Tháo gỡ để phát triển

Thứ tư, ngày 20/12/2023

(BDO) Tại hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Nghị định số 45/2012/ NĐ-CP của Chính phủ về khuyến công, các ngành thuộc Bộ Công thương và Sở Công thương các tỉnh, thành phố đã thảo luận các vướng mắc hoạt động khuyến công quốc gia hỗ trợ các tỉnh thành phố.

Theo đó, các ý kiến nêu rõ bên cạnh những thuận lợi, trong quá trình triển khai thực hiện công tác khuyến công cũng gặp một số khó khăn cần phải tháo gỡ. Nghị định 45 của Chính phủ về khuyến công đã ban hành được 10 năm nên một số quy định đã bất cập so với thực tiễn. Việc triển khai công tác khuyến công đến địa bàn các xã, các huyện gặp nhiều khó khăn về địa lý, phương tiện đi lại, nguồn nhân lực; cơ chế chính sách cho chương trình khuyến công hiện nay còn chưa phù hợp, chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp và các cơ sở công nghiệp nông thôn. Một số cơ sở năng lực sản xuất còn hạn chế, năng lực tiếp cận khoa học công nghệ chuyển đổi số kết nối giao thương, cải tiến mẫu mã bao bì sản phẩm còn chưa cao; vòng đời sản phẩm chậm thay đổi về thông tin nhu cầu thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu nên việc hoạt động sản xuất, kinh doanh còn có nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, tổ chức bộ máy của trung tâm khuyến công các tỉnh, thành phố chưa thống nhất, ổn định nên lượng cán bộ làm công tác khuyến công còn rất ít, ảnh hưởng đến kết quả thực hiện nhiệm vụ chung của nghị định.

Riêng với Bình Dương, lãnh đạo ngành công thương khẳng định hoạt động khuyến công địa phương đã đem lại nhiều hiệu quả thiết thực, tạo động lực thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh; từng bước khẳng định vai trò, vị thế trong phát triển công nghiệp nông thôn; góp phần phát triển kinh tế, tạo điều kiện trong quá trình xây dựng nông thôn mới.

Đặc biệt, các hoạt động khuyến công của địa phương đã kịp thời giúp cho các doanh nghiệp cải thiện công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm, góp phần phát triển công nghiệp nông thôn, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động.

Từ những kết quả đạt được, trong thời gian tới ngành công thương tiếp tục đặt mục tiêu huy động tối đa các nguồn lực để hỗ trợ cho các tổ chức cá nhân trực tiếp đầu tư sản xuất công nghiệp, khuyến khích hỗ trợ sản xuất tại các doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và bảo vệ sức khỏe con người; hướng hoạt động khuyến công vào các ngành nghề thế mạnh của tỉnh. Đồng thời, tập trung hỗ trợ gia tăng hàm lượng công nghệ trong sản phẩm công nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp phát triển công nghiệp nông thôn và các mặt hàng.

Phía cộng đồng doanh nghiệp cũng đề nghị ưu tiên và nâng mức hỗ trợ cho các cơ sở công nghiệp nông thôn, đồng thời giảm bớt các thủ tục hành chính trong hoạt động hỗ trợ khuyến công cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.

KHẢI ANH