Thay đổi thói quen tiêu dùng để ứng phó với dịch bệnh
(BDO) Việc nhiều người dân đổ xô đi mua lương thực, thực phẩm để đối phó với dịch bệnh, trong đó có mặt hàng mì gói đang gây ra tác động tăng giá đối với mặt hàng này. Không ít người tiêu dùng phải tính toán, thay đổi thói quen tiêu dùng, chuyển sang sản phẩm cùng loại.
Khách hàng chọn mua thực phẩm khô tại Co.opmart Bình Dương
Tâm lý đám đông
Tưởng chừng sau tết giá nhiều mặt hàng thực phẩm sẽ giảm, song thực tế không phải vậy. Hiện có nhiều sản phẩm giữ nguyên đà tăng giá do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Đơn cử như mặt hàng mì gói. Tăng giá nhiều nhất trong thời điểm hiện nay là mì Hảo Hảo. Khảo sát giá sản phẩm tại các đại lý cho thấy, giá mì Hảo Hảo tăng từ 7.000 - 12.000 đồng/thùng. Giá bán tại các điểm nhỏ lẻ tăng nhiều hơn, từ 95.000 đồng tăng lên 108.000 đồng/thùng. Nếu tính trên giá mua lẻ từng gói, mức tăng tương ứng gần 15%.
Tìm hiểu thêm tại nhiều cửa hàng tạp hóa khu vực chợ Thủ Dầu Một, Lái Thiêu thì kết quả là mì gói nhãn hiệu trên đang rất khan hiếm. Bà Năm, chủ đại lý tạp hóa trên đường Nguyễn Thái Học, phường Phú Cường, cho biết: “Từ trước tết đến nay mì gói Hảo Hảo rất ít hàng, đặc biệt liên tục gần 2 tuần nay không có hàng để bán. Các đại lý lớn giao hàng nhỏ giọt, đồng thời tăng giá bán. Hiện giờ, giá bán lẻ vào khoảng 105.000 - 108.000 đồng/ thùng, trong khi trước đây chỉ 97.000 - 100.000 đồng/thùng. Mặc dù giá tăng vậy nhưng cũng không có hàng để bán. Trong khi đó, giá các loại mì khác giá chỉ tăng nhẹ khoảng 2.000 - 3.000 đồng/thùng. Ở khu vực chợ Phú Hòa, nơi tập trung rất nhiều sinh viên trường đại học, giá mì bày bán tại các cửa hàng nhỏ lẻ cũng tăng nhẹ, ở mức trên 105.000 đồng/thùng. Một số bạn cho biết do không thường xuyên ăn mì, nên giá có tăng thêm 500 - 1.000 đồng/gói khi mua lẻ vẫn chưa ảnh hưởng nhiều, nhưng với sinh viên nghèo, mức giá này có thể là đáng kể…
Tại khu vực vòng xoay chợ Lái Thiêu, TP.Thuận An, khi ghé qua các cửa hàng tạp hóa khá lớn trên các con đường chính, giá bán luôn rẻ, nhưng mì gói Hảo Hảo hiện vẫn ở mức 108.000 đồng/thùng. Một chủ cửa hàng cho biết giá nhập vào đã là 93.000 - 95.000 đồng/ thùng, bán lời rất ít. Chúng tôi đã đến tìm hiểu tại một đại lý phân phối lớn ở TP.Thuận An thì được biết mì gói Hảo Hảo đang rất ít hàng. Chủ đại lý cho biết tình trạng này diễn ra từ trước tết khoảng 1 tháng cho tới nay. Trước đây, một ngày Công ty Vina Acecook cung cấp đơn hàng khoảng mấy trăm triệu đồng. Từ giáp tết đến nay mỗi ngày chỉ giao cho được khoảng 50 - 90 triệu đồng một hóa đơn mua hàng. Bà chủ đại lý này cho biết thêm, tình trạng khan hàng không chỉ diễn ra ở Lái Thiêu mà còn diễn ra ở các khu vực khác.
Thông tin từ các đại lý tạp hóa lớn cho biết nguyên nhân khiến giá mì gói tăng trong thời gian gần đây và có tình trạng khan hiếm hàng trên một số sản phẩm được ưa chuộng, như mì Hảo Hảo, Omachi do hiệu ứng tâm lý đám đông, nhiều người cùng mua một mặt hàng khiến không kịp cung ứng, đẩy giá tăng. Bên cạnh đó, hiện nhu cầu nhập khẩu nguồn nguyên liệu chính để sản xuất mì gói phụ thuộc 70 - 80% từ Trung Quốc. Khi giao thương bị gián đoạn do dịch bệnh, tình trạng chung của một số doanh nghiệp là không có nguồn nguyên liệu để sản xuất dẫn đến khan hàng. Cầu tăng, cung giảm, đẩy giá tăng là quy luật của thị trường, một chủ đại lý tạp hóa nhận định.
Tìm cách thích nghi
Trong thời buổi công nghiệp, thói quen sinh hoạt mọi thứ đều cần sự nhanh chóng, tiện lợi. Có thể nói rằng, mì gói là thức ăn đáp ứng nhu cầu này. Theo thông tin từ Hiệp hội Mì ăn liền thế giới, Việt Nam hiện đã ở trong Top 5 nước tiêu thụ mì ăn liền lớn nhất thế giới, với lượng tiêu thụ hơn 5 tỷ gói/năm. Như vậy, trong bối cảnh giá nhiều mặt hàng đang leo thang, trong đó có mì gói ở một số thương hiệu khiến nhiều gia đình đã thay đổi thói quen ăn uống, khẩu vị bằng cách chuyển sang sử dụng một số sản phẩm cùng loại... vừa bảo đảm nhu cầu lương thực, vừa hạn chế chi tiêu.
Chị Lê Trần Thanh Mai, phường Phú Cường, cho biết chị đang tập cho các con thay đổi thói quen khẩu vị và tăng cường khả năng thích nghi trong mọi hoàn cảnh. Mấy ngày đầu, chuyển sang ăn mì gói nhãn hiệu khác, hương vị khác, các cháu có vẻ không vui, thậm chí không muốn ăn mì nữa nhưng được phân tích về tình hình giá cả tăng vọt lại khan hiếm hàng, lợi ích tiết kiệm và nhất là sự nhận thức về khả năng thích ứng với mọi hoàn cảnh sống nên các cháu đã bắt đầu đồng ý. Thậm chí các cháu còn khen một số loại sản phẩm khác như miến, phở, hủ tíu và mì gói loại rẻ tiền có hương vị ngon không kém sản phẩm ưa thích trước đó.
Chị Lê Trần Thanh Mai chia sẻ thêm, những ngày tới chắc chắn chị sẽ chuyển sang dùng đa dạng các loại mì gói, phở, cháo, hay miến. Thậm chí sẽ loại bỏ sản phẩm mì gói có giá thành cao thay vào đó bằng các sản phẩm thấp tiền hơn. “Mấy bữa, thấy mọi người hối hả tích trữ, tôi cũng hối hả mua để dành dùng dần nhằm tránh ra đường, nhưng nay tôi chỉ mua đủ dùng thôi. Như vậy, vừa tiết kiệm lại vừa không rơi vào cảnh chen nhau mua, làm giàu cho các đối tượng trục lợi”, chị Lê Trần Thanh Mai quả quyết.
Thủ tướng yêu cầu sớm giảm giá thịt heo Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về tình hình giá thịt heo. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ gồm Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, Thông tin và Truyền thông nghiên cứu nội dung báo cáo và kiến nghị của Tổng cục Thống kê để phục vụ hoạt động tham mưu, chỉ đạo điều hành, bảo đảm sớm giảm giá thịt heo theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì cùng Bộ Công thương và các cơ quan chỉ đạo cung cấp đầy đủ số lượng, chất lượng bảo đảm giá cả cho người dân, không được để tăng giá, trong khi giá thành sản xuất thịt heo thấp. Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Tổng cục Thống kê chủ động cung cấp thông tin, đề xuất các giải pháp để bảo đảm kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2020 theo mục tiêu Quốc hội, Chính phủ giao và gửi Bộ Tài chính (cơ quan thường trực Ban chỉ đạo điều hành giá) để tổng hợp báo cáo chung và gửi các bộ, cơ quan liên quan. |
TRÚC HUỲNH