Thay đổi chiến lược xử lý F0 trong cộng đồng, doanh nghiệp

Thứ bảy, ngày 13/11/2021

(BDO) Thực hiện chiến lược “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19” của Chính phủ, Sở Y tế đã ban hành hướng dẫn tạm thời quy trình phát hiện và xử lý F0 tại cộng đồng và trong cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp. Trên cơ sở hướng dẫn này, các địa phương, doanh nghiệp (DN) chủ động hơn trong công tác phòng, chống dịch bệnh trong tình hình mới.


Với chiến lược xử lý F0 mới của tỉnh, F0 nhẹ điều trị tại nhà thông qua trạm y tế lưu động sẽ được nhanh chóng tiếp cận các dịch vụ y tế ngay tại tuyến cơ sở

Tiến hành phong tỏa hẹp

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế cho biết, theo thống kê trong đợt dịch bệnh thứ 4, hầu hết các trường hợp nhiễm Covid-19 đều có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng. Tỷ lệ bao phủ vắc xin trong tỉnh đã đạt hơn 90% dân số tiêm mũi 1 và hơn 70% dân số tiêm mũi 2. Trước thực tế này, tỉnh tiến hành thay đổi chiến lược xử lý F0 trong cộng đồng, DN. Theo đó, khi phát hiện F0 trong cộng đồng, tỉnh sẽ không tiến hành phong tỏa rộng cả khu phố như trước đây mà thu hẹp trong phạm vi nhỏ nhất, hộ gia đình. Nơi ở của F0 được xem là “ổ dịch hộ gia đình” và phải được xử lý ngay khi xác định thông tin, đánh giá tình trạng F0. Nếu F0 đủ điều kiện cách ly tại nhà thì sẽ được cách ly tại nhà. Nếu F0 có biểu hiện nặng hoặc Sp02 dưới 96% thì báo cho Tổ phản ứng nhanh để được chuyển viện.

Sự khác biệt cơ bản của 2 chiến lược ở 2 thời điểm dịch là trước đây khi phát hiện F0 trong cộng đồng thì xử lý triệt để bằng việc đưa F0 đi cách ly, điều trị ở các bệnh viện còn F1 đi cách ly tập trung. Khu vực có F0 sẽ phong tỏa rộng nên ảnh hưởng đến sinh hoạt người dân. Hiện với chủ trương phong tỏa hẹp, F0 nhẹ điều trị tại nhà thông qua trạm y tế lưu động sẽ được nhanh chóng tiếp cận các dịch vụ y tế ngay tại tuyến cơ sở, đồng thời giảm tải cho tuyến trên và hạn chế tỷ lệ bệnh nhân Covid-19 tử vong.

Do cách thức triển khai thay đổi nên cách thức tổ chức, nhiệm vụ của từng đơn vị cũng thay đổi theo. Ông Nguyễn Thanh Liêm, Trưởng trạm Y tế phường Dĩ An, TP.Dĩ An cho biết, tích lũy trong đợt dịch vừa qua, trạm đã theo dõi hơn 2.000 F0 điều trị tại nhà, hiện còn quản lý hơn 800 trường hợp. Theo hướng dẫn tạm thời quy trình phát hiện và xử lý F0 tại cộng đồng trong tình hình mới, địa phương đã thành lập 3 Trạm Y tế lưu động bao phủ 9 khu phố. Khi phát hiện F0 tại cộng đồng, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 phường chỉ đạo, điều hành hoạt động xử lý ổ dịch ở phạm vi hộ gia đình, trạm y tế lưu động lập danh sách quản lý F0 tại cộng đồng, hướng dẫn F0 khi có dấu hiệu, triệu chứng cấp cứu, chuyển nặng cần liên hệ với trạm y tế để được hỗ trợ xử lý cấp cứu hoặc chuyển đến cơ sở điều trị. Với sự tham mưu của trạm y tế, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 phường sẽ ra quyết định cho F0 cách ly tại cộng đồng cũng như cấp giấy chứng nhận hoàn thành cách ly.

Tạo điều kiện cho DN sản xuất liên tục

Hướng dẫn tạm thời quy trình phát hiện và xử lý F0 tại cộng đồng và trong cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp cũng hướng dẫn chi tiết, kèm theo các điều kiện để DN có ca mắc, nghi mắc Covid-19 được tiếp tục hoạt động sản xuất, kinh doanh. Theo đó, để DN tiếp tục sản xuất phải có sự đồng thuận bằng văn bản giữa người lao động và DN, có sự chứng kiến của tổ chức công đoàn tại DN. Về phía DN, phải thực hiện phong tỏa theo quy mô dịch tại dây chuyền, phân xưởng hay toàn bộ cơ sở sản xuất, trong đó khu vực phong tỏa có người lao động mắc, nghi mắc Covid-19 tham gia sản xuất, kinh doanh tại dây chuyền, phân xưởng phải tách biệt với các dây chuyền, phân xưởng khác và bảo đảm vệ sinh môi trường, khử khuẩn, không để xảy ra lây nhiễm chéo giữa các dây chuyền, phân xưởng.

Với chủ trương phong tỏa hẹp, F0 nhẹ điều trị tại nhà thông qua trạm y tế lưu động đã góp phần giúp người dân nhanh chóng tiếp cận các dịch vụ y tế ngay tại tuyến cơ sở, đồng thời giảm tải cho tuyến trên và hạn chế tỷ lệ bệnh nhân Covid-19 tử vong.

DN cũng phải bảo đảm điều kiện sinh hoạt, ăn uống, dinh dưỡng, thuốc điều trị tại chỗ và hướng dẫn các chế độ dành cho người lao động mắc, nghi mắc Covid-19 tiếp tục tham gia sản xuất tại khu vực phong tỏa theo quy định hiện hành. DN phải thiết lập phòng y tế, khu vực cách ly y tế tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp có ít nhất 1 bác sĩ, y sĩ đã được tập huấn điều trị bệnh nhân Covid-19, bình oxy, máy Sp02 và các cơ số thuốc điều trị, sơ cấp cứu cho người lao động mắc, nghi mắc Covid-19. DN phải ký liên kết với bệnh viện, phòng khám đa khoa, trạm y tế lưu động trên địa bàn, bảo đảm có cán bộ trực 24/7 và có xe cấp cứu để vận chuyển các trường hợp mắc Covid-19 trở nặng kịp thời đến cơ sở y tế đủ điều kiện điều trị, không để xảy ra tử vong.

Bà Phan Thị Phương Linh, Giám đốc nhân sự Công ty Earth Corporation Việt Nam (KCN Nam Tân Uyên) cho biết: “Hiện người lao động trên địa bàn Bình Dương đã tiêm đủ 2 liều vắc xin, nên hướng dẫn của Sở Y tế là rất kịp thời, không làm ảnh hưởng sản xuất, kinh doanh tại DN. DN chúng tôi đã chuẩn bị đội ngũ y tế, khu cách ly khá tốt. Theo hướng dẫn này, nếu không may trong DN xảy ra nhiều ca F0, chúng tôi vẫn linh hoạt trong điều trị, cách ly mà không ảnh hưởng nhiều đến sản xuất, kinh doanh như trước đây”.

 HOÀNG LINH - QUANG TÁM