Thảo luận tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII: Bảo đảm tốt hơn quyền con người trong các lĩnh vực đời sống dân sự

Thứ ba, ngày 28/10/2014

Ngày 27-10, thảo luận tại hội trường, các đại biểu Quốc hội đã tập trung vào Bộ luật Dân sự (sửa đổi), dự thảo Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) và dự thảo Luật tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân (sửa đổi)… Nhiều ý kiến đóng góp xác đáng, đáp ứng theo yêu cầu thực tiễn đặt ra.

(BDO)

 Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Nguyễn Sơn phát biểu ý kiến

 Bảo đảm tốt hơn quyền con người

Sáng 27-10, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe Tờ trình về dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi) và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).

Tờ trình dự án Luật do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày nêu rõ Bộ luật Dân sự năm 2005 sau hơn 9 năm thi hành đã có tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như đối với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội được hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm của chủ thể trong các lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động...

Tuy nhiên, bước sang giai đoạn phát triển mới của đất nước, trước yêu cầu thể chế hóa Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI, Nghị quyết số 48-NQ/ TW của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; đặc biệt là yêu cầu về công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân, về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013 thì Bộ luật Dân sự hiện hành đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập cần được sửa đổi.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết việc sửa đổi, bổ sung lần này nhằm xây dựng Bộ luật Dân sự thực sự trở thành luật chung của hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ xãhội được hình thành trên nguyên tắc tự do, tự nguyện, bình đẳng và tự chịu trách nhiệm giữa các bên tham gia; ghi nhận và bảo vệ tốt hơn các quyền của cá nhân, pháp nhân trong giao lưu dân sự; góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, ổn định môi trường pháp lý cho sự phát triển kinh tế - xã hội sau khi Hiến pháp năm 2013 được ban hành.

Dự án Bộ luật Dân sự đã thể chế hóa đầy đủ, đồng thời tăng cường các biện pháp để công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân trong các lĩnh vực của đời sống dân sự, cũng như những tư tưởng, nguyên tắc cơ bản của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa về quyền sở hữu, quyền tự do kinh doanh, quyền bình đẳng giữa các chủ thể thuộc mọi hình thức sở hữu và thành phần kinh tế đã được ghi nhận trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI, Nghị quyết số 48-NQ/ TW, Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị và đặc biệt là trong Hiến pháp năm 2013.

Dự thảo Bộ luật có tổng số 710 điều, được bố cục thành 6 phần, 29 chương. So với Bộ luật Dân sự năm 2005, dự thảo Bộ luật giữ nguyên 265 điều, sửa đổi 298 điều, bổ sung 174 điều, bãi bỏ 147 điều. Bộ luật Dân sự quy định về những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, địa vị pháp lý, chuẩn mực pháp lý về cách ứng xử của cá nhân, pháp nhân; quyền, nghĩa vụ về nhân thân và tài sản của cá nhân, pháp nhân trong các quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và các quan hệ khác hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm của các chủ thể tham gia quan hệ.

Việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Dân sự không chỉ nhằm giải quyết những vấn đề vướng mắc, tồn tại, đáp ứng được các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội mà điều quan trọng hơn là phải phản ánh, bảo vệ và phát huy được giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xây dựng Bộ luật Dân sự trở thành luật chung của hệ thống pháp luật liên quan đến các quan hệ dân sự, kinh tế, thương mại, góp phần bảo đảm tính ổn định, bền vững của các quan hệ xã hội trên cơ sở kế thừa, phát triển pháp luật dân sự Việt Nam.

Tăng cường vai trò, trách nhiệm của Viện Kiểm sát nhân dân

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, chiều 27-10, các đại biểu đã thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân (sửa đổi). Đa số các đại biểu đánh giá cao ban soạn thảo đã tiếp thu nghiêm túc và bổ sung các ý kiến đóng góp của đại biểu tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII và cho rằng dự án Luật sẽ khắc phục cơ bản những khó khăn vướng mắc, bất cập của luật hiện hành; tạo điều kiện cho Viện Kiểm sát nhân dân thực hiện tốt nhiệm vụ, chức năng theo quy định tại Hiến pháp 2013.

Về thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát quân sự Trung ương, các đại biểu cơ bản thống nhất với quy định giao cho cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân thẩm quyền điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp và tội phạm tham nhũng xảy ra trong hoạt động tư pháp. Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng cần bổ sung thêm quy định giao cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát nhân dân về điều tra các tội phạm khác, phù hợp với chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện Kiểm sát nhân dân.

Một số đại biểu phân tích, qua công tác đấu tranh phòng chống tội phạm cho thấy hành vi vi phạm về chức vụ quyền hạn cũng là nguyên nhân trực tiếp làm phát sinh tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp. Bên cạnh đó, còn có các vi phạm như: Cố ý làm lộ bí mật công tác; đưa hối lộ; lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi... Vì vậy, đại biểu đề nghị dự án Luật cần quy định: Cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát quân sự Trung ương điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm về tham nhũng, tội phạm về chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc Cơ quan điều tra, Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan thi hành án, người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp; điều tra hoạt động của các cơ quan tư pháp khác khi phát hiện oan sai, bỏ lọt tội phạm trong quá trình điều tra.

Nhiều đại biểu Quốc hội còn thể hiện sự băn khoăn đối với quy định về chức năng thực hành quyền công tố và chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp. Dự án Luật nên quy định Viện Kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố “ngay từ khi quá trình tội phạm xảy ra và trong suốt quá trình điều tra, truy tố xét xử” để phù hợp với chức năng của Viện Kiểm sát và việc đấu tranh phòng chống tội phạm. Không tán thành quy định của dự án Luật, đại biểu Phạm Trường Dân (Quảng Nam) nhận định: Quyền công tố của Viện Kiểm sát là hoạt động đưa bị can ra truy tố và buộc tội bị cáo trước tòa. Vì vậy, việc quy định quyền công tố của Viện Kiểm sát nhân dân được thực hiện ngay từ khi “giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và trong suốt quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự” là chưa phù hợp với quy định của Điều 107 Hiến pháp 2013; chồng chéo với hoạt động của cơ quan điều tra. Đại biểu đề nghị không đưa nội dung này vào dự án Luật.

Không nên giao cho bất cứ cơ quan nào khác ngoài cơ quan điều tra trong việc kiểm tra, xác minh tin báo tội phạm. Bên cạnh đó, việc Viện Kiểm sát nhân dân vừa trực tiếp tiến hành công tố, vừa thực hiện việc kiểm tra, xác minh sẽ không bảo đảm khách quan. Viện Kiểm sát nhân dân nên là chủ thể kiểm sát hoạt động của cơ quan điều tra trong quá trình xác minh hoạt động tố giác, tin báo tội phạm... để thực hiện quyền công tố, đại biểu Phạm Trường Dân nhấn mạnh.

Cho ý kiến về thẩm quyền khởi tố vụ án dân sự của Viện Kiểm sát nhân dân, đại biểu Hà Công Long (Gia Lai) cho rằng việc thực hiện thẩm quyền này là cơ chế pháp luật hữu hiệu để bảo đảm Viện Kiểm sát nhân dân thực hiện được trách nhiệm bảo vệ Hiến pháp, pháp luật; bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất. Tán thành với ý kiến trên, các đại biểu Nguyễn Bích Nhiệm (Yên Bái), Vũ Xuân Trường (Nam Định), Lê Nam (Thanh Hóa), Hồ Văn Năm (Đồng Nai)... khẳng định: Việc giao thẩm quyền khởi tố vụ án cho Viện Kiểm sát nhân dân sẽ góp phần bảo vệ lợi ích nhà nước, lợi ích công cộng, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất, tâm thần...

Trong buổi chiều, các đại biểu cũng dành thời gian thảo luận về số lượng Kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; về quy định tuổi nghỉ hưu của kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; về phân biệt giữa quyền kháng nghị và kiến nghị của Viện Kiểm sát nhân dân khi thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp...

B.T (theo Vietnam+)

Từ khóa: