Thắp sáng quá khứ, rạng ngời tương lai
(BDO) Trong những ngày hội thơ Nguyên tiêu Giáp Thìn 2024 vừa qua, văn nghệ sĩ Bình Dương và công chúng yêu thơ đã có dịp “hòa âm cùng đất nước” với những mạch thơ vui tươi đầy phấn khởi. Qua đó, mọi người đã có dịp bày tỏ lòng tôn vinh những giá trị của thơ ca trong thời gian qua và kỳ vọng sự phát triển, đổi mới của thơ ca trong thời gian tới.
Nhiều CLB thơ ca trong tỉnh về chung vui trong Ngày thơ “Nguyên tiêu nhớ Bác” tại Trung tâm Văn hóa tỉnh
Văn chương thắp sáng quá khứ
Những thành tựu của khoa học công nghệ đã và đang làm cho thế giới văn minh hơn, giúp con người sản xuất ra nhiều của cải vật chất hơn và mang lại cho con người nhiều tiện ích hơn trong cuộc sống. Vì thế, có một số người cho rằng văn học đang bị các loại hình giải trí lấn lướt. Tuy nhiên, nhiều người vẫn khẳng định ưu thế, giá trị của văn học không dễ dàng thay thế.
Thực tế cho thấy rằng, văn học vẫn có vị thế riêng trong đời sống tinh thần nhân loại mà khó có bộ môn nghệ thuật nào có thể thay thế. Gần đây, văn học cũng đã có những bước chuyển mình rất đáng chú ý, thích ứng với những vấn đề đương đại đặt ra như tính giải trí, tính đa phương tiện, tính tiếp nhận tức thời, cái nhìn hữu hình, khả năng tương tác với bạn đọc...
Theo ông Phạm Ngọc Toàn, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Thơ Việt Nam tỉnh, thơ ca đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa của người Việt. Có thể nói, dân tộc Việt Nam là một dân tộc sính thơ, yêu thơ. Dường như trong đời mỗi người, ai cũng có lần nói vần, làm thơ, làm vè. Trong lịch sử dân tộc, nhiều vị vua, vị tướng tài ba cũng là những nhà thơ có tác phẩm kinh điển, thể hiện khí phách và tấm lòng yêu nước trung trinh. Suốt ngàn năm trận mạc, đất nước đã xuất hiện những danh nhân “làm thơ và đánh giặc” tài ba, như: Lý Thường Kiệt, Trần Nhân Tông, Trần Quang Khải, Nguyễn Trãi…
Cũng như các địa phương trong cả nước, Bình Dương là vùng quê giàu truyền thống cách mạng, có nhiều đóng góp cho nền văn hóa của dân tộc với nhiều nhà văn hóa lớn. Trong những danh nhân văn hóa là người Bình Dương, có nhiều vị là thi sĩ, nhiều vị là nhà quân sự, nhà chính trị chỉ lấy thơ làm công cụ để thể hiện chí khí, bản lĩnh nhưng tác phẩm của họ lại sống mãi với thời gian. Với tư cách là nhà thơ, các danh nhân Bình Dương đã góp phần làm nên diện mạo, bản sắc văn hóa miền Đông Nam bộ. Tiêu biểu như tên tuổi thi tướng Huỳnh Văn Nghệ mãi là ngôi sao sáng trên bầu trời văn học của nước nhà.
Chuyển mình làm rạng tương lai
Để phát huy truyền thống văn hóa cách mạng của địa phương, những năm qua, Bình Dương đã có nhiều chỉ đạo phát triển văn hóa, văn học nghệ thuật. Các văn nghệ sĩ cũng ngày càng có nhiều tác phẩm tốt phục vụ nhân dân, phục vụ công cuộc đổi mới.
“Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các nhà thơ, hội viên CLB Thơ Việt Nam tỉnh nói riêng, văn nghệ sĩ tỉnh nhà nói chung đã tích cực sáng tạo để cho ra đời những tác phẩm có giá trị. Trong những năm qua, đã có hàng trăm tập thơ được xuất bản, hàng ngàn bài thơ được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng. CLB Thơ Việt Nam tỉnh ngày càng được củng cố về tổ chức, số lượng hội viên ngày một gia tăng. Năm nào đơn vị cũng tổ chức Ngày Thơ Việt Nam, thu hút được sự chú ý của công luận, góp phần động viên tinh thần yêu thơ, tính nhân văn trong mỗi con người”, ông Phạm Ngọc Toàn chia sẻ thêm.
Trong đêm thơ nhạc “Thanh âm Bình Dương - Hòa âm cùng đất nước”, các bài thơ “Áo mới Bình Dương” của Nguyễn Văn Ân, “Thủ Dầu Một” của Lê Minh Vũ, “Xuân vĩnh cửu” của Nguyễn Minh Ngọc Hà, “Mầm xuân” của Kim Loan, “Tân Uyên một khúc tình thơ” của Lê Tiến Mợi, “Cộng cảm trước mùa xuân” của Nguyễn Quế... với những ý thơ giàu cảm xúc đã khơi gợi tình yêu quê hương xứ sở, nhắc nhớ những ký ức một thời gian khó, một thời anh dũng, hào hùng của ông cha và tinh thần đổi mới, vững một niềm tin vào tương lai, sự phát triển của quê hương, đất nước.
Những bước chuyển mình đáng kể để thích nghi với nền văn minh số của văn học gần đây như sự ra đời của bộ phận văn học mạng (bộ phận văn học hoàn toàn được viết và đọc trên mạng) cho thấy một tương lai đầy hứa hẹn. Văn học viết truyền thống trở nên ngắn gọn hơn, quan tâm tới thị hiếu bạn đọc hơn, với tính giải trí được tăng cường. Văn học mạng được viết, chu chuyển, đọc hoàn toàn trên nền tảng mạng. Văn bản văn học mạng trở thành siêu văn bản với những file âm thanh, hình ảnh, link nối kết website, địa chỉ email... Bạn đọc được phép tương tác, được trò chuyện trực tiếp với tác giả. Văn bản được viết trong tinh thần của đối thoại và tương tác.
THỤC VĂN