Thấy dấu vết loài ngựa có mồ hôi đỏ như máu
Truyền thuyết cổ về loại ngựa siêu phàm có mồ hôi đỏ như máu “Hãn huyết bảo mã” đang đứng trước cơ hội được chứng minh sau khi một nhóm khảo cổ học Trung Quốc tìm thấy những di tích quan trọng.
Nhóm của Viện Khảo cổ tỉnh Thiểm Tây (Tây Bắc Trung Quốc) hồi tháng 9-2009 đã phát hiện được xương cốt của 80 con ngựa nằm trong hai hố tuẫn táng thuộc phạm vi lăng mộ Hán Vũ Đế, hoàng đế thứ bảy của nhà Tây Hán (206 trước Công nguyên - 24 sau Công nguyên) ở tỉnh này. Nhưng đến ngày 21-2, nhóm khảo cổ trên mới công bố kết quả nghiên cứu.
Giống ngựa Akhal-Teke.
Họ cho biết mỗi hố tuẫn táng là một lớn chứa 20 hố nhỏ, mỗi bên đều được “gác” bởi hai con ngựa và một chiến binh đất nung. Xét nghiệm các xương cốt cho thấy đây đều là ngựa đực trưởng thành. Xét nghiệm DNA sẽ sớm được tiến hành với hy vọng xác định được giống loài.
Việc tìm thấy những xương cốt ngựa được coi trọng ở lăng mộ Hán Vũ Đế đang làm hồi sinh truyền thuyết nhiều thế kỷ qua ở Trung Quốc về “Hãn huyết bảo mã.” Theo truyền thuyết, Hán Vũ Đế từng treo thưởng hậu hĩnh cho ai có thể tìm được cho ông một con “Hãn huyết bảo mã” thuần chủng, vốn được cho là hiện diện tại Trung Á nhưng hiếm có ở Trung Quốc.
Ngày này, giống ngựa đặc biệt đó được xác định là Akhal-Teke, một trong những giống ngựa cổ xưa và độc đáo nhất.
Hán Vũ Đế được coi là người đã viết về “Hãn huyết bảo mã” sớm nhất trong lịch sử Trung Quốc. Trong một bài thơ, ông đã gọi đây là “ngựa trời” (thiên mã). Người ta cho rằng ngựa mà Thành Cát Tư Hãn cưỡi cũng là một con “Hãn huyết bảo mã”.
Hán Vũ Đế được biết đến nhiều nhất như là vị hoàng đế Trung Quốc đã khai thông Con đường tơ lụa lừng danh, tuyến thương mại nối châu Á với châu Âu.
Việc xây dựng lăng mộ của Hán Vũ Đế được bắt đầu vào năm 139 trước Công nguyên, tức chỉ một năm sau khi ông lên ngôi ở tuổi 16, và mất tới 53 năm để hoàn thành. Lăng mộ này có tới hơn 400 hố tuẫn táng, nhiều hơn cả lăng mộ của Tần Thủy Hoàng.
Theo TTXVN