỉ có thế, chi phí đầu tư cho y tế ở Việt Nam cũng thấp, dẫn đến thiếu giường bệnh, thiếu thiết bị, thuốc men, và thiếu cả đào tạo nhân lực. Người dân thiếu kiến thức về bảo vệ sức khỏe. Người bệnh lúc ốm nhẹ chưa đến viện, chỉ khi nào ốm nặng mới đi chữa, thì chi phí chữa bệnh lúc ấy đã tốn kém gấp bội cho cả bản thân người bệnh và cho cả ngành y.

Thế mới nói, chỉ nỗ lực của riêng ngành y thôi thì chưa thể giải quyết được vấn đề nâng cao y đức.

Trong bối cảnh hiện nay, một nhân viên y tế, nếu giao tiếp với bệnh nhân đúng mực (lịch sự, ân cần, thân thiện, không tỏ thái độ kẻ cả, ban ơn, gay gắt…), làm tròn trách nhiệm trong việc cứu chữa bệnh nhân (chẩn đoán, điều trị đúng thuốc tốt nhất cho người bệnh, không kê những đơn thuốc mà bệnh nhân không thực sự cần đến…), và chịu khó trau dồi trình độ để làm tốt chuyên môn, như vậy có thể coi là có y đức.

Cần nhấn mạnh, "y thuật" là một phần quan trọng không thể tách rời của y đức. Một bác trình độ chuyên môn hạn chế thì dù thái độ có tốt bao nhiêu, có luôn tỏ ra thông cảm chia sẻ với bệnh nhân bao nhiêu nhưng chẩn đoán, điều trị, phẫu thuật… kết quả kém thì có thể vẫn được bệnh nhân thông cảm, không bị kiện tụng và luôn được khen là tốt, nhưng thực ra bệnh nhân không thể biết có khi họ gây hại nhiều hơn lợi cho mình!

Để làm được như vậy, các y bác sĩ cũng phải là những con người có lương tâm, có lòng yêu nghề. Thực tế trong ngành y hiện nay vẫn có không ít những con người như vậy. Chỉ khi các chính sách vĩ mô can thiệp đảm bảo được thu nhập xứng đáng cho cán bộ nhân viên ngành y, chúng ta mới có thể đòi hỏi ở họ cao hơn!

Hãy công bằng

Người bệnh, giới truyền thông và tất cả mọi người nên có cái nhìn khách quan, công bằng khi nói về ngành y. Không tô hồng, nhưng cũng không nên cực đoan thái quá.

Rõ ràng là mỗi ngày, tại các phòng mổ, các khoa cấp cứu của hàng trăm bệnh viện trên khắp cả nước, đã có hàng ngàn người bệnh được cứu sống, được phục hồi sức khoẻ để sống cuộc sống bình thường. Đó là đóng góp, là công việc thầm lặng của các y bác sĩ, cán bộ nhân viên ngành y.

Hãy trân trọng các thày thuốc đã dũng cảm vượt khó khăn đẩy lùi dịch bệnh; các thầy thuốc đã tìm ra những phương pháp mới “chiến đấu” với những bệnh nan y để chăm sóc sức khỏe người dân; những người đã đối xử tử tế với bệnh nhân đúng với lương tâm nghề nghiệp của mình... Trong ngành nào cũng vậy, không tránh khỏi những nhân tố tiêu cực và cần phải chung tay đẩy lùi những tiêu cực ấy, và chỉ có thể làm được như vậy bằng thái độ công bằng, xây dựng.

Theo VOV