“Thắp sáng ước mơ thanh niên hoàn lương”
Thành đoàn Thủ Dầu Một vừa phối hợp với Công an TP.Thủ Dầu Một tổ chức diễn đàn “Thắp sáng ước mơ thanh niên (TN) hoàn lương”. Tại diễn đàn, lãnh đạo thành phố cùng đại diện các ban, ngành, tổ chức liên quan đã có dịp lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của TN; đồng thời có những chia sẻ, phân tích, khuyên răn, định hướng cho TN chậm tiến tìm hướng đi mới tươi sáng hơn cho tương lai.
(BDO)
Thanh niên hoàn lương phát biểu tâm tư, nguyện vọng tại diễn đàn
Mong muốn một lối đi tươi sáng
“Năm học lớp 10, do nghe lời thách thức của bạn bè, tôi đã bỏ học sa vào con đường ăn chơi, quậy phá, tụ tập đánh nhau gây rối trật tự nơi công cộng. Hình phạt dành cho tôi là những ngày tháng đi cải tạo. Hiện nay, tôi đã chấp hành xong án phạt, khi trở về tôi đang kiếm sống bằng công việc làm thuê, không có thu nhập ổn định. Tôi chỉ mong có thể tiếp tục con đường học tập của mình để ít nhất là có tấm bằng tốt nghiệp THPT để tìm công việc ổn định hơn, liệu có chính sách nào giúp đỡ những thanh niên từng lầm lỡ như tôi hay không”. Đó là những chia sẻ của Lê Thanh T., một TN từng lầm lỗi ở phường Phú Tân tại diễn đàn.
Còn anh Lê Minh Đ. (phường Phú Hòa) thì đặt câu hỏi: “Tôi bị phạt tù 2 năm vì tội trộm cắp tài sản, tôi đã chấp hành xong tất cả các quyết định của bản án và được tái hòa nhập vào cộng đồng vào tháng 1-2018. Như vậy, thời gian được xóa án tích của tôi là bao lâu? Nếu tôi tham gia tích cực vào các hoạt động tại địa phương, giúp ích cho xã hội thì có được giảm thời gian không? Các thủ tục, quy trình thực hiện như thế nào?”. Hay anh Lê Kim T. (phường Phú Hòa) lại đặt vấn đề muốn vay vốn kinh doanh làm lại cuộc đời, có thể vay ở đâu, thủ tục thế nào, số vốn tối đa được vay là bao nhiêu…?
Cùng với đó, dù vẫn còn e dè, xin được giấu tên, một số TN cũng đã trình bày mong muốn của mình qua những dòng chữ gửi đến Ban tổ chức, đó là về các vấn đề như: Địa chỉ học nghề cho đối tượng TN hoàn lương, sau cai nghiện; những doanh nghiệp tiếp nhận và tạo điều kiện để những người lầm lỡ có được công việc ổn định; TN hoàn lương liệu có được tham gia vào lực lượng dân quân tự vệ; những mô hình của tổ chức Đoàn chăm lo cho TN lầm lỡ hòa nhập cộng đồng hay không...?
Nhiều hình thức giúp đỡ TN hoàn lương
Sau khi tiếp thu các ý kiến của các TN tham gia chương trình, đại diện các ngành, các cấp đã có những câu trả lời, những hướng gợi mở cho TN. Ông Nguyễn Bá Phương, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho biết: “Hiện nay, chính sách cho TN vay vốn phát triển kinh tế không phân biệt các đối tượng. Hình thức cho vay thông qua hộ gia đình, nếu hộ gia đình có một người đang thất nghiệp sẽ được vay 50 triệu đồng, nếu 2 người đang thất nghiệp sẽ được vay 100 triệu đồng và không cần thế chấp tài sản. Như vậy, TN có thể nhờ gia đình liên hệ với địa phương mình sinh sống để vay vốn làm ăn...”.
Đối với việc dạy nghề cho đối tượng TN tái hòa nhập cộng đồng, ông Lê Thành Mên, Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội TP.Thủ Dầu Một chia sẻ: “Hiện chưa có trường riêng dạy nghề cho TN tái hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, hàng năm chúng tôi vận động các bạn khi chấp hành án phạt trở về địa phương thì đăng ký với địa phương để chúng tôi nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các bạn, giới thiệu đến với những trường dạy nghề, lớp dạy nghề. Tuy nhiên, nhiều bạn còn e dè nên số lượng đăng ký rất ít. Qua đây, chúng tôi mong các bạn hãy bỏ qua mặc cảm, mạnh dạn hòa nhập với cộng đồng. Chúng tôi luôn sẵn sàng giúp đỡ các bạn”...
Chị Trần Thị Diễm Trinh, Phó Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: “Công tác cảm hóa, giúp đỡ TN hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng là nhiệm vụ quan trọng của Đoàn. Trong nhiều năm qua, các cơ sở Đoàn đã phối hợp cùng lực lượng công an, các ban ngành, đoàn thể địa phương đã có những mô hình, việc làm thiết thực để vận động, giúp đỡ TN hoàn lương trở nên tiến bộ như tuyên truyền, phổbiến, giáo dục pháp luật thông qua các kênh thông tin của Đoàn được thực hiện thường xuyên qua chuyên trang báo Bình Dương thứ bảy với các tin, bài, phóng sự phản ánh tình hình an ninh trật tự trên địa bàn; chuyên mục Tuổi trẻ và pháp luật trên Trang thông tin điện tử tổng hợp Tỉnh đoàn; các chương trình phát thanh thanh niên, chương trình truyền hình “Tuổi trẻ Bình Dương” phát sóng hàng tuần trên sóng phát thanh và Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Dương... Tỉnh đoàn còn phối hợp tổ chức chương trình “Thắp sáng ước mơ TN hoàn lương”, qua đó góp phần động viên tinh thần vươn lên của những TN lầm lỡ, trở về gia đình, địa phương, có những đóng góp tích cực cho xã hội”.
Cũng theo chị Trinh, bên cạnh đó các mô hình hoạt động hỗ trợ TN hoàn lương từ tỉnh đến cơ sở luôn được quan tâm, đổi mới với nhiều hình thức đa dạng phong phú qua các Câu lạc bộ (CLB) Thắp sáng niềm tin, CLB Bạn giúp bạn, CLB Vì tương lai, Nhóm bạn cùng tiến, Nhóm đồng đẳng... cùng với các hoạt động tập huấn kỹ năng tuyên truyền, vận động TN trở thành người có ích. Qua đó, nhiều TN hoàn lương đã vượt qua trở ngại cuộc sống, quyết tâm học nghề để có việc làm ổn định, tích cực tham gia các phong trào tại địa phương.
Anh Lê Tuấn Anh, Bí thư Thành đoàn Thủ Dầu Một, cho biết việc tổ chức diễn đàn lần này nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ sở Đoàn - Hội, các tổ chức thành viên của Hội LHTN để cùng quan tâm, chia sẻ, phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể trong việc định hướng việc làm, hỗ trợ các chính sách; xây dựng môi trường thuận lợi, tạo điều kiện cho TN chậm tiến vươn lên. Đồng thời, diễn đàn nhằm trao đổi để nâng cao hiệu quả công tác xây dựng các mô hình giáo dục, giúp đỡ TN hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng. Thông qua buổi gặp mặt, đối thoại, Thành đoàn mong muốn nắm chắc những tâm tư, nguyện vọng, giải đáp những thắc mắc, tháo gỡ những khó khăn của TN, uốn nắn những biểu hiện, suy nghĩ còn lệch lạc, sai trái. Qua đó, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, kỹ năng ứng xử pháp luật trong đời sống của thanh thiếu niên; nâng cao tinh thần, trách nhiệm của từng thanh thiếu niên trong học tập, sinh hoạt và thực hiện nghĩa vụ của người công dân với bản thân, gia đình và xã hội.
NGỌC NHƯ