Tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các công trình điện
(BDO) Hơn 70% sản lượng điện thương phẩm tại Bình Dương phục vụ lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Dự báo năm 2023, với đà phục hồi sản xuất, kinh doanh, sản lượng điện thương phẩm của tỉnh sẽ tăng trưởng thêm hơn 1,8%. Để bảo đảm nguồn điện phục vụ sản xuất công nghiệp cũng như sinh hoạt, năm 2023 tại Bình Dương sẽ thực hiện 11 công trình điện trọng điểm. Ngành điện đang gấp rút chuẩn bị các điều kiện để đẩy nhanh tiến độ triển khai.
Để giảm phụ tải, bảo đảm nguồn điện cung cấp cho sản xuất công nghiệp trên địa bàn rất cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình điện. Trong ảnh: Trạm biến áp 110kV Mỹ Hòa (TX.Bến Cát) được đưa vào sử dụng năm 2022 góp phần giảm tải trong khu vực
Giảm phụ tải, giảm sự cố điện
Ông Lê Hồng Khanh, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Bình Dương (PCBD), cho biết bước vào thực hiện kế hoạch cung ứng điện trên địa bàn tỉnh trong năm 2023, mặc dù có được những thuận lợi nhưng dự báo PCBD sẽ gặp một số khó khăn và thách thức. Trong công tác cung cấp điện, do hiện nay hầu hết lưới điện vận hành đều quá tải, không có dự phòng và không có chế độ N-1 nên khi có vấn đề bất thường, sự cố xảy ra, việc chuyển nguồn rất khó khăn, thậm chí có thể phải khống chế nhu cầu sử dụng điện của khách hàng.
Bên cạnh đó, nguồn vốn đầu tư xây dựng còn hạn chế nên lưới điện trung áp phân phối chưa được đầu tư chiều sâu, các thiết bị vận hành trên lưới chưa được hiện đại hóa. Cùng với đó hiện nay các đơn vị đều gặp khó khăn về nhân sự nên không đủ nhân lực để khắc phục các tồn tại khiếm khuyết trên lưới điện và triển khai thực hiện các giải pháp giảm sự cố điện mà PCBD triển khai.
“Do lưới điện hiện nay vận hành đều quá tải nhiều khu vực nên việc giải quyết cấp điện cho khách hàng cần phải tính toán rà soát các phương án sang nguồn chuyển tải. Dù chỉ để cấp phụ tải với một lượng nhất định, không cấp đủ công suất theo nhu cầu, dẫn đến rất mất thời gian và phải thay đổi kết cấu vận hành lưới thường xuyên, khách hàng bức xúc vì không được cấp điện kịp thời phục vụ sản xuất”, ông Lê Hồng Khanh chia sẻ về công tác giải quyết cấp điện trên địa bàn tỉnh.
Theo PCBD, để đáp ứng nhu cầu điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt trên địa bàn, giải pháp căn cơ vẫn là đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình điện trọng điểm.
Tập trung tháo gỡ khó khăn
Năm 2022, Tổng Công ty Điện lực Miền Nam (EVNSPC) đã giao kế hoạch đầu tư xây dựng các công trình điện với tổng giá trị hơn 304 tỷ đồng, PCBD đã triển khai thực hiện giải ngân với tổng giá trị là 278,2 tỷ đồng, đạt 91,34% giá trị kế hoạch năm. Trong đó, đơn vị đã hoàn thành đóng điện 25 công trình lưới điện 22kV và 5 công trình cải tạo trạm biến áp 110kV, hoàn thành 11 dự án mua sắm. EVNSPC giao hoàn thành đóng điện 41/41 công trình nhưng PCBD thực hiện hoàn thành đóng điện 30/41 công trình.
Năm 2022, tỷ lệ giải ngân thấp, đạt 91,34% giá trị, là do nguyên nhân khách quan. Trong đó có 6 công trình lưới điện Quỹ đầu tư Phát triển Bình Dương không chấp thuận cho vay nên PCBD phải thực hiện vay vốn ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, khi triển khai thủ tục lựa chọn ngân hàng vay vốn thìchỉcó1 ngân hàng tham dựvàkhông đáp ứng tiêu chíđềra nên phải hủy thầu…
EVNSPC hiện đang triển khai đầu tư trên địa bàn tỉnh 39 công trình đầu tư xây dựng đường dây và trạm biến áp 110kV. Trong năm 2022, EVNSPC đã đóng điện đưa vào vận hành được 2 trạm biến áp 110kV, các công trình còn lại đang trong giai đoạn triển khai đầu tư. Hiện nay, hầu hết các công trình này đều chậm tiến độ so với kế hoạch do gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.
Liên quan các khó khăn vướng mắc nêu trên, tại buổi tiếp và làm việc với EVNSPC, ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã đánh giá cao những nỗ lực của ngành điện trong thời gian qua để bảo đảm nguồn điện cung cấp cho sản xuất, sinh hoạt trên địa bàn. Đối với những khó khăn liên quan công tác giải phóng mặt bằng, tỉnh sẽ giao Sở Công thương, Sở Tài nguyên và Môi trường và các địa phương phối hợp cùng PCBD để tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình điện quan trọng phục vụ sản xuất công nghiệp trên địa bàn.
Ông Lê Văn Trang, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Điện lực Miền Nam, cho biết hiện phụ tải trên địa bàn tỉnh Bình Dương luôn ở mức cao, điều này không an toàn về mặt kỹ thuật. Do đó, việc triển khai đưa vào vận hành các công trình điện trên địa bàn trong thời gian tới có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc bảo đảm nguồn điện thông suốt, an toàn đề phòng các sự cố điện liên quan.
Ông Võ Văn Minh cho biết thêm, năm 2022 mặc dù tình hình vẫn còn khó khăn nhất định, nhưng tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 8,02%. Có được kết quả này có sự đóng góp tích cực của ngành điện, bảo đảm nguồn điện phục vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Việc bảo đảm nguồn điện cung ứng cho sản xuất có ý nghĩa quan trọng trong việc giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh cũng như kêu gọi, thu hút đầu tư của tỉnh trong thời gian tới.
MINH DUY