Tháo dần những “điểm nghẽn” giao thông
(BDO) Trong Chương trình số 42-CTr/TU của Tỉnh ủy về tập trung phát triển hạ tầng giao thông theo hướng đô thị hóa, xây dựng thành phố thông minh Bình Dương giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, Bình Dương đã đưa ra quan điểm ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông theo hướng đô thị hóa, xây dựng thành phố thông minh; tạo tiền đề, làm động lực phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.
Theo đó, ưu tiên tập trung đầu tư các dự án giao thông trọng điểm, huyết mạch, có tác động lan tỏa, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là các tuyến đường kết nối vùng; phát triển hạ tầng giao thông gắn kết với phát triển đô thị và huy động các nguồn lực đầu tư theo hướng xã hội hóa, vốn đầu tư từ ngân sách sẽ ưu tiên đầu tư những dự án giao thông trọng điểm, các công trình thiết yếu, quan trọng, khó huy động được các nguồn lực xã hội.
Về hạ tầng giao thông của tỉnh trong nhiều năm qua liên tục được đầu tư phát triển và là một lợi thế so sánh quan trọng của tỉnh trong thu hút đầu tư. Đến nay, toàn tỉnh có trên 7.421km đường giao thông, trong đó có 3 tuyến quốc lộ gồm 1A, 1K và 13 dài 77km. Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 14 tuyến đường tỉnh với chiều dài 449km; các tuyến đường huyện và đường đô thị đã nhựa hóa đạt từ 80-94%. Các tuyến đường này vừa làm nhiệm vụ phát triển giao thông - vận tải phục vụ phát triển công nghiệp, vừa kết nối các đô thị vệ tinh xung quanh thành phố mới Bình Dương.
Với các chính sách đột phá “đi trước một bước” trong đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, thời gian qua, Bình Dương đãđạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tỉnh đã và đang tập trung huy động các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh ngày càng hoàn thiện, phục vụ tốt hơn cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, giao thương của người dân và doanh nghiệp.
Để phát triển bền vững hơn, Bình Dương đang tập trung đầu tư các trục giao thông trọng điểm, huyết mạch của tỉnh và của vùng. Các dự án giao thông trọng điểm huyết mạch liên vùng đang triển khai, như: Đường Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng; nâng cấp mở rộng Quốc lộ 13 và tuyến Vành đai 3, Vành đai 4… Những dự án này sẽ giúp kết nối và “chia lửa” tuyến Quốc lộ 13 qua Bình Dương, tạo sức bật cho phát triển kinh tế, đáp ứng hai mục tiêu lớn là giải tỏa áp lực giao thông trên tuyến và chuẩn bị cho phát triển đô thị sắp tới của tỉnh.
TRIẾT NHÂN