“Tháo nút thắt” các công trình đầu tư công

Thứ tư, ngày 29/06/2022

(BDO) Giá trị giải ngân thấp

Trong 6 tháng đầu năm 2022, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thường xuyên, quyết liệt, sâu sát, đề ra các giải pháp nhằm nâng cao trách nhiệm, vai trò của thủ trưởng các các cơ quan, đơn vị, chủ đầu tư; phối hợp nghiên cứu, triển khai các dự án giao thông kết nối, liên kết vùng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; thành lập các tổ công tác theo dõi, chỉ đạo triển khai thực hiện một số dự án giao thông trọng điểm do các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực UBND tỉnh trực tiếp làm tổ trưởng; tổ chức họp giao ban định kỳ với các đơn vị chủ đầu tư để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 .

So với các địa phương trong vùng Đông Nam bộ, tỷ lệ giải ngân của tỉnh xếp thứ 2, sau tỉnh Tây Ninh, tuy nhiên vẫn thấp so bình quân cả nước (25,78%). Tính đến ngày 15-6, khối lượng thực hiện hơn 2.484 tỷ đồng, giá trị giải ngân 2.190 tỷ đồng (tăng 12% so với cùng kỳ năm 2021), đạt 24,6% kế hoạch (cùng kỳ đạt 14,7% kế hoạch). Ước giá trị giải ngân cả năm là 7.624 tỷ đồng, đạt 85,6% kế hoạch.

Dự án xây dựng cầu bắc qua sông Đồng Nai (cầu Bạch Đằng 2) hiện còn vướng giải tỏa đề bù, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện

Ông Phạm Trọng Nhân, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết mặc dù ngay từ đầu năm các cấp, các ngành đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, song tỷ lệ giải ngân của tỉnh đến nay chưa đạt được kỳ vọng, thấp hơn mức bình quân của cả nước. Lượng vốn chưa giải ngân khá lớn, tập trung ở các công trình, dự án trọng điểm, áp lực giải ngân trong những tháng còn lại là rất lớn để hoàn thành được mục tiêu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo.

Lý giải về những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc giải ngân vốn đầu tư công chậm trong những tháng đầu năm, ông Phạm Trọng Nhân cho biết thời gian qua tỉnh đã gặp những khó khăn, vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, chủ đầu tư chưa chuẩn bị tốt khâu chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án ngay từ cuối năm trước. Giá nguyên vật liệu, nhân công tăng cao so với dự toán được phê duyệt nên việc tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công của các chủ đầu tư gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, văn bản pháp lý liên quan đến đầu tư xây dựng thường xuyên thay đổi, khi lập dự án, thiết kế dự toán phải cập nhật lại các chi phí theo quy định mới.

Tại TP.Thuận An, tính riêng quý I-2022, khối lượng thực hiện chỉ đạt 1,97% so với kế hoạch vốn năm 2022. Ông Nguyễn Xuân Khôi, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP.Thuận An, cho biết 6 tháng đầu năm 2022, khối lượng thực hiện và giá trị cấp phát vốn đầu tư công của thành phố đạt rất thấp so với kế hoạch đề ra. Nguyên nhân do thời gian qua các chủ đầu tư tập trung thi công khối lượng các dự án chuyển tiếp từ năm 2021 để thanh toán phần vốn đã được tạm ứng và thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư. Ngoài ra, một số khó khăn vướng mắc, như trong quá trình triển khai dự án, công tác đền bù giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn dẫn đến các dự án khó có thể triển khai theo kế hoạch.

Ông Nguyễn Xuân Khôi cho biết thêm, theo quy định, thu hồi đất nào bồi thường đất đó, nếu không có đất thì bồi thường bằng tiền. Vì vậy, người có đất bị thu hồi luôn yêu cầu được bồi thường bằng đất, trong khi địa phương không có quỹ đất để bồi thường theo nguyện vọng của tất cả các hộ dân, trừ một số trường hợp cá biệt đất thu hồi diện tích lớn hoặc cơ sở kinh doanh, thành phố cố gắng bồi thường một phần diện tích đất để tái tạo lại cơ sở sản xuất. Quỹ đất dành cho tái định cư cũng hạn chế.

Tập trung “tháo nút thắt”

Trong năm 2022, tỉnh có 41 danh mục công trình trọng điểm, được bố trí tổng vốn là 4.858 tỷ đồng (bao gồm vốn kế hoạch năm 2021 kéo dài). Tính đến ngày 15-6, khối lượng thực hiện là 1.144 tỷ đồng, giá trị giải ngân đạt 464,8 tỷ đồng, đạt 9,6% tổng kế hoạch vốn trong năm. Ước giá trị giải ngân cả năm là 3.884 tỷ đồng, đạt 80% kế hoạch.

Dự án xây dựng cầu bắc qua sông Đồng Nai (cầu Bạch Đằng 2) là một trong những dự án trọng điểm của tỉnh có tổng mức đầu tư hơn 490 tỷ đồng. Hiện đơn vị thi công đã triển khai thi công cầu tạm đến trụ T2 phục vụ thi công, gia công thép, đổ bê tông cọc khoan nhồi 10/14 cọc trụ T1 phía Bình Dương. Hiện dự án đang vướng giải tỏa đền bù. Về phía Đồng Nai đang chuẩn bị các thủ tục về giải phóng mặt bằng. Tính từ đầu năm đến nay, khối lượng thanh toán thực hiện dự án là 5,88 tỷ đồng; nghiệm thu 4,2 tỷ đồng; tạm ứng, thanh toán 3,687 tỷ đồng.

Chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc, ông Vương Thế Hùng, Giám đốc Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh, cho biết: “Dự án nằm giữa 2 tỉnh nên quá trình triển khai, giải phóng mặt bằng còn chậm so với kế hoạch. Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh đã đề xuất, kiến nghị UBND TX.Tân Uyên và UBND huyện Vĩnh Cửu (tỉnh Đồng Nai) chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất địa phương đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để sớm có mặt bằng bàn giao”.

Dự án nâng cấp, mở rộng đường ĐT746 đoạn từ ngã ba Tân Thành đến ngã ba Hội Nghĩa có tổng mức đầu tư hơn 1.499 tỷ đồng. Đến nay, dự án vẫn chưa hoàn thành do còn vướng giải tỏa đền bù. Theo Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh, Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh dự kiến chi giải phóng mặt bằng vào cuối tháng 12-2022.

Trong 6 tháng cuối năm 2022, UBND tỉnh chỉ đạo tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các ngành, các địa phương trong chỉ đạo tháo gỡ các “nút thắt” trong giải ngân vốn đầu tư công, nhất là vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng; dốc toàn lực đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm. Các sở, ngành, theo chức năng nhiệm vụ của mình ưu tiên, tập trung nguồn lực cho công tác đầu tư công, rút ngắn thời gian thẩm định, trình phê duyệt. Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp với chủ đầu tư, UBND cấp huyện để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; trường hợp vượt thẩm quyền thì kịp thời báo cáo, đề xuất cấp thẩm quyền xem xét giải quyết.q

- Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: “UBND các huyện, thị, thành phố phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát lại các quỹ đất hiện có, dự báo để chủ động xây dựng các khu tái định cư phục vụ cho các công trình, dự án đầu tư công trên địa bàn. Ban Chỉ đạo công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư các công trình trên địa bàn tỉnh tham mưu để UBND tỉnh kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc về bồi thường, giải phóng mặt bằng; thường xuyên kiểm tra, giám sát và có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp kéo dài thời gian thực hiện dự án do nhà thầu hoặc đơn vị tư vấn năng lực yếu kém”.
 -Bà Nguyễn Trường Nhật Phượng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh: “Đầu năm 2022 HĐND tỉnh đã tổ chức 2 đoàn giám sát các công trình trọng điểm. Qua giám sát HĐND tỉnh đã nắm rõ nguyên nhân, hạn chế và đề xuất, kiến nghị giải pháp khả thi tháo gỡ “nút thắt”. Thời gian tới, Thường trực H ĐND tỉnh không chỉ tổ chức giám sát các dự án đầu tư công mà sẽ tái giám sát để kiểm tra tình hình thực hiện của các đơn vị. Những trường hợp nhà đầu tư cố tình kéo dài, không thực hiện dự án, chúng tôi sẽ đề nghị thực hiện theo đúng quy định pháp luật là sẽ thu hồi”.

PHƯƠNG LÊ - HÀ KHÁNH

Từ khóa: