Thấy gì từ lễ diễu binh kỷ niệm lần thứ 70 Quốc khánh Triều Tiên?
Chủ nhật, ngày 09/09/2018
Không phô trương tên lửa, hạt nhân
Diễu binh được tổ chức không phô trương rầm rộ như lễ diễu binh hồi tháng 2 năm nay, ngay trước khi Hàn Quốc khai mạc Thế vận hội mùa Đông PyeongChang, và tất nhiên là quy mô cũng không thể bằng lễ diễu binh hồi tháng 4/2017, khi Triều Tiên phô trương một loạt tên lửa đạn đạo làm gia tăng căng thẳng với Mỹ.
Lễ diễu binh có sự xuất hiện của nhiều vũ khí, khí tài quân sự, nhưng hoàn toàn không có sự xuất hiện của các tên lửa đạn đạo và tầm trung. Ảnh: NK News |
Triều Tiên kỷ niệm lần thứ 70 ngày Quốc khánh nước ngày (9/9/1948-9/9/2018) với sự xuất hiện của nhiều loại vũ khí khí tài quân sự nhưng không hề có sự xuất hiện của các loại tên lửa đạn đạo liên lục địa được cho là có khả năng vươn tới lãnh thổ Mỹ.
Sự kiện kỷ niệm lần thứ 70 Quốc khánh Triều Tiên diễn ra trong bối cảnh Mỹ và Hàn Quốc đang cố tìm cách đưa Triều Tiên vào một tiến trình mà hai nước này hy vọng sẽ dẫn tới việc Bình Nhưỡng từ bỏ hoàn toàn kho hạt nhân của mình. Tuy nhiên, trong khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in dự kiến sẽ tới thăm Bình Nhưỡng và có cuộc gặp Thượng đỉnh lần 3 với Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un từ 18-20/9 tới, thì các cuộc đàm phán giữa Triều Tiên với Mỹ lại đang bế tắc.
Washington muốn Bình Nhưỡng phải có hành động cụ thể về phi hạt nhân hóa, còn Triều Tiên muốn Tuyên bố kết thúc Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) trước, như một cách để đảm bảo an ninh và xây dựng lòng tin.
Cuộc chiến tranh Triều Tiên kết thúc bằng một Hiệp ước hòa bình. Một tuyên bố kết thúc chiến tranh sẽ là bước đi đầu tiên hướng tới một Hiệp ước hòa bình, nhưng rất nhiều người ở Mỹ lo ngại một tuyên bố như vậy sẽ khiến Mỹ không thể duy trì sự hiện diện hợp pháp của lính Mỹ tại Hàn Quốc.
Grace Liu, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm James Martin nghiên cứu về giải trừ hạt nhân ở Monterey nói rằng, cuộc diễu binh không rầm rộ phô trương tên lửa là nhằm duy trì “cuộc đối thoại tương đối dân sự” với Hàn Quốc và Mỹ, đặc biệt là trước thềm chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. “Nhìn chung, việc giảm bớt quy mô cuộc diễu binh cho thấy, họ đang cam kết với kế hoạch duy trì đối thoại với Mỹ và Hàn Quốc”, bà Grace Liu nói.
Các nhà phân tích Hàn Quốc cho rằng, việc giảm quy mô diễu binh của Triều Tiên là nhắm tránh khiêu khích Mỹ trong bối cảnh có các cuộc đàm phán hạt nhân đang bế tắc. “Nó có thể được hiểu là ngầm ý của Triều Tiên gửi tới Tổng thống Mỹ Donald Trump, thể hiện rằng, nước này có ý định nghiêm túc và tích cực về phi hạt nhân hóa”, Kim Yong-hyun, giáo sư đại học Dongguk tại Seoul nói.
Nhà nghiên cứu Cho Sung-ryeol tại Viện Chiến lược an ninh quốc gia Hàn Quốc cũng đồng tình và cho rằng, cuộc diễu binh được hạ bớt quy mô nhằm tạo bầu không khí tích cực trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều sắp tới tại Bình Nhưỡng và xa hơn có thể là một cuộc gặp thượng đỉnh nữa với Mỹ.
Tập trung vào phát triển kinh tế
Theo AP, gần một nửa lực lượng tham gia diễu binh là khối dân sự, đại diện cho những nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế, nhấn mạnh bước chuyển chính sách lớn mà Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã tuyên bố đầu năm nay là tập trung vào phát triển kinh tế.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có tới tham dự kễ diễu binh nhưng không phát biểu tại sự kiện này. Thay vào đó, người đọc diễn văn khai mặc là Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Tối cao Kim Yong-nam và bài phát biểu của cũng không nó đến chương trình hạt nhân hay tên lửa mà tập trung vào các mục tiêu phát triển kinh tế.
“Chỉ riêng sự lựa chọn đó đã cho thấy ý định của Nhà lãnh đạo Kim Jong-un muốn thể hiện sự nghiêm túc về chiến lược mới mà ông tuyên bố đầy năm nay nhằm thúc đẩy nền kinh tế sau khi đã hoàn thành sức mạnh răn đe hạt nhân hồi năm ngoái”, Ankit Panda, một chuyên gia chiến lược của Mỹ cho biết.
“Nó cũng cho thấy, chừng nào các cuộc đàm phán vẫn còn đang tiếp diễn, thì hệ thống năng lực hạt nhân của Triều Tiên sẽ được duy trì ở mức thấp”.
Các vị khách quốc tế đặc biệt
Phái đoàn từ nhiều nước và tổ chức quốc tế đã đến Triều Tiên để tham dự lễ kỷ niệm 70 năm Quốc khánh. Các phái đoàn đến từ Cuba, Azerbaijan, Singapore, Tổ chức Hòa bình Thế giới, Nam Phi, Namibian, Gyuana, Nepal, Brunei, Ethiopia, Mozambique, Thụy Điển, UNESCO, WEF, Myanmar, Bangladesh, Thụy Sỹ, Zambia, Philippines, Thái Lan, Serbia, Ủy ban kinh tế xã hội LHQ Châu Á Thái Bình Dương.
Tất nhiên, sự kiện này cũng có sự tham dự của các quan chức cấp cao của Trung Quốc và Nga. Ban đầu, có nhiều đồn đoán rằng, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có chuyến thăm đầu tiên tới Bình Nhưỡng và tham dự lễ diễu binh, nhưng cuối cùng, ông lại cử ông Lật Chiến Thư tới tham dự sự kiện này.
Ông Lật Chiến Thư (trái) trên khán đài cùng Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un quan sát lễ diễu binh tại Quảng trường Kim Nhật Thành. Ảnh: Kyodo. |
Ông Lật Chiến Thư là Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (tức Chủ tịch Quốc hội) Trung Quốc. Ông tới Bình Nhưỡng dự kỷ niệm 70 năm Quốc khánh Triều Tiên với tư cách là Đặc phái viên của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Trước đó, ngày 7/9, Chủ tịch Hội đồng liên bang Nga Valentino Matvienko đã tới Bình Nhưỡng để tham dự các sự kiện nhân dịp Quốc khánh Triều Tiên. Bà đã có cuộc gặp Nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Dù không tới dự kỷ niệm quốc khánh Triều Tiên, nhưng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng như Tổng thống Nga Vladimir Putin đều gửi thông điệp chúc mừng.
Việc mời các chính khách quốc tế tới tham dự sự kiện kỷ niệm Quốc khánh không chỉ là cách để thể hiện vị thế của cá nhân Nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng như đất nước Triều Tiên.
(BDO) Bên cạnh các chính khách cấp cao, Triều Tiên còn mời nhiều phóng viên quốc tế tới Bình Nhưỡng nhân sự kiện này để đảm bảo các thông điệp của Triều Tiên được truyền tải rộng rãi./.
Theo VOV