Thấy gì từ công tác giám sát quản lý đất đai, xây dựng?
HĐND tỉnh vừa thực hiện chương trình giám sát tình hình thực thi pháp luật, chống tham nhũng trong lĩnh vực quản lý đất đai, xây dựng. Tuy việc giám sát chủ yếu chỉ tập trung vào công tác phòng, chống tham nhũng nhưng kết quả từ các cuộc giám sát cho thấy, trên 2 lĩnh vực này hiện tồn tại những điểm “nóng” cần phải tập trung xử lý, đó là tình trạng doanh nghiệp (DN) vi phạm trong sử dụng đất đai, đất công được giao cho DN nhưng không sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích; xây dựng không phép, trái phép, huy động vốn tại các dự án bất động sản (BĐS) chưa đúng quy định...
Việc hình thành nhiều KDC phân lô, bán nền tự phát, xây dựng trái phép cho thấy những bất cập trong lĩnh vực đất đai, xây dựng. Trong ảnh: Một KDC tự phát, xây dựng trái phép tại địa bàn TX.Dĩ An
Cấp đất nhanh, thu hồi chậm
Theo đại biểu HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Sơn, trên lĩnh vực đất đai, nếu như việc cấp đất được thực hiện khá nhanh chóng, tạo điều kiện cho các đơn vị, tổ chức, cá nhân tiếp cận đất đai nhưng khi có những vi phạm, công tác thực hiện thu hồi đất còn chậm và tỏ ra chưa quyết liệt. Trên thực tế, theo tìm hiểu của phóng viên, một số đơn vị DN Nhà nước trực thuộc các bộ, ngành của Trung ương được giao đất hoạt động tại địa bàn tỉnh Bình Dương sử dụng không đúng mục đích, bỏ hoang gây lãng phí nguồn tài nguyên đất nhưng việc thu hồi theo đúng quy định của pháp luật đất đai hiện hành lại chưa được thực hiện. Phó Giám đốc Sở Tài Nguyên môi - Môi trường (TN-MT) Bùi Văn Hai cho biết, sở cũng đã có kế hoạch để tiến hành thu hồi đối với những trường hợp vi phạm buộc phải thu hồi theo tinh thần của Luật Đất đai. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cũng còn gặp phải những sự cản trở từ phía DN và đơn vị chủ quản. Chính vì vậy, việc thu hồi còn chưa dứt khoát và cần phải có thời gian.
Trả lời trước đại biểu HĐND, Giám đốc Sở TN-MT Phạm Danh cũng khẳng định: “Thu hồi đất chậm không phải do ngành tài nguyên làm ngơ, khi xử lý sẽ linh hoạt nhưng cũng sẽ dứt khoát…”. Theo ông Danh, đối với các dự án BĐS, khu dân cư (KDC), đô thị triển khai chậm hoặc không triển khai, ngành TN-MT sẽ tiến hành phân loại theo diện tích mà chủ đầu tư dự án đã thực hiện giải tỏa, đền bù. Trên cơ sở phân loại, sở sẽ đưa ra hướng xử lý cho từng trường hợp cụ thể. “Tại TP.TDM, qua việc phân loại, 7 dự án BĐS, KDC đã được thu hồi…”, ông Danh nói.
Tham nhũng thì không, nhũng nhiễu thì có
Theo báo cáo từ Sở TN-MT, trong 3 năm qua, sở đã tiến hành thanh, kiểm tra về đất đai đối với 305 đơn vị, trong đó 190 đơn vị được kiểm tra theo kế hoạch và 115 đơn bị kiểm tra đột xuất. Qua việc thanh, kiểm tra, sở đã tiến hành xử lý 152 đơn vị vi phạm với số tiền xử phạt gần 900 triệu đồng. Những vi phạm chủ yếu được phát hiện là việc sử dụng đất không đúng mục đích, chậm đưa đất vào sử dụng, không thực hiện đúng thủ tục hành chính theo quy định. Trong công tác kiểm tra, giám sát nội bộ ngành, sở cũng đã thực hiện thanh tra quá trình thực hiện thủ tục hành chính ở 7 huyện, thị, thành phố, kiểm tra 5 đơn vị trực thuộc sở. Công tác thanh kiểm tra cũng đã xác minh, giải quyết 4 đơn tố cáo đối với cán bộ. Tuy nhiên, kết quả xác minh cho thấy có 2 trường hợp rút đơn, 2 trường hợp được kết luận là tố cáo sai sự thật. Sở TN-MT cũng cho hay, không có cán bộ, công chức, viên chức nào vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật hoặc bị phát hiện có hành vi tham nhũng, nhũng nhiễu. Tuy nhiên, cũng theo sở này, do tính phức tạp của công tác phòng chống tham nhũng trong quản lý nhà nước về đất đai nên có lúc, có nơi vẫn xảy ra dư luận về hành vi tham nhũng, nhũng nhiễu…
Tại TX.Dĩ An khi giải trình trước HĐND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND TX.Dĩ An Võ Văn Giàu cho rằng, hiện tượng tham nhũng trên lĩnh vực này tại địa phương “chưa phát hiện được vụ nào nhưng hiện tượng nhũng nhiễu, gây phiền hà thì ở đâu cũng có, mặc dù không phải là hiện tượng phổ biến…”.
Xây dựng trái phép, năm này nối tiếp năm sau!
Hiện nay tại một số thành phố lớn, hiện tượng xây dựng trái phép đã và đang được chính quyền mạnh tay xử lý. Hà Nội kiên quyết phá bỏ nhà siêu mỏng, TP.HCM ra quân thực hiện cưỡng chế hàng loạt những công trình xây dựng trái phép. Còn tại Bình Dương, tình trạng xây dựng trái phép cũng diễn ra khá phổ biến, tuy nhiên việc xử lý xây dựng trái phép vẫn chưa đủ sức răn đe. Việc thanh, kiểm tra phát hiện xây dựng trái phép thường diễn ra sau khi công trình đã hoàn thành hoặc xây dựng gần hoàn thiện nên gây khó khăn cho công tác xử lý. Điều đáng nói là khi phát hiện ra các trường hợp xây dựng trái phép, ngành chức năng thường xử phạt xong thì coi như cũng đã hợp thức hóa cho việc xây dựng. Chính vì thế, tại các địa bàn có tốc độ đô thị hóa nhanh, hiện tượng xây dựng trái phép vẫn diễn ra mạnh mẽ.
Báo cáo trước HĐND tỉnh, Sở Xây dựng cũng thừa nhận, trong thời gian qua, tình hình xây dựng trái phép luôn có diễn biến phức tạp. Cụ thể, năm 2011, Thanh tra Sở Xây dựng lập biên bản vi phạm 20 trường hợp xây dựng trái phép, phạt tiền 612.500.000 đồng. Năm 2012, lập biên bản vi phạm 9 trường hợp xây dựng trái phép, phạt hành chính 215.000.000 đồng. Nửa đầu năm 2013 đã lập biên bản vi phạm đối với 9 trường hợp xây dựng trái phép, xử phạt hành chính 325.000.000 đồng. Còn tại TX.Dĩ An, qua công tác thanh, kiểm tra cho thấy, trên địa bàn TX.Dĩ An hiện có 243 KDC phân lô, trong đó chỉ có 70 KDC có chủ trương, còn lại là các KDC tự phát. Hầu hết các công trình xây dựng tại các KDC tự phát này đều được xây dựng không phép, trái phép…
Đối với việc quản lý nhà nước trên thị trường BĐS, Sở Xây dựng còn cho biết, tình hình giao dịch BĐS qua các sàn chưa được các đơn vị báo cáo. Qua kiểm tra, xem xét hồ sơ huy động vốn, phần lớn các hồ sơ này không đạt yêu cầu về tính pháp lý như quyết định phê duyệt dự án, chưa lập thủ tục đề nghị chấp thuận đầu tư… theo đúng Nghị định 71/2010/NĐ-CP của Chính phủ. Vì thế, trong thời gian tới, công tác kiểm tra huy động vốn tại các dự án BĐS sẽ được đẩy mạnh nhằm chấn chỉnh nhưng vi phạm trên lĩnh vực này…
THÀNH SƠN