Thành phố trẻ, hành trình mới
(BDO) Hôm qua (12-4), TP.Tân Uyên, thành phố thứ 4 của tỉnh Bình Dương, chính thức được công bố thành lập. Từ một vùng đất chịu ảnh hưởng nặng nề của chiến tranh, có xuất phát điểm thấp, chủ yếu dựa vào kinh tế nông nghiệp, Tân Uyên giờ đã thay áo mới với lấp lánh sắc màu công nghiệp hóa, đô thị hóa. Lên thành phố, Tân Uyên bước vào một hành trình mới - hành trình phát triển của một đô thị công nghiệp - dịch vụ văn minh, hiện đại.
Hành trang mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.Tân Uyên mang theo trên hành trình mới là truyền thống của vùng đất chiến khu anh hùng; là sự thống nhất giữa ý Đảng, lòng dân; là biết bao những chiến công oanh liệt, thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội... vốn được xây bằng trí tuệ, xương máu, mồ hôi, nước mắt của các thế hệ đi trước và hôm nay. Với vai trò là một “cửa ngõ” phát triển mới của tỉnh, đầu mối kết nối liên vùng, khi lên thành phố sẽ mở ra cơ hội lớn, rất thuận lợi để Tân Uyên vươn mình, đột phá, tiếp tục tạo ra nhiều dấu ấn phát triển mới. Xây dựng TP.Tân Uyên đạt tiêu chí đô thị loại II là mục tiêu trước mắt đã được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đề ra và cụ thể hóa bằng những chương trình, kế hoạch để có thể hoàn thành trước năm 2025. Tuy nhiên, trên chặng đường mới, trong hình hài của một thành phố trẻ, Tân Uyên với bề dày truyền thống, văn hóa, lịch sử, nơi hội tụ đông đảo người lao động khắp mọi miền đất nước…, cần phải hướng đến một sự phát triển đồng đều, cân bằng, bền vững. Đó là phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị nhưng vẫn giữ gìn được bản sắc văn hóa truyền thống, các sản phẩm nông nghiệp độc đáo và cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, yên bình; tăng trưởng kinh tế gắn với bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu… Đây cũng là yêu cầu từ thực tiễn đặt ra cho TP.Tân Uyên trên hành trình mới. Yêu cầu này đòi hỏi phải có những đường hướng, giải pháp phát triển sát thực, phù hợp để xây dựng Tân Uyên trở thành thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình và đáng sống.
THÀNH SƠN