Thấu hiểu để khai thác tiềm năng, lợi thế

Thứ hai, ngày 26/09/2022

(BDO) Dư địa hợp tác lớn

Tại Diễn đàn Hợp tác kinh tế Ấn Độ Horasis 2022, các chuyên gia đến từ Ấn Độ đều khẳng định rằng, trong bối cảnh Ấn Độ đang chuyển mình sâu sắc và là một trong 6 nền kinh tế tiềm năng của thế giới, Ấn Độ đã có những chính sách để phát triển kinh tế đất nước ngày càng vững mạnh với những sự chuyển đổi mới trong các chính sách phát triển ở các khía cạnh như quản trị, trao quyền cho nhân dân, ứng dụng công nghệ... Việc chuyển đổi này sẽ tạo ra các khả năng và nhu cầu mang lại cơ hội lớn cho việc mở rộng hợp tác đầu tư, trong đó có Việt Nam.

Trong khi đó, ông Fred Burke, Cố vấn cấp cao Baker & McKenzie (Việt Nam) đánh giá cao về sự phát triển kinh tế Việt Nam khi Việt Nam vẫn được các chuyên gia dự báo giữ được mức tăng trưởng hơn 6% vào năm 2023 trong bối cảnh nhiều khó khăn thách thức. Vấn đề cần đặt ra là Chính phủ có những ưu tiên và chính sách nào trong tương lai ở cấp quốc gia và khu vực. Điều này rất quan trọng với các đối tác đầu tư, đặc biệt là các đối tác Ấn Độ. Tiềm lực đầu tư vào Việt Nam của tập đoàn là rất lớn khi khoản đầu tư hiện hữu chỉ vào khoảng 1 tỷ đô, còn khá khiêm tốn so với tiềm lực.

Diễn giả và đại diện doanh nghiệp trao đổi bên lề các phiên đối thoại tại diễn đàn

Ông Mai An, Giám đốc IMT Solutions Việt Nam, diễn giả diễn đàn lần này khẳng định hiện nay Việt Nam và Ấn Độ đang có dư địa lớn để hợp tác trong các lĩnh vực công nghệ bao gồm cả công nghệ sản xuất, công nghệ tự động, công nghệ sinh học… Ấn Độ đã có bước đi trước, song Việt Nam cũng có những điểm mạnh về nhân lực, văn hóa… Việt Nam đang ráo riết thực hiện chuyển đổi số từ các cấp Nhà nước đến cộng đồng doanh nghiệp (DN). Các DN Ấn Độ có thể mang những mô hình tiên tiến đã được kiểm chứng sang Việt Nam. Và trên cơ sở này, phát triển lớn mạnh tại Việt Nam để làm bàn đạp tiến sâu vào các nước như Trung Quốc, Nhật Bản và các nước lân cận.

Việt Nam khuyến khích các DN công nghệ nước ngoài hợp tác với DN trong nước trong các lĩnh vực ưu tiên, như: Sản xuất thông minh, IoT, AI, dữ liệu lớn, blockchain, fintech, in 3D, hệ sinh thái 5G, đô thị thông minh… Thêm một yếu tố thuận lợi nữa là hiện các định chế tài chính đang đẩy rất mạnh tại Việt Nam. Đây là thị trường tốt cho hoạt động chuyển đổi số của các bạn Ấn Độ. Tương lai của Việt Nam là các ngành công nghệ cao phát triển thay vì dệt may, giày da… một quan niệm rất cũ mà các DN Ấn Độ hay gặp phải.

Ông Fred Burke đưa ra một ví dụ cụ thể là Bình Dương, cái nôi công nghiệp nay đã và đang chuyển mình sang lĩnh vực công nghệ cao với các nhà máy hiện đại, quy trình sản xuất xanh, phát triển bền vững. Bên cạnh đó, các DN cũng nỗ lực chuyển đổi công nghệ, chuyển đổi số để theo kịp xu hướng là dư địa để cho các DN Ấn Độ hợp tác ngay chính tại Bình Dương. Tại các khu công nghiệp của Becamex IDC, VSIP có thể thấy đang có rất nhiều nhà máy đang lắp tấm pin quang điện để sử dụng năng lượng xanh, phù hợp với xu hướng toàn cầu.

Tiên lượng tốt đẹp

Các diễn giả này cũng đưa ra các tiên lượng về sự hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ. Trong đó, các DN quan tâm nhiều về vấn đề chính sách, nền tảng phát triển công nghệ, quy định về thương mại điện tử. Đặc biệt, cần nhiều hơn tính minh bạch và dễ dự đoán trong chính sách điều hành kinh tế của Chỉnh phủ. Theo ông Ausang Shukla, nhà đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Caphive (Ấn Độ), khẳng định hiện nay Ấn Độ nổi lên là một trung tâm năng lực kỹ thuật số với khả năng cạnh tranh cao, được công nhận trên toàn thế giới trong việc cung cấp các dịch vụ CNTT. Các ngành CNTT của Ấn Độ đã và đang phát triển chuyên môn về công nghệ 5G, điện toán đám mây, công nghệ hỗ trợ quản trị điện tử, các công nghệ bền vững như pin thân thiện với môi trường, nguồn năng lượng tái tạo và quản lý hệ thống điện...

Trong những năm qua, CNTT và truyền thông nổi lên là một lĩnh vực hợp tác đầy tiềm năng giữa Việt Nam và Ấn Độ. Nhiều công ty CNTT Ấn Độ đã hiện diện tại Việt Nam. Các công ty này góp phần nâng cao năng lực CNTT và truyền thông của Việt Nam thông qua đào tạo, cung cấp các giải pháp và dịch vụ trong các lĩnh vực tài chính ngân hàng, viễn thông, công nghệ du lịch…

Các diễn giả cũng đánh giá cao Bình Dương đang tiến hành xây dựng các đô thị thông minh tại các khu vực kinh tế chủ chốt của tỉnh. Bình Dương trở thành điểm đến của các DN ICT khu vực và quốc tế. Bình Dương cũng đặc biệt khuyến khích các DN công nghệ nước ngoài hợp tác với các DN trong nước trong các lĩnh vực ưu tiên, như: Sản xuất thông minh, IoT, AI, dữ liệu lớn, blockchain, thực tế ảo, an toàn thông tin, fintech, in 3D, hệ sinh thái 5G, đô thị thông minh. 

Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Liên đoàn DN Bình Dương: “Thông qua Diễn đàn Hợp tác kinh tế Ấn Độ Horasis 2022, các DN Việt Nam cần xác định thế mạnh, nhu cầu để tăng cường hợp tác đầu tư với các DN Ấn Độ, nâng tầm công nghệ, nâng tầm sản xuất, đồng thời cũng cần tiến hành tìm hiểu sâu về thị trường Ấn Độ để mở rộng thị trường hàng hóa, kể cả lĩnh vực đầu tư sang Ấn Độ. Đây là thị trường rộng lớn sau Trung Quốc với 1,2 tỷ dân. Các DN cần lưu ý thêm các vấn đề về văn hóa, con người để tránh bỡ ngỡ khi hợp tác đầu tư vào Ấn Độ”.
Ông Mahesh M. Gandhi, Giám đốc điều hành AFII Cappital GmbH (Ấn Độ): “Chúng tôi sang Bình Dương dự diễn đàn lần này để tìm hiểu cơ hội đầu tư vào lĩnh vực bất động sản công nghiệp. Điều tôi mong muốn là tìm hiểu các chính sách về phát triển nguồn lực đất đai, ưu đãi về thuế, phát triển nhân lực. Tuy nhiên, qua bước đầu tìm hiểu chúng tôi đã thấy rằng con người Việt Nam thật ấm áp, văn hóa có rất nhiều nét tương đồng với Ấn Độ. Đặc biệt, với Bình Dương chúng tôi thấy được tiềm lực phát triển và cả sự hiếu khách, cầu thị”.

TIỂU MY