“Thảy” con cho ông bà, nên chăng?

Thứ bảy, ngày 04/08/2012

Chuyện “gửi” con về cho ông bà nội/ngoại nuôi đang có xu hướng trở thành... phong trào. Nhiều cặp vợ chồng trẻ quen sống trong cảnh nuông chiều của cha mẹ, khi lập gia đình, sinh con đẻ cái, họ vẫn sống dựa vào sự giúp đỡ phần nhiều từ phía gia đình. “Thảy” con cho ông bà, đẩy cha mẹ mình vào cảnh “chăm con rồi lại lo chăm cháu”...

Ai cũng nói vợ chồng Loan thiệt sướng! Hồi còn “choai choai” chỉ lo ăn chơi, chả phải học hành gì. Thế mà từ khi lập gia đình, trong khi cả lũ bạn đồng lứa, đứa nào cũng chật vật chuyện cơm - áo - gạo - tiền thì vợ chồng Loan vẫn ung dung tận hưởng cuộc sống.

 Ảnh minh họa Chả là gia đình Loan vốn khá giả, cô lại là con một nên quen được nuông chiều từ bé. Khi Loan kết hôn và anh chàng đồng ý ở rể, ông bà mừng ra mặt. Sau đám cưới không lâu thì Loan cũng sinh được một quý tử để các cụ ẵm bồng. Vốn quen cảnh không phải mó tay làm việc nhà nên ngay cả khi đã có gia đình riêng, nàng vẫn ỷ lại hoàn toàn vào cha mẹ.

Trong khi các bà hàng xóm í ới rủ nhau đi tập thể dục sáng thì mẹ Loan vẫn lúi húi với hàng mớ việc lặt vặt mỗi ngày. Sáng dậy, bà lọ mọ dậy nấu cháo cho cháu. Ban ngày thì cả hai ông bà thay phiên nhau bế ẵm cho cháu ăn, tắm rửa cho bé, nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa. Vốn tính chịu khó, lại không muốn thuê người làm vì muốn được tận tay chăm sóc “cục cưng”. Hơn nữa, vốn thương con, không muốn con cái vất vả nên bao nhiêu công việc trong nhà hai ông bà thay nhau làm hết. Bình thường, cô con gái cưng và cậu rể quý tử vốn đã thích ăn chơi, đàn đúm bạn bè vào dịp cuối tuần. Giờ đến ngay cả những ngày thường, đôi vợ chồng trẻ vẫn thi nhau ngủ tới trưa. Em bé đang trong thời kỳ bú sữa mẹ, mà Loan nhất định bắt bé bú bình vì sợ... “xuống sắc”. Ai đến nhà chơi, thấy cảnh hai ông bà cứ bận tối mắt tối mũi vì những chuyện không tên cứ mắt tròn mắt dẹt và lắc đầu ngao ngán...

Chuyện gia đình cu Bi thì lại hoàn toàn khác. Không thích sống cảnh “ăn bám” cha mẹ vốn đã chịu nhiều vất vả nhưng anh chị lại gặp cảnh tréo ngoe khi cậu con cả nói gì cũng không chịu nghe lời, đành gửi về cho ông bà nội “giáo dục” hộ. Cu Bi 7 tuổi, bắt đầu trở nên ngỗ ngược, ba mẹ nói gì cũng không chịu nghe lời. Ông nội Bi vốn là thầy giáo nổi tiếng nghiêm khắc nên đôi vợ chồng trẻ bàn nhau đưa Bi sang ở cùng nhà nội để cu cậu ngoan và biết nghe lời hơn. Vài ngày đầu, khi Bi sang ở nhà ông bà nội, hai vợ chồng cũng thấy nhớ con nhiều. Dù vậy, muốn con được sống dưới sự giáo dục của ông bà theo “kỷ luật sắt” và cũng tạo thuận lợi để hai vợ chồng tập trung vào công việc nên hai vợ chồng vẫn thường xuyên chạy qua chạy lại thăm con.

Theo ý kiến các chuyên gia, do người Việt có truyền thống “nước mắt chảy xuôi” muốn thể hiện sự yêu thương, chăm lo của thế hệ trước dành cho thế hệ sau. Tuy nhiên, việc không ít người cao tuổi có thói quen bao bọc con cái thái quá, sẵn sàng làm thay con mọi việc, khi con đã trưởng thành chỉ khiến con cái quen thói ỷ lại, sống dựa dẫm. Vì vậy, vợ chồng trẻ tốt nhất là nên thuê người hoặc dù có nhờ bố mẹ giúp đỡ thì vẫn phải chủ động san sẻ, không quá dựa dẫm, để ông bà có thời gian nghỉ ngơi.

THU THỦY