Thảo luận tại Kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh Khóa IX: Đại biểu tập trung đóng góp ý kiến về chỉnh trang đô thị, hạ tầng giao thông...

Thứ sáu, ngày 09/12/2016

 Tiếp tục chương trình làm việc, sáng qua (8-12), kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh khóa IX đã bước vào ngày làm việc thứ 2. Tham dự kỳ họp có ông Trần Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; ông Phạm Văn Cành, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng các vị đại biểu HĐND tỉnh.

(BDO) Đại biểu Nguyễn Văn Lộc: “Trong thi công xây dựng các tuyến đường giao thông cũng nên tính toán kỹ lưỡng việc xây dựng hệ thống thoát nước hiệu quả”. Ảnh: Q.CHIẾN

 Đầu buổi làm việc, kỳ họp đã tiến hành xem xét các báo cáo thẩm tra của các ban HĐND tỉnh về các dự thảo nghị quyết. Theo đó, Ban Văn hóa - Xã hội trình bày báo cáo thẩm tra dự thảo nghị quyết quy định mức chi cho các hoạt động văn hóa, thể thao trên địa bàn tỉnh. Ban Pháp chế trình bày báo cáo thẩm tra về các dự thảo nghị quyết thuộc lĩnh vực pháp chế trình tại kỳ họp. Ban Kinh tế - Ngân sách trình bày báo cáo thẩm tra các dự thảo nghị quyết thuộc lĩnh vực kinh tế ngân sách; báo cáo các dự thảo nghị quyết về mức thu, quản lý và sử dụng phí, lệ phí thuộc thẩm quyền HĐND tỉnh. Thường trực HĐND tỉnh trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến đóng góp của đại biểu HĐND tỉnh tại cuộc họp tổ đại biểu về các nội dung trình kỳ họp và báo cáo giải trình thuộc thẩm quyền của Thường trực HĐND tỉnh. Theo đó, có 76 ý kiến được các đại biểu HĐND tỉnh đóng góp tại các tổ HĐND trước kỳ họp.

Tại ngày làm việc thứ 2, kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh khóa IX, thay mặt Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, ông Trần Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã phát biểu trước HĐND tỉnh và các vị đại biểu HĐND tỉnh về một số chủ trương, định hướng lớn đối với sự phát triển của tỉnh và hoạt động của HĐND tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh trong nhiệm kỳ mới; trao đổi một số vấn đề về những kết quả đạt được của tỉnh trong năm 2016 và định hướng cho năm 2017.

Theo đó, năm 2017 là năm thứ hai của nhiệm kỳ, với những kết quả bước đầu đạt được của năm 2016 và những khó khăn, thách thức trước mắt, đòi hỏi toàn Đảng bộ phải tiếp tục phấn đấu, quyết tâm chính trị cao hơn, tính toán kỹ lưỡng hơn và quyết liệt hơn nữa trong lãnh đạo, điều hành. Chủ trương, định hướng của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh trong năm 2017 là tập trung quyết liệt cho việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là các công trình, dự án trọng điểm, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tiếp tục xây dựng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực có chất lượng cao, phục vụ yêu cầu phát triển của tỉnh; đẩy mạnh huy động xã hội hóa trên các lĩnh vực bằng nhiều hình thức, phương pháp phù hợp, nhất là trong lĩnh vực văn hóa, xã hội; chú trọng triển khai thực hiện Đề án xây dựng Bình Dương trở thành thành phố thông minh theo kế hoạch; bảo đảm thực hiện nghiêm kế hoạch, lộ trình tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức toàn tỉnh theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị…

Với những điều kiện mới và trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới, ngoài sự nỗ lực vượt bậc của toàn hệ thống chính trị, sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả của HĐND tỉnh và các đại biểu HĐND tỉnh là rất quan trọng… Các đại biểu nghiên cứu và thảo luận để quyết định những nội dung liên quan đến vấn đề tài chính ngân sách và đầu tư công… Thường trực HĐND, các Ban HĐND, các Tổ đại biểu và đại biểu HĐND tỉnh tăng cường thực hiện chức năng giám sát trên các lĩnh vực. Qua đó có kiến nghị đối với chính quyền để kịp thời chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, điều hành của chính quyền các cấp. Mỗi đại biểu nắm chắc các chủ trương của tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 cũng như cả nhiệm kỳ, các chính sách, pháp luật của Nhà nước để tuyên truyền, vận động nhân dân, doanh nghiệp thực hiện và cùng đồng hành với Đảng bộ, chính quyền, quyết tâm ra sức thi đua phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ chung của Đảng bộ tỉnh; xây dựng Bình Dương trở thành đô thị loại I trước năm 2020 và thành phố thông minh trong tương lai.

Trong phiên làm việc sáng qua, các đại biểu HĐND tỉnh đã tham gia thảo luận tại hội trường các vấn đề quan tâm. Đã có 4 đại biểu tham gia phát biểu với 8 ý kiến về vấn đề: Chỉnh trang đô thị, phát triển nông nghiệp, kết cấu hạ tầng giao thông, giải quyết khiếu nại, tố cáo… Đại biểu Nguyễn Văn Lộc, chia sẻ: “Trong thời gian qua, Bình Dương là địa phương có tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa nhanh. Điều này đã tạo ra công ăn việc làm cho nhân dân, góp phần to lớn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng đã kéo theo những bất cập, trong đó có tình trạng ngập úng. Hiện nay, hàng ngàn hec-ta đất cao su, đất lúa, đất ruộng là nơi thấm nước trước đây đã được chuyển sang làm đất ở, đất sản xuất công nghiệp nên nguồn nước mưa, nước sinh hoạt dồn hết vào các khu vực đô thị, gây ra tình trạng ngập úng, làm cho đời sống sinh hoạt của nhân dân gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, tôi đề nghị, khi chúng ta phát triển công nghiệp cũng nên tính toán, chừa lại một phần diện tích đất xây dựng các hồ chứa nước để ngăn ngừa tình trạng ngập úng. Trong thi công xây dựng các tuyến đường giao thông cũng nên tính toán kỹ lưỡng việc xây dựng hệ thống thoát nước hiệu quả”. Ông Nguyễn Văn Lộc cũng chia sẻ thêm, trên địa bàn TX.Dĩ An tình trạng này cũng diễn ra, tỉnh và thị xã cũng đã tập trung giải quyết nhưng nếu không quyết liệt sẽ rất khó đạt kết quả cao. Trong đó còn có hậu quả của việc phát triển “nóng” đô thị là tình trạng phân lô bán nền. Các cấp, các ngành cũng đã vào cuộc giải quyết nhưng trong năm 2017, tỉnh và các sở, ngành chức năng cần tập trung hỗ trợ, phối hợp cùng TX.Dĩ An hơn nữa để giải quyết vấn đề này. TX.Dĩ An nếu giải quyết được vấn đề này thì sẽ có tác động tích cực đến TX.Thuận An, TX.Bến Cát, TX.Tân Uyên, TP.Thủ Dầu Một, bảo đảm cho tiến trình tiến lên đô thị văn minh, giàu đẹp, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân như mục tiêu đã đề ra.

Trong khi đó, đại biểu Phạm Văn Chánh nêu ý kiến: Hiện nay, thực hiện theo Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ huyện và theo chủ trương của tỉnh là định hướng đến năm 2020 Phú Giáo vẫn là huyện nông thôn, sản xuất nông nghiệp. Huyện ủy Phú Giáo đã ban hành chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020. Để thực hiện chương trình này, Huyện ủy Phú Giáo đã giao UBND huyện xây dựng quy hoạch phát triển vườn cây có múi dọc theo sông Bé nên đề nghị đưa vùng quy hoạch này của Phú Giáo vào phạm vi của chính sách hỗ trợ vườn cây ăn quả đặc sản theo tờ trình của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Qua đó, động viên người dân trên địa bàn huyện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tiếp tục nâng cao thu nhập của người dân để từ đó địa phương có thêm những nguồn lực để phát triển, góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết của Đảng bộ huyện, chủ trương của tỉnh.

Về lĩnh vực giao thông, đại biểu Nguyễn Phương Linh cho rằng, hàng năm cần phải thực hiện tốt chính sách bảo trì hệ thống giao thông để bảo đảm kết cấu cũng như an toàn giao thông. Nhiều tuyến đường, sau khi thi công xong, hoàn thành dự án, chủ đầu tư ít quan tâm đến vấn đề này; vì vậy cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chủ đầu tư và đơn vị thi công để phát huy cao nhất hiệu quả sử dụng của các công trình giao thông...

Cũng trong buổi làm việc, kỳ họp đã tiến hành miễn nhiệm chức danh ủy viên UBND tỉnh khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Phạm Trọng Nhân do chuyển công tác làm Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chuyên trách; đồng thời tiến hành bầu bổ sung ông Võ Văn Lượng, Chánh Văn phòng UBND tỉnh làm Ủy viên UBND tỉnh khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021.

NHÓM P.V CHÍNH TRỊ

 

Từ khóa: