Thấp thỏm chuyện tiền thưởng tết

Thứ sáu, ngày 24/12/2010

Thông tin thưởng tết đang nóng lên từng ngày cùng với sự thấp thỏm của người lao động. Nhiều chuyên gia nhận định mức thưởng năm nay khó có thể cao hơn năm trước. Như vậy, nếu tính theo sức mua thực tế của đồng tiền so sánh giữa năm 2009 và năm nay thì khoản thưởng này bị giảm đi.

Hơn 3.400 công nhân công ty Agrifish An Giang đón nhận thông tin tiền thưởng tết năm nay như năm trước mà lẽ ra, như lời ông Nguyễn Văn Ký, tổng giám đốc Agrifish An Giang, “trong điều kiện giá cả leo thang như hiện nay, tiền thưởng cuối năm phải tăng chứ không thể bằng năm ngoái”. 

Giữ đúng hai khoản thưởng theo thoả ước lao động tập thể, công ty Soncamedia hỗ trợ thêm tiền về xe tết cho khoảng 20% số lao động có thu nhập thấp.

Mức thưởng dự kiến

Tình hình lạc quan hơn ở công ty cổ phần may Hưng Yên. Ông Nguyễn Xuân Dương, chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc công ty này cho biết, mức thưởng bình quân cho mỗi người lao động cả tết dương lịch và âm lịch là sáu triệu đồng, tương đương hai tháng lương bình quân. “Tuy nhiên, có những công ty con mức thưởng bình quân còn cao hơn, như ở công ty may Hưng Long bình quân thưởng là 10 triệu đồng/người”, ông Dương nói. Với khoảng 11.000 lao động, công ty này sẽ chi khoảng 66 tỉ đồng cho khoản thưởng tết.

Nhiều doanh nghiệp đến giờ này vẫn chưa tính toán mức thưởng cho người lao động. Ông Trương Chí Thiện, giám đốc công ty Vĩnh Thành Đạt (TP.HCM) cho biết, đến thời điểm này vẫn chưa nghĩ đến chuyện sẽ thưởng tết bao nhiêu cho công nhân vì đang phải lo... hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm. “Giá cả đầu vào năm nay biến động qua từng tháng khiến doanh nghiệp hụt hơi. Doanh số thì đạt nhưng lợi nhuận thì bị thâm hụt thấy rõ nên tiền thưởng cũng khó mà cao hơn năm rồi”, ông Thiện phàn nàn.

Chính vì sự chậm trễ trên mà các sở Lao động – thương binh và xã hội vẫn đang đốc thúc doanh nghiệp báo cáo chuyện lương thưởng năm nay. Mới nhất, sở Lao động – thương binh và xã hội tỉnh Khánh Hoà công bố mức thưởng được 132 doanh nghiệp báo cáo cao nhất là 71 triệu đồng và thấp nhất là 30.000 đồng. Cao hơn, sở Lao động – thương binh và xã hội Đà Nẵng cũng công bố mức thưởng do 131 doanh nghiệp báo cáo, cao nhất là 244,3 triệu đồng/người và thấp nhất là 500.000 đồng/người.

Theo nhận định của bà Tống Thị Minh, vụ trưởng vụ Lao động – tiền lương thuộc bộ Lao động – thương binh và xã hội, mức lương thưởng tết năm nay khó cao hơn năm ngoái. “Nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu bằng ngoại tệ giữ được mức lương, thưởng tết như năm ngoái đã là thành công”, bà Minh nói. Báo cáo của bộ này cuối năm 2009 cho biết, mức thưởng bình quân của người lao động là 1,85 triệu đồng/người và mức lương bình quân là 2,84 triệu đồng/tháng.

Bằng năm trước nghĩa là giảm

Bà Minh thừa nhận, nếu so sánh với mức độ trượt giá thì mức lương, thưởng năm nay nếu bằng năm trước thì đời sống của người lao động đã bị giảm sút.

Vào tháng 7 và tháng 8 vừa qua, hai tổ chức phi chính phủ là Actionaids và Oxfam đã thực hiện một cuộc khảo sát nhỏ ở một số địa điểm tại Hải Phòng, Hà Nội và TP.HCM cho thấy đời sống của lao động nhập cư đang giảm sút thực sự. Tổng chi tiêu hàng tháng của công nhân tăng dần kể từ ba năm trở lại đây. Cụ thể, năm 2010, mức chi tiêu của công nhân là 2,18 triệu đồng/tháng, tăng 17% so với năm 2009. Trong khi đó, mức thu nhập của công nhân tính cả tăng lương chỉ tăng dưới 10%. Khoản chi phải tăng lớn nhất với công nhân là tiền thuê nhà, nếu năm 2009 tiền thuê nhà chỉ chiếm 14% tổng chi hàng tháng thì năm nay đã tăng lên 17%.

Khi hỏi về tiền thưởng cuối năm, ông Đỗ Xuân Lâm, người có thâm niên hơn năm năm làm việc tại công ty Đông Á, khu chế xuất Tân Thuận cười khẩy: “Đừng nghĩ đến tiền thưởng làm gì cho thêm buồn. Năm nào cũng vậy, công ty thưởng đúng một tháng lương. Đó là lao động tốt. Không ít người chẳng nhận được đồng nào vì bị xếp loại C, loại D, thậm chí E”. Còn Minh, công nhân may công ty Place nói, mấy tháng gần đây, cánh bạn đồng nghiệp cùng phòng của cô đứa nào cũng bị tiêu trước thiếu sau vì tiền lương không đủ bù hàng hoá tăng giá. Quê Minh ở Thanh Hoá, dành dụm cả năm được dăm triệu tính tết này về quê, nhưng vừa rồi chị phải “ném” sạch vào tiền viện phí sau đợt sốt siêu vi dài ngày. “Công ty vừa thông báo thưởng tết một tháng lương, vậy là được 3 triệu, không đủ tiền vé xe hai lượt chứ nói chi đến mua sắm!”, Minh rầu rầu. Năm ngoái, vé xe cận tết là 1,2 triệu đồng/lượt, nhưng nay nhà xe thông báo tăng lên hơn 1,6 triệu đồng.

Cách mà đa số công nhân lựa chọn, theo kết quả khảo sát của hai tổ chức trên, là cắt các khoản chi tiêu. Cụ thể, có tới 69% công nhân cắt khoản mua sắm quần áo, 63% cắt khoản chi cho đi chơi, giải trí, 41% giảm chi cho ăn uống hàng ngày và 27% cắt các khoản mua sắm cá nhân khác.

Với ông Đỗ Văn Thọ, nhân viên bảo vệ nhà máy điện Hiệp Phước (Nhà Bè, TP.HCM), khoản thưởng tết năm nay của ông là 2,8 triệu đồng sẽ được sử dụng để mua bồn inox lắng nước sông dùng cho sinh hoạt gia đình. Ông nói: “Ở Nhà Bè, nhiều khu vực chưa có nước máy nên người dân phải mua bồn, múc nước sông lên lắng lấy nước ăn”. Lẽ ra ông đã thực hiện được dự tính trên nếu giá bồn loại 1.000 lít không tăng thêm 300 ngàn đồng mỗi cái. “Giá chót cũng trên 3 triệu đồng” – ông ngậm ngùi nói.

Theo SGTT