Tháo gỡ “điểm nghẽn” trong cải cách thủ tục hành chính
Chính phủ vừa tổ chức hội nghị giao ban trực tuyến toàn quốc về thực hiện chương trình tổng thể cải cách thủ tục hành chính (CCTTHC) Nhà nước giai đoạn 2001-2010 và chương trình CCTTHC Nhà nước giai đoạn 2011-2020. Kết thúc giai đoạn rà soát của Đề án 30, Chính phủ đã thông qua 25 nghị quyết về phương án đơn giản hóa TTHC của các bộ, ngành. Theo đó, gần 5.000 trên tổng số 5.400 TTHC sẽ được đơn giản hóa; trong đó sửa đổi, bổ sung 4.146 thủ tục, bãi bỏ 480 thủ tục, kiến nghị thay thế 192 thủ tục, đạt tỷ lệ 88%. Việc triển khai thực hiện Đề án 30 cho thấy các phương án đơn giản hóa TTHC sau khi được hiện thực hóa thông qua việc sửa đổi các văn bản pháp luật có liên quan sẽ góp phần cắt giảm gần 30.000 tỷ đồng/năm chi phí tuân thủ TTHC cho các cá nhân, tổ chức.
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, so với mục tiêu của chương trình tổng thể CCTTHC Nhà nước giai đoạn 2001-2010 thì chưa đạt yêu cầu, còn nhiều hạn chế phải khắc phục. Rào cản làm hạn chế kết quả của chương trình đó chính là những “điểm nghẽn” trong hệ thống thể chế, bộ máy, TTHC nhằm giải phóng các nguồn lực hiện có, huy động thêm nhiều nguồn lực của xã hội để thực hiện phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Song song đó sẽ tập trung cải cách đội ngũ cán bộ, công chức để tạo động lực, sinh khí mới cho nền hành chính. Tham dự hội nghị, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, việc CCTTHC phải nhất quán tinh thần “cởi trói thủ tục”, tạo thuận lợi tối đa cho người dân. Ông Phúc thẳng thắn: CCTTHC không thể cứ giành thuận lợi cho cơ quan quản lý, còn khó khăn thì đẩy cho người dân!
Đề án 30 của Chính phủ là đề án mang tính khả thi cao. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi mang tính quyết định trước mắt và lâu dài trong CCTTHC hiện nay là xây dựng đội ngũ cán bộ vừa hồng vừa chuyên, có ý thức trách nhiệm trong công việc nhằm để khắc phục tồn tại, khai thông “điểm nghẽn” ở nhiều khâu như: Đầu tư xây dựng, chỉnh trang đô thị, điều chỉnh dự án, thẩm định và duyệt thiết kế. Lâu nay, những lĩnh vực này cán bộ thực thi công vụ vẫn còn gây phiền hà, nhũng nhiễu người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, có một bộ phận cán bộ, công chức thờ ơ, né tránh, sợ trách nhiệm đã gây trở ngại quá trình CCTTHC. Vì vậy, CCTTHC theo Đề án 30 của Chính phủ còn nhiều điều phải làm như: Thực hiện một cửa, một cửa liên thông, quy chuẩn hóa công sở, chống quan liêu, tham nhũng và luân chuyển cán bộ yếu kém không hoàn thành nhiệm vụ. Cán bộ đứng đầu các ngành, các cấp đều hiểu rõ những nhiệm vụ này. Vấn đề ở chỗ là sự chủ động thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao, chứ không phải đợi cấp trên tuýt còi, nhắc nhở.
NHẬT HUY